Áp lực lớn từ chính sách thuế của Mỹ, Hòa Phát dừng chia cổ tức tiền mặt
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa công bố quyết định của Hội đồng quản trị về việc thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2024 và tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2025 trình đại hội sắp tới.
Theo đó, Hòa Phát sẽ trả cổ tức năm 2024 hoàn toàn bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, thay vì 15% cổ phiếu và 5% tiền mặt như kế hoạch trước đó trong tài liệu họp cổ đông thường niên.
Việc điều chỉnh chính sách cổ tức đến sau khi ban quản trị xem xét chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng với nhiều đối tác, trong đó có Việt Nam. Quyết định của tập đoàn trên cơ sở thận trọng và đảm bảo nguồn vốn tiền mặt trước những biến động ở tầm quốc tế.
Hòa Phát vẫn quyết định giữ nguyên tỷ lệ chi trả 20% cho năm 2025, song chưa đề cập đến hình thức chia bằng tiền mặt hay chia bằng cổ phiếu.
Hiện tập đoàn thép đầu ngành này có gần 6,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, theo đó có thể phát hành mới gần 1,3 tỷ cổ phiếu trả cổ tức 2024. Vốn điều lệ tập đoàn dự kiến tăng thành 76.755 tỷ đồng.
Năm nay, Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu dự kiến cao kỷ lục 170.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế ở mức 15.000 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm trước (chỉ xếp sau năm kỷ lục 2022).

Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục và lợi nhuận tăng trưởng 25%. Nguồn: HL tổng hợp.
Đại hội thường niên năm 2025 dự kiến diễn ra vào sáng ngày 17/4 tại Khách sạn Melia Hà Nội, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Đây là cuộc họp thu hút đông đảo nhà đầu tư, được xem là một đại hội cổ đông "quốc dân".
Gần nhất tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, tại ngày chốt danh sách tham dự, Hoà Phát có 165.914 cổ đông, lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Con số ghi nhận tại đại hội năm 2023 thậm chí đạt đến 179.108 cổ đông.
Tại cuộc họp sắp tới, lãnh đạo Hòa Phát sẽ có những chia sẻ về góc nhìn của doanh nghiệp đứng đầu ngành thép, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các dự án trọng điểm là Dung Quất 2, nhà máy thép mới tại Phú Yên, nhà máy sản xuất thép đường ray cao tốc, phát triển các khu công nghiệp...
Không chỉ chịu áp lực từ thuế đối ứng mà các doanh nghiệp thép còn đối mặt với nhiều chính sách bảo hộ khác. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hòa Phát cùng với nhiều doanh nghiệp tôn mạ tên tuổi khác như Nam Kim, Tôn Pomina, Thương mại Thép TVP, Thép Tây Nam, Tôn Phương Nam... chịu mức thuế AD đến 49,42% khi xuất hàng vào Mỹ.
Ngoài việc đối mặt với thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp thép Việt Nam còn phải đối phó với cuộc điều tra Thuế chống trợ cấp (CVD) đang được DOC tiến hành song song.