|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sẽ trình Quốc hội về việc tăng vốn cho Agribank bằng ngân sách tối đa 3.500 tỉ đồng

14:15 | 17/05/2020
Chia sẻ
Mức bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỉ đồng.

Tỉ lệ CAR của Agribank cuối quí I chỉ đạt 6,9% theo Basel II

Theo vừa có báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế Quốc hội khoá XIV về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Agribank, đây là chủ trương đã được Bộ Chính trị kết luận.

Agribank là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, giữ vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và đóng vai trò chủ đạo trong cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank chiếm 14% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, nhất là tín dụng nông nghiệp, nông thôn (chiếm 50% của hệ thống các TCTD).

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của Agribank bị suy giảm do tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản.

Tại thời điểm 31/12/2019, tỉ lệ an toàn vốn của Agribank chỉ đạt 9,2%, sát ngưỡng tối thiểu theo qui định tại Thông tư 22. Nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II, tỉ lệ an toàn vốn của ngân hàng này tại thời điểm 31/12/2019 chỉ đạt 7,3%, thời điểm 31/3/2020 chỉ đạt 6,9% (không bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% theo quy định tại Thông tư 41).

Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính nhưng Agribank vẫn chưa đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Do đó, tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, tăng cường vai trò và đóng góp của Agribank cho nền kinh tế. Đồng thời, đáp ứng được tỉ lệ bảo đảm an toàn của Agribank nói riêng và an toàn hệ thống tài chính quốc gia nói chung, hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế.

Về nguyên tắc, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ bao gồm nội dung về nguồn tăng vốn. Cùng với đó, việc quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn vốn NSNN sẽ không phù hợp với việc "không sử dụng NSNN để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại" qui định tại Nghị quyết số 25.

Ngày 14/5 mới đây, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 70 thống nhất việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019. Mức bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỉ đồng.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là căn cứ quan trọng, cần thiết để Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn NSNN.

Nếu được chấp thuận tăng vốn điều lệ của Agribank có tính lan toả cao

Về tác động của việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ NSNN, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ có tính lan tỏa cao, tăng dư nợ tín dụng cho khách hàng, nhất là hỗ trợ các đối tượng chính sách, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Qua đó, góp phần hỗ trợ kịp thời hệ thống ngân hàng trong việc giảm tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 đối với các đối tượng yếu thế, thực hiện nhiệm vụ cấp bách phục hồi kinh tế-xã hội.

Một số ý kiến để nghị Chính phủ cần báo cáo bổ sung về dự kiến phân bổ số tiền 14.124,2 tỉ đồng theo Nghị quyết số 936, bên cạnh việc tăng vốn điều lệ cho Agribank còn các nhiệm vụ cấp bách nào khác, qua đó đánh giá rõ tác động đối với các nhiệm vụ chi khác trong năm 2020.

Trường hợp được Quốc hội chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đề nghị Chính phủ, NHNN chỉ đạo Agribank thực hiện các giải pháp tích cực hơn, nhằm tăng thêm vốn cấp 2 để bảo đảm hệ số an toàn vốn theo qui định pháp luật.

Thu Hoài