|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điện mặt trời vướng dây dẫn

20:25 | 04/12/2018
Chia sẻ
Việc cấp phép các dự án điện mặt trời đã vượt hơn 9 lần so với quy hoạch điện VII (điều chỉnh). Nhiều rủi ro cho nhà đầu tư khi lưới điện truyền tải không được đầu tư kịp.
dien mat troi vuong day dan

Vệ sinh các tấm panel năng lượng mặt trời ở Nhà máy điện An Hội, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

6.000 MW Là công suất các dự án điện mặt trời được cấp phép phát triển trước tháng 6-2019.

Vẫn còn nguy cơ nhà máy đầu tư xong không có đường dây truyền tải đến người tiêu dùng.

Chờ lưới điện

Ông L.A.T. - một nhà đầu tư tư nhân - cho biết đã rót hàng trăm tỉ đồng để xây dựng các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh ĐBSCL...

Công nhận việc rót vốn vào các dự án điện mặt trời kịp hoàn thành trước tháng 6-2019 để được hưởng mức giá 9,35 cent/kWh trong 20 năm nhưng ông L.A.T. lo lắng: chỉ một số dự án ký được thỏa thuận đấu nối vào lưới điện, những dự án mới triển khai đang bị... mắc kẹt, chưa thể có thỏa thuận.

Thực trạng này khiến nhiều nhà đầu tư dự án điện mặt trời lo lắng, khi đã bỏ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ nhưng khi xây dựng xong, dự án khó bán điện nếu không kịp nối lưới. "Đó là lo ngại lớn nhất. Không truyền tải được, đầu tư cũng vô nghĩa" - ông L.A.T. nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện EVN cho hay hầu hết các dự án năng lượng tái tạo đều tập trung ở các khu vực xa trung tâm, nhu cầu tiêu thụ điện tại chỗ rất thấp.

Điện mặt trời có thể xây dựng chỉ khoảng 6-12 tháng trong khi đầu tư lưới điện truyền tải cần 3-5 năm, nên với số lượng các dự án có quy mô lớn được bổ sung vào quy hoạch sẽ gặp khó khăn để truyền tải.

Chưa kể, theo quy định của Chính phủ, lưới điện đấu nối từ dự án điện gió, mặt trời đến điểm đấu nối vào lưới quốc gia thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư. Tuy nhiên khi các dự án tập trung và phát triển với mật độ cao ở một số khu vực thì trách nhiệm đầu tư nâng cấp lưới điện truyền tải lại chưa được quy định rõ.

Theo ông Nguyễn Đức Cường - nguyên giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng - Bộ Công thương), đang có "lộn xộn" trong đầu tư điện mặt trời do chưa có quy hoạch riêng, trong khi quy hoạch điện VII chưa có danh mục dự án cụ thể. Khi xin cấp phép sẽ phải xin bổ sung quy hoạch.

Các dự án điện mặt trời thường có quy mô nhỏ nhưng có nhiều thủ tục như dự án nhiệt điện than quy mô 1.000 - 2.000 MW, khiến nhà đầu tư khá vất vả. Chưa kể, có tình trạng một số nhà đầu tư làm theo phong trào, đăng ký dự án để "giữ suất" hoặc chuyển giao.

Dân vẫn lo khi làm điện áp mái

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thùy Ngân - giám đốc thương hiệu Công ty Solar Bách Khoa, làm điện mặt trời áp mái cũng chưa thực sự thuận lợi. Hiện nay việc thay thế đồng hồ điện hai chiều cho người dân chưa đồng loạt, khá nhiều khách hàng của công ty đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhưng chưa được thay mới đồng hồ.

Còn theo giám đốc một công ty phân phối và lắp đặt hệ thống điện mặt trời có trụ sở tại quận 3, TP.HCM, khó khăn lớn nhất hiện nay là thời gian điện lực trả lại tiền điện nối lên lưới cho người dân vẫn chưa cụ thể.

Hợp đồng mua lại điện cho dân chỉ là hợp đồng tạm thời, tới tháng 6-2019 sẽ có giá mới nên nhiều người e dè sau này giá mua điện sẽ giảm.

"Cần sớm thống nhất cơ chế mua lại điện mặt trời nối lên lưới cho người dân an tâm khi lắp đặt", vị này kiến nghị.

Tìm cách tránh "vỡ trận"

Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, lo lắng khả năng "vỡ trận" điện mặt trời. Bởi hiện nay quy hoạch hệ thống lưới điện vẫn chưa được hiệu chỉnh trước sự tăng mạnh các dự án điện mặt trời, nên EVN khó có cơ sở đầu tư.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thành - phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) - cũng nhìn nhận việc tập trung quá nhiều dự án điện mặt trời ở một số khu vực gây tắc nghẽn truyền tải điện.

Chưa kể đây là nguồn không ổn định, khó kiểm soát, có thể tạo ra rủi ro cho hệ thống. "Nhà đầu tư dồn dập vào thật nhưng chắc sẽ có nhiều dự án không đạt" - ông Thành nói và cho hay vấn đề truyền tải đã đưa vào quy hoạch điện mặt trời để tới đây trình Chính phủ xem xét.

Ông Nguyễn Đức Cường đề xuất tới đây việc cấp phép các dự án cũng đòi hỏi tính minh bạch cao hơn, có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn.

Theo EVN, phải đảm bảo tính đồng bộ giữa việc phát triển các nguồn điện và lưới điện ngay khâu lập và phê duyệt quy hoạch. Cần có cơ chế cho phép xã hội hóa đầu tư một số công trình lưới điện thu gom điện các dự án điện gió, mặt trời.

Đưa đất dự án chưa hiệu quả làm điện mặt trời

Theo ông Dương Văn Hoàng Hoanh, phó giám đốc Sở Công thương Long An, tỉnh này đang trình các cấp có thẩm quyền 13 dự án điện mặt trời. Trong 4 dự án hiện đã được phê duyệt và đang thi công, dự án của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) tại Thạnh Hóa có công suất lớn nhất là 100 MWp. Hàng loạt dự án khác ở tỉnh Long An đang trình phê duyệt. Cũng theo ông Hoanh, Long An quy hoạch phát triển điện mặt trời tại các dự án đã giao đất nhưng hàng chục năm chưa khai thác hiệu quả. Ông Hoanh cho rằng việc phát triển những khu vực kinh tế còn khó khăn thành các trung tâm điện mặt trời sẽ góp phần bảo vệ môi trường, thêm nguồn điện và tạo ra công ăn việc làm. Về đấu nối các dự án điện mặt trời với điện lưới quốc gia, ông Hoanh cho hay Long An chủ trương xây dựng trung tâm để kết nối nhiều dự án rồi đưa lên lưới điện. QUANG KHẢI

Ông Nguyễn Văn Thành (phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương):

Tránh đưa công nghệ cũ vào VN

Có khả năng tới đây Bộ Công thương xem xét có nhiều giá mua điện mặt trời (giá FIT) theo vùng. Khi có mức giá này, nhà đầu tư khai thác ở đâu cũng có hiệu quả như nhau sẽ hút nhà đầu tư ra các vùng khác nhau. Việc đưa một mức giá có khả năng sẽ không đưa được công nghệ mới và tiên tiến vào VN, nên có thể có nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận chỉ mua thiết bị Trung Quốc giá rẻ. Do đó, có nhiều mức giá với kịch bản cao và thấp là để thiết bị điện mặt trời tiếp cận với công nghệ, tránh chuyện chạy theo lợi nhuận tức thì.

Ngọc An - Lê Phan

[LIVE] ĐHĐCĐ DIG: Chủ tịch cho biết đang xin làm hai thành phố y tế, nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa
Tính đến 16h32p, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG có sự tham dự của 2.101 cổ đông (trực tiếp, trực tuyến và ủy quyền), đại diện hơn 306 triệu cổ phần, tương đương 50,24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.