|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Diễn biến đối lập hai cổ phiếu họ FLC: GAB vượt đỉnh lịch sử, ROS giảm sàn mất thanh khoản sau khi ETF mua vào

11:42 | 30/12/2019
Chia sẻ
Tính đến sáng 30/12, cổ phiếu GAB ghi nhận 8 phiên tăng trần liêp tiếp đồng thời lập đỉnh giá mới tại 17.300 đồng/cp. Trong khi đó, cổ phiếu ROS giảm sàn ba phiên trong tình trạng mất thanh khoản, đánh mất mốc 20.000 đồng/cp.
Diễn biến đối lập hai cổ phiếu họ FLC: GAB vượt đỉnh lịch sử, ROS giảm sàn mất thanh khoản sau khi ETFs mua vào - Ảnh 1.

Khu resort của Tập đoàn FLC tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Sơn Tùng.

Phiên giao dịch sáng 30/12, cổ phiếu GAB của Công ty cổ phần GAB tiếp tục tăng kịch trần (6,8%) lên 17.300 đồng/cp. Tại thời điểm 10h50, mã này khớp lệnh được 245.640 đơn vị và còn dư mua 48.920 đơn vị tại mức giá trần.

Đây là phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp của cổ phiếu GAB tính từ ngày 19/12, nâng tổng mức tăng lên 69,6%. Trước đó, mức giá cao nhất cổ phiếu GAB từng đạt được là 17.100 đồng/cp vào ngày 19/8.

Chuỗi bứt phá của GAB diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

Cụ thể, ngày đăng kí cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 13/1/2020. Thời gian tổ chức lấy ý kiến cổ đông dự kiến từ 15/1 đến 15/2/2020. Nội dung lấy ý kiến là việc sửa đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh và thông qua một số vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội cổ đông.

GAB là một công ty có liên quan đến Tập đoàn FLC của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết. Cụ thể, Tập đoàn FLC là cổ đông sáng lập và từng sở hữu 80% vốn của GAB. Sau khi thoái bớt vốn, hiện nay FLC là cổ đông lớn có sở hữu 9% tại GAB.

Ông Trần Thế Anh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC - hiện cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của GAB. Đồng thời ông Thế Anh cũng là cổ đông lớn sở hữu 7,25% vốn của GAB.

Diễn biến đối lập hai cổ phiếu họ FLC: GAB vượt đỉnh lịch sử, ROS giảm sàn mất thanh khoản sau khi ETFs mua vào - Ảnh 2.

Diễn biến trái ngược của hai cổ phiếu "họ FLC" trong một tháng gần đây: GAB đi lên, ROS đi xuống. Nguồn: VNDirect.

Trái với diễn biến khởi sắc của GAB, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros chứng kiến phiên giảm sàn thứ ba liên tiếp, xuống còn 18.600 đồng/cp trong phiên sáng 30/12. Tình trạng mất thanh khoản cũng xuất hiện khi đến 10h50 cổ phiếu này chỉ khớp lệnh được 63.200 đơn vị, trong khi khối lượng dư bán sàn lên tới gần 21 triệu đơn vị.

Việc giảm sàn mất thanh khoản của ROS đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi trên thị trường không xuất hiện tin tức tiêu cực nào đối với doanh nghiệp này.

Trước đó, cổ phiếu ROS được gia tăng tỉ trọng trong danh mục của hai quĩ ETF ngoại tại Việt Nam. Thống kê chi tiết, khối lượng cổ phiếu ROS được ETF mua vào ước tính lên tới 3,6 triệu đơn vị.

Trong đó, FTSE ETF mua vào 139.467 cp, trong khi VNM ETF mua khoảng 3,45 triệu cp. Giao dịch diễn ra trong tuần 16 - 20/12, với mức giá trung bình của cổ phiểu ROS khoảng 24.000 đồng/cp. Như vậy, giá trị giao dịch của hai quĩ ETF ở cổ phiếu ROS đạt khoảng 86,3 tỉ đồng.

Thời gian gần đây, cổ phiếu ROS liên tiếp xuất hiện giao dịch thỏa thuận khủng với giá trị hàng trăm tỉ đồng mỗi phiên. Trong phiên gần nhất 27/12, giá trị thỏa thuận cổ phiếu này đạt 195,6 tỉ đồng.

Tương tự như GAB, FLC Faros cũng là một doanh nghiệp liên quan của Tập đoàn FLC. Cụ thể, FLC Faros có Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất là ông Trịnh Văn Quyết - người đồng thời là Chủ tịch và cổ đông lớn nhất của Tập đoàn FLC.

Ông Trịnh Văn Quyết hiện sở hữu hơn 312,2 triệu cp ROS, tương ứng tỉ lệ 55,01%. Mới đây, ông Quyết đăng kí bán 21 triệu cổ phiếu ROS, dự kiến thực hiện từ 6/12/2019 đến 3/1/2020 qua phương thức thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, sở hữu của ông sẽ giảm xuống còn trên 291,2 triệu đơn vị, ứng với tỉ lệ 51,3%.

Trước đó, từ 5/9 đến 1/10, ông Trịnh Văn Quyết đã bán 70 triệu cổ phiếu ROS cũng theo phương thức thỏa thuận. Tính theo thị giá giai đoạn đó, ông Quyết đã thu về khoảng 1.850 tỉ đồng từ việc bán cổ phiếu ROS.

Sơn Tùng

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.