|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nền kinh tế suy yếu vì virus corona, Bắc Kinh buộc phải cân nhắc lại các mục tiêu

17:06 | 04/02/2020
Chia sẻ
Theo Bloomberg, trong bối cảnh dịch do virus corona bùng phát và không cho thấy nhiều dấu hiệu suy yếu, Trung Quốc đang chuẩn bị kế hoạch điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp với sự chậm lại của tốc độ tăng trưởng.

Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc liệu có nên hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 xuống hay không.

Trong khi đó, các nhà nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) thuộc sở hữu nhà nước cũng đang nghiên cứu xem có cần phải tuyên bố rằng họ không thể hoàn thành một số điều khoản liên quan đến vấn đề vận chuyển hàng do rơi vào tình trạng bất khả kháng hay không.

Ngoài ra, các nhà chức trách ở Bắc Kinh cũng đang hi vọng Mỹ sẽ đồng ý linh hoạt ở một số điều khoản trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Hai phần ba nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ đóng cửa trong tuần này vì nhiều tỉnh thành còn đang kéo dài kì nghỉ Tết Nguyên đán để hạn chế sự lây lan của dịch do virus corona.

Dịch virus corona làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải cân nhắc lại các mục tiêu - Ảnh 1.

Đường phố ở trung tâm tài chính Thượng Hải vắng tanh hôm 3/2. (Ảnh: Bloomberg)

Cân nhắc hạ mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm thường được công bố vào tháng 3 sau khi các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc nhất trí tán thành tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào tháng 12 trước đó.

Theo Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng GDP quanh mức 6% trong năm 2020 sau khi hi vọng mức tăng trưởng trong phạm vi 6 - 6,5% vào năm ngoái.

Bloomberg Economics cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể giảm còn 4,5% trong quí hiện tại.

Quan chức chính phủ Trung Quốc cũng đang xem xét các biện pháp mới để củng cố nền kinh tế, gồm bán thêm trái phiếu chính phủ đặc biệt. Cũng theo nguồn tin của Bloomberg, Bắc Kinh cũng có thể nâng giới hạn tỉ lệ thâm hụt ngân sách/tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Dịch virus corona làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải cân nhắc lại các mục tiêu - Ảnh 2.

Thông tin so sánh giữa virus corona (tính đến 13h ngày 4/2, giờ Việt Nam), SARS, MERS, Ebola, H1N1 và dịch cúm theo mùa tại Mỹ (ước tính trong giai đoạn 2019 - 2020) mà South China Morning Post tổng hợp từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Số liệu thể hiện lần lượt theo ba cột (từ trái qua): tỉ lệ tử vong, số ca nhiễm bệnh, số ca tử vong. (Ảnh chụp màn hình)

Phiên họp vào tháng 3 năm nay, dự kiến bắt đầu vào ngày 5/3, có thể sẽ bị trì hoãn vì dịch bệnh làm gián đoạn hoạt động của chính quyền trên khắp Trung Quốc.

Hai cuộc họp bất thường của bộ máy lãnh đạo Trung Quốc

Tại một cuộc họp đột xuất, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi tất cả quan chức chính phủ nhanh chóng hợp tác để ngăn chặn virus corona lây lan, cho rằng dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính ổn định của xã hội Trung Quốc.

Phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 3/2, ông Tập Cận Bình nói: "Nỗ lực ngăn chặn dịch viêm phổi Vũ Hán gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, tính ổn định của xã hội và nền kinh tế cũng như đối với quá trình mở cửa của Trung Quốc".

Đây là phiên họp thứ hai của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất tại Trung Quốc thời gian gần đây để xử lí cuộc khủng do virus corona gây ra. Theo Bloomberg, các phiên họp như vậy là một điều hiếm khi xảy ra trong vài thập kỉ qua.

Dịch virus corona làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải cân nhắc lại các mục tiêu - Ảnh 2.

Các chuyên gia y tế cách li người bệnh tại Indonesia. (Ảnh: AFP)

Các doanh nghiệp nhập khẩu khí LNG đứng trước quyết định quan trọng

Mức tiêu thụ dầu thô ở Trung Quốc ước tính đã giảm 20% và có khả năng khiến các nhà sản xuất nhiên liệu giảm sản lượng và tìm cách trì hoãn một số đợt nhập khẩu.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là nước mua khí đốt hóa lỏng lớn thứ hai toàn cầu, do đó việc nhu cầu khí đốt tại Trung Quốc suy yếu cũng buộc các nhà nhập khẩu cân nhắc hoãn mua khí đốt để tránh tình trạng hàng tồn kho cao.

Các nhà nhập khẩu LNG, gồm cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), vẫn đang đánh giá tác động của dịch virus corona đối với mức tiêu thụ khí LNG và chưa quyết định có nên đưa ra tuyên bố hay không.

CNOOC và PetroChina đã bắt đầu soạn thảo các tài liệu cần thiết để đưa ra tuyên bố nếu cần, trong khi Sinopec cũng đang cân nhắc trường hợp bất khả kháng.

Dịch virus corona có thể buộc Trung Quốc yêu cầu Mỹ cân nhắc lại thỏa thuận thương mại

Mỹ và Trung Quốc đã kí kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào ngày 15/1. Thỏa thuận sơ bộ dự kiến sẽ có hiệu lực vào giữa tháng 2.

Thỏa thuận có một điều khoản như sau: Hai bên sẽ tham vấn phía còn lại trong trường hợp một thảm họa thiên nhiên hoặc sự kiện bất thường không lường trước khiến một trong hai nước không thể thực thi các điều khoản.

Theo Bloomberg, hiện chưa rõ liệu Trung Quốc đã chính thức gửi yêu cầu tham vấn như vậy hay chưa, tuy nhiên nguồn thạo tin cho hay khả năng này sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó.

Người phát ngôn của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Washington chưa nhận được yêu cầu nào từ Bắc kinh về việc thảo luận các thay đổi trong cam kết mua hàng hóa của họ.

Trong năm đầu tiên của thỏa thuận, Trung Quốc đã cam kết sẽ mua thêm 76,7 tỉ USD hàng hóa Mỹ so với năm 2017 và tăng thêm 123,3 tỉ USD trong năm thứ hai.

Các giao dịch mua nông sản Mỹ của Trung Quốc giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sinh kế của nhiều nông dân Mỹ, vốn đã chịu thiệt hại nặng nề do cuộc chiến thuế quan giữa hai bên trong hai năm qua. 

Ngoài ra, nông dân cũng là một bộ phận cử tri cốt lõi của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Yên Khê