|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát tại Thanh Hóa: Nhiều địa phương lơ là phòng chống dịch

16:29 | 04/10/2019
Chia sẻ
Trong 10 ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10, tổng số lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chiếm 1/4 số lượng lợn tiêu hủy từ cuối tháng 2 đến nay. Nguyên nhân một phần do các địa phương lơ là công tác phòng chống dịch.

Dịch bùng phát trở lại

Bà Đỗ Thị Thư ở thôn Hòa Triều, xã Tiến Nông (Triệu Sơn) cho biết nuôi 16 - 20 con lợn/lứa. Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã khiến gia đình phải tiêu hủy toàn bộ số lợn. Hiện gia đình không dám tái đàn mà mua bò về nuôi thay thế.

Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát tại Thanh Hóa: Nhiều địa phương lơ là phòng chống dịch - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác kiểm dịch tại chốt kiểm dịch Cầu Thiều (Triệu Sơn).

Còn bà Nguyễn Thị Huyền tại thôn 1 cho biết, dịch lây lan rất nhanh sau những trận mưa to. Đến nay, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 16 con lợn thịt, 2 con lợn nái. Trong chuồng nuôi của bà Huyền hiện còn 1 đàn lợn choai do lợn nái để lại. Một số ô chuồng đã được chuyển sang nuôi gà.

“Số lợn còn lại này, không có dấu hiệu dịch bệnh nên cũng để nuôi, bán cũng chẳng ai mua. Giờ không ai tái đàn nữa, chỉ chuyển sang nuôi gà hoặc trâu bò thôi”, bà Huyền cho hay.

Theo thông tin từ UBND xã Tiến Nông, toàn xã có gần 3 nghìn con lợn nhưng đã tiêu hủy trên 2,7 nghìn con.

Trong số các địa phương tại Thanh Hóa, Triệu Sơn là huyện công bố dịch muộn (16/5/2019). Tuy nhiên, DTLCP tại Triệu Sơn lại lây lan rất nhanh, từ 10/9 đến nay, có ngày tiêu hủy trên 62 tấn lợn. Số lợn đã tiêu hủy chiếm gần 31% tổng đàn, nặng nhất là các xã Tiến Nông, Minh Dân, hiện tổng đàn chỉ còn chưa đến 8%.

Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát tại Thanh Hóa: Nhiều địa phương lơ là phòng chống dịch - Ảnh 2.

Tổng đàn lợn của Thanh Hóa gần như không giảm sau hơn 7 tháng xuất hiện DTLCP.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, DTLCP xuất hiện tại Thanh Hóa cuối tháng 2/2019. Đến nay, 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã xuất hiện dịch, trong đó có 5/7 huyện tái phát dịch. Cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy gần 10,2 nghìn tấn lợn.

Từ khi xảy ra ổ dịch đầu tiên đến ngày 31/8, số lợn buộc phải tiêu hủy giữ ở mức thấp, chủ yếu xảy ra ở nông hộ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, từ ngày 28/8, mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 DTLCP đã bùng phát mạnh trở lại, một số trang trại, gia trại cũng xuất hiện dịch. Sau hoàn lưu bão số 4, số lợn buộc phải tiêu hủy có thời điểm tăng lên gần 3,5 nghìn con/ngày.

Tuy nhiên, theo thống kê, trước khi xảy ra DTLCP tổng đàn lợn của Thanh Hóa dao động từ 1,2 - 1,3 triệu con. Đến thời điểm này, toàn tỉnh vẫn còn tổng đàn trên 1 triệu con.

Kỷ luật cán bộ lơ là phòng chống dịch

Sáng 3/10, đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã về kiểm tra công tác phòng chống DTLCP tại Thanh Hóa.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa thừa nhận có tình trạng các địa phương lơ là công tác phòng chống dịch. Liên quan đến trách nhiệm trong công tác phòng DTLCP, mới đây UBND huyện Triệu Sơn đã đình chỉ công tác đối với ông Lê Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Nông Trường; chủ tịch UBND các xã Trường Lâm (Tĩnh Gia), Xuân Phong (Thọ Xuân) và thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) bị UBND các huyện nhắc nhở, chấn chỉnh.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ra thông báo, yêu cầu các địa phương vận động các hộ ký cam kết về chăn nuôi ATSH; trường hợp các hộ không đủ điều kiện chăn nuôi ATSH mà vẫn tái đàn, khi xảy ra DTLCP thì không được hỗ trợ thiệt hại.

Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát tại Thanh Hóa: Nhiều địa phương lơ là phòng chống dịch - Ảnh 3.

Nhiều hộ phải chuyển sang loài vật nuôi khác thay thế.

Đại diện Cục Thú y tham gia đoàn công tác cho rằng, tại Thanh Hóa vẫn còn tình trạng phát hiện muộn, tiêu hủy chậm khiến virus bị bài thải ra ngoài, mầm bệnh lây lan. Một số hộ dân còn dấu lợn ốm để điều trị; vệ sinh tiêu độc khử trùng vẫn chưa triệt để.

Sắp tới, Cục Thú y sẽ tham mưu triển khai tháng tiêu độc khử trùng. Đại diện Cục Thú y cũng khuyến cáo, cuối năm là mùa dịch, vận chuyển tăng; giá lợn tăng, nguy cơ tái đàn rất cao khiến dịch kép có nguy cơ gây thiệt hại lớn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, sau những trận mưa bão dịch vẫn thường lây lan nhanh hơn. Thứ trưởng nhấn mạnh, trong lúc chưa tìm ra vacxin thì cách phòng chống bệnh tốt nhất là chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học, tăng sức đề kháng cho vật nuôi hoặc giải quyết tốt vấn đề tái cơ cấu, chuyển đổi vật nuôi.

“Hướng dẫn chăn nuôi ATSH cho người dân là phải chi tiết. Địa phương cần tăng cường kiểm soát tại các chốt, kể cả ra lẫn vào. Đây là giải pháp hết sức quan trọng, phải di dời chốt chưa phù hợp, chính quyền phải vào cuộc thực sự chứ không thể hình thức.

Chăn nuôi lợn đang khó khăn thì động viên nhân dân phát triển chăn nuôi gia cầm, nhất là thủy cầm. Nhưng nuôi gia cầm cũng phải an toàn dịch bệnh, đảm bảo an sinh và cân đối cung cầu", Thứ trưởng yêu cầu.

"Yêu cầu ngành thú y siết chặt việc quản lý thức ăn. Thức ăn dư thừa tại các điểm có dịch phải được tiêu hủy nhanh, đúng quy trình để tránh lây lan nguồn bệnh. Cục Chăn nuôi khuyến cáo nhân rộng những mô hình ATSH, có ý nghĩa thực tiễn và tổng kết hiệu quả. Các địa phương cần có phương án giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Chăn nuôi phải cam kết với chính quyền về ATSH".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến


Võ Dũng - Tiến Thành