Thanh Hóa: Mỗi ngày tiêu hủy 2.500 - 3.000 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi
Dịch tả lợn Châu Phi ngày càng diễn biến phức tạp ở Thanh Hóa.
DTLCP xuất hiện tại Thanh Hóa từ ngày 23/2/2019, gây thiệt hại lớn tại 27/27 huyện, thành phố, thị xã.
Tháng 5 và 6/2019 là thời điểm cao điểm của DTLCP tại Thanh Hóa. Đến đầu tháng 8 dịch bắt đầu có dấu hiệu giảm dần cả về số xã, thôn, hộ chăn nuôi cũng như số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy so với tháng 7/2019; 6 huyện cùng hàng trăm xã đã công bố hết dịch.
Tuy nhiên, 10 ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, số hộ chăn nuôi và số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy hàng ngày tăng lên đột biến (từ 200 -300 con/ngày lên 500-600 con/ngày). Trong 9 ngày đầu tháng 9/2019 diễn biến dịch càng phức tạp, số lượng lợn mắc bệnh tiêu hủy hàng ngày tương đương với 6/2019 (trung bình 980 con/ngày).
Đặc biệt, từ ngày 10/9 đến nay, số lợn nhiễm DTLCP tăng chóng mặt, số lượng lợn nhiễm dịch buộc phải tiêu hủy đã lên đến 2.500 - 3.000 con/ngày. Trong đó, ngày 25/9 phát sinh thêm 3.540 con lợn mắc DTLCP với trọng lượng trên 241 tấn.
Như vậy, từ ngày 23/2/2019 đến ngày 25/9/2019, trên địa bàn tỉnh, DTLCP đã xảy ra tại trên 16,5 nghìn hộ của trên 1,7 nghìn thôn, 449/635 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố; buộc phải tiêu hủy trên 124 nghìn con lợn, trọng lượng trên 8,8 nghìn tấn.
Công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn do một số địa phương đã hết ngân sách dự phòng.
Hiện có 4 huyện Thường Xuân, Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn và 270 xã đã công bố hết dịch. Tuy nhiên, theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, tình hình dịch diễn biến rất phức tạp, nguy cơ dịch tái phát sinh ở những huyện đã công bố hết dịch là rất cao.
Ngành Thú y Thanh Hóa cho rằng, nguyên nhân chính khiến DTLCP diễn biến phức tạp là do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều nơi xảy ra lũ, lụt... Mầm bệnh khi gặp mưa, bão, lũ đã phát tán trên diện rộng khiến dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là ở những địa phương chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, nuôi tận dụng, đan xen khu dân cư.
Một thực tế là thời gian qua tại Thanh Hóa, công tác quản lý vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn khó kiểm soát chặt chẽ cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh phát tán.
Do dịch bệnh kéo dài, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã sử dụng hết nguồn ngân sách dự phòng để huy động lực lượng chống dịch, mua vật tư chống dịch nên công tác phòng chống dịch đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Dù đang trong cơn “bão dịch” nhưng tại một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa, tổng đàn vẫn tăng so với thời điểm cuối tháng 2/2019 (thời điểm DTLCP xuất hiện tại Thanh Hóa). Điều này dẫn đến một hệ lụy khiến nguy cơ tái dịch tại các địa phương đang có xu hướng tăng.
Tăng tổng đàn khiến nguy cơ DTLCP tăng, thiệt hại lớn.
Ông Trịnh Xuân Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Định cho biết, dù ngành thú y đã khuyến cáo người dân phải thận trọng trong việc tái đàn nhưng tính đến cuối tháng 9/2019, tổng đàn lợn của địa phương là 65 nghìn con, lớn hơn tổng đàn vào thời điểm cuối tháng 2/2019 (61 nghìn con lợn).
Lý giải vấn đề này, ông Quý cho rằng, có những lý do khách quan dẫn đến tổng đàn tăng. Yên Định chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, lợn nái đến thời kỳ động dục vẫn phải cho phối giống. Lợn sữa thời điểm này rất khó xuất bán nên người dân phải để lại nuôi. Khi đến thời gian xuất chuồng, lợn thịt vẫn không thể bán được dẫn đến tình trạng tổng đàn tăng.
Đồng quan điểm, ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Thanh Hóa cho rằng, tỷ lệ lợn nái/tổng đàn ở Thanh Hóa khá lớn. Hiện nay, các địa phương đang rất khó khăn trong công tác phòng chống dịch vì nguồn kinh phí dự phòng gần như cạn kiệt nhưng cũng không vì thế mà lơ là.
“Dù khó khăn nhưng các huyện vẫn phải cố gắng tối đa để công tác tiêu hủy được thực hiện đúng quy định; xử lý các vật dụng liên quan đến tiêu hủy, tiêu độc khử trùng nghiêm túc để giảm lây lan, phát tán dịch bệnh. Với lợn nái, phải tạo điều kiện trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật để người dân bán lợn sữa, hết sức thận trong trong việc tái đàn”, ông Hiệp cho hay.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/