Dịch tả lợn châu phi giảm nhiệt, 60% số xã qua 30 ngày dịch không bị tái dịch
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y.
Thông tin về tình hình dịch tả lợn Châu phi tại tọa đàm trực tuyến: “Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh tái đàn lợn đảm bảo cung – cầu thực phẩm dịp Tết” vừa qua, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Tính đến hết 13/11/2019, cả nước đã có 8.400 xã có dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy 5,8 triệu con lợn, tương đương hơn 300.000 tấn thịt hơi, chiếm 8,5% tổng lượng lợn hơi cả nước.
Bên cạnh những số liệu không vui trên thì đến thời điểm hiện tại, nhìn chung dịch tả lợn Châu Phi đã giảm đến mức độ thấp nhất về chu kỳ phát triển. Nếu như tháng 6 là tháng đỉnh điểm, chúng ta phải tiêu hủy tới 1,2 triệu con lợn thì đến tháng 10/2019 chỉ còn trên 400.000 con. Hiện đã có 60% số xã qua 30 ngày dịch không còn vòng trở lại.
“Đây chính là điều kiện vô cùng quan trọng, là cơ sở để chúng ta công bố hết dịch. Và đặc biệt đã có 10 tỉnh thành có trên 80% số xã qua 30 ngày không phát sinh dịch mới và đều là những tỉnh thành quan trọng trong chăn nuôi lợn. Trong đó Hưng Yên, Bắc Giang là những tỉnh kiểm soát dịch tốt nhất”, ông Long cho biết.
Cũng theo ông Long, có được kết quả trên là do thời gian qua, từ Chính phủ tới các bộ ngành đã có nhiều giải pháp nhằm kiểm soát gắt gao dịch bệnh. Từ tháng 6 tới nay, dịch bệnh đã giảm mạnh, chúng tôi dự đoán hết tháng 10, số lượng lợn phải tiêu hủy sẽ giảm 50% so với tháng 5.
Còn về kế hoạch trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nói rất rõ tại phiên chất vấn trước Quốc hội, cái chính là tổ chức triển khai ở cơ sở, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó cần kiểm soát ngăn chặn việc vận chuyển sản phẩm lợn giữa các nước xung quanh, giữa các tỉnh với nhau cũng như việc lưu thông sản phẩm lợn sau giết mổ...
Ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Bắc Giang.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Bắc Giang trong việc khống chế dịch bệnh và tái đàn, ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Bắc Giang cho biết: Bắc Giang hiện có 208/230 xã đã qua 30 ngày là không phát sinh dịch, ngay từ đầu tháng 8 khi có hiện tượng không phát sinh dịch thì ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ra ngay các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tái đàn. |
“Trong các văn bản hướng dẫn này chúng tôi cũng đã thống kê và công khai các trang trại, doanh nghiệp đủ điều kiện tái đàn các sản phẩm vi sinh phù hợp với việc tái đàn theo mô hình an toàn sinh hoạt và tất nhiên không thể thiếu việc hướng dẫn chi tiết các loại hình chăn nuôi an toàn.
Ngoài ra, trong quá trình tái đàn, chúng tôi cũng kiểm soát rất gắt gao việc thực hiện nghiêm các quy trình an toàn sinh học. Không vì tái đàn vội vàng mà bỏ qua các quy trình an toàn để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh.
Kết quả, hiện Bắc Giang đang có 800.000 con lợn được chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, trong đó đàn lợn nái là gần 100.000 con, 376 trang trại chăn nuôi an toàn”, ông Dương cho hay.
Tương tự như Bắc Giang, Hưng Yên cũng tỉnh kiểm soát tốt bệnh dịch, ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Hưng Yên là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên phát hiện dịch tả châu Phi.
Trước thời điểm xuất hiện dịch, tổng đàn lợn của tỉnh là 558.000 con. Đàn lợn bị tiêu hủy chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẹt trong dân. Đến thời điểm này, Hưng Yên có 151 xã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi.
Để có đươc kết quả trên theo ông Tuấn, ngay sau khi có dịch UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh và tái đàn gia súc gia cầm. Tỉnh cũng đã chỉ đạo chỉ cho tái đàn ở những cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học. Tái đàn theo lộ trình từng bước, tránh tái đàn ồ ạt, chỉ tái đàn khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi....
Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, hiện tổng đàn lợn của Hưng Yên là 420.000 con lợn, trong đó lợn thịt 250.000 con, lợn nái và hậu bị 70.000 – 80.000 con, còn lại là lợn con. Ngoài ra, ở Hưng Yên đàn lợn ở các trang trại lớn còn rất nhiều có thể đảm bảo nguồn cung ứng tiêu dùng cho dịp cuối năm.