Dịch COVID-19 phơi bày tử huyệt của Apple
"Toàn bộ cửa hàng của Apple tại Italy đóng vô thời hạn", "Apple lo không cung cấp đủ iPhone vì COVID-19", "Apple lo không đạt kế hoạch doanh thu" là những thông tin tiêu cực về Apple vài tuần qua, trong bối cảnh dịch viêm phổi do nCoV đang lan tràn khắp thế giới.
Sau khi đạt mức cao nhất trong nhiều tháng là 324 USD vào ngày 20/2, giá cổ phiếu Apple giảm liên tục, và chỉ còn 275 USD vào ngày 11/3. Nếu tính tới ngày 11/3, giá cổ phiếu Apple hiện tại đã giảm hơn 19% so với mức cao nhất trong 52 tuần.
Nỗ lực "tẩy não" giới đầu tư
Vài năm qua, Tim Cook, tổng giám đốc của Apple, đã rất nỗ lực để các nhà đầu tư quên khái niệm rằng rằng họ chỉ đơn thuần là một “nhà sản xuất iPhone”.
Dù vậy, báo cáo về tình hình kinh doanh do chính tập đoàn công bố vài ngày trước chính là lời nhắc nhở phũ phàng: Mức độ phụ thuộc vào iPhone của Apple vẫn rất lớn.
Giai đoạn từ năm 2012 tới năm 2018, Apple luôn là công ty với giá trị vốn lớn nhất thế giới. Nhưng cuối năm 2018, họ mất ngôi đầu và giá trị cổ phiếu của tập đoàn từng xếp sau Facebook hay Alphabet, chủ sở hữu Google.
14 là chỉ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu (P/E) của Apple, trong khi chỉ số của Google hay Facebook lần lượt là 20 và 24. P/E tỉ lệ thuận với mức độ tin tưởng của giới đầu tư đối với cổ phiếu.
Lý do mà nhiều nhà đầu tư giảm sự tin tưởng với Apple là suy nghĩ iPhone đóng góp quá nhiều vào lợi nhuận của Apple. Suốt nhiều năm qua, iPhone vẫn luôn chiếm một nửa doanh thu của công ty, có lúc lên đến hơn 60%.
Độc chiêu để tăng lợi nhuận
Nhằm đạt mục tiêu về doanh số cũng như lợi nhuận, Apple phải tìm mọi cách thôi thúc người dùng chi trung bình 800 USD để đổi iPhone mới trong vòng 2 năm. Nếu nỗ lực đó thất bại, doanh thu của tập đoàn sẽ giảm.
Với bản chất của doanh nghiệp phần mềm, Google và Facebook có lợi nhuận gộp cao hơn nhiều. Hai tập đoàn thống trị quảng cáo trực tuyến hoàn toàn có thể đạt doanh thu đều đặn từ các doanh nghiệp.
Đôi khi, Facebook biết mỗi người dùng sẽ đem về khoảng 21 USD doanh thu quảng cáo cho họ trong một qúi. Đế chế của tỉ phú Mark Zuckerberg hoàn toàn không phải trông chờ vào hoạt động việc bán sản phẩm nào để duy trì doanh thu.
Hiểu thực tế ấy, Apple rất nỗ lực để thoát hình ảnh “nhà sản xuất iPhone”. Năm 2019, doanh số iPhone chiếm 55% tổng doanh thu của họ, giảm so với mức cao nhất là 65% năm 2015.
Một phần lý do giảm doanh số của iPhone, theo ông Cook, là tập đoàn đã tập trung đầu tư vào các dịch vụ mới như Apple Music, TV+, Arcade và các thiết bị khác như AirPods hay Apple Watch.
Chiến lược ấy đã giúp Apple bớt phụ thuộc vào iPhone và nó cũng khiến cho các khách hàng sử dụng nhiều thiết bị của hãng hơn. Ví dụ, người dùng Apple Watch buộc phải kết nối với iPhone.
Sự lệ thuộc giữa các sản phẩm sẽ khiến khách hàng sử dụng thêm một thiết bị của Apple thay vì một thiết bị dùng hệ điều hành Android.
Nhờ chiến lược đó, chỉ số P/E của Apple hiện tại đã lên tới 23, cao hơn Facebook (21) và chỉ thấp hơn một chút so với Alphabet (24) - cho thấy Apple đã thành công khi thuyết phục các nhà đầu tư rằng họ có thể duy trì doanh thu ổn định.
COVID-19 giúp mọi người nhận ra sự thật
Bất ngờ thay, ảnh hưởng từ COVID-19 khiến lượng khách hàng khổng lồ tại Trung Quốc giảm, niềm tin mà các nhà đầu tư dành cho Apple có thể lung lay. Doanh số của Apple trong quý I/2020 nhiều khả năng sẽ thấp hơn mức kỳ vọng 63–67 tỷ USD. Trong các giao dịch ngoài giờ, giá trị cổ phiếu đã giảm 4%.
Hàng loạt phát ngôn gần đây Tim Cook có lẽ chỉ nhằm trấn an nhà đầu tư. Trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC, ông dự báo các nhà máy iPhone sẽ sớm hoạt động lại bình thường.
"Tôi có cảm giác Trung Quốc đã kiểm soát thành công virus corona, nếu nhìn vào con số, ta thấy số lượng người mắc giảm hàng ngày. Do đó, tôi cảm thấy rất lạc quan", ông nói.
Nhu cầu mua sắm của khách hàng chắc chắn sẽ tăng trở lại khi dịch lắng xuống. Nhưng ngay cả khi viễn cảnh đó xảy ra, Apple phải nhớ rằng iPhone vẫn là nguồn thu nhập chính của họ. Nguồn thu từ iPhone có thể chịu nhiều tác động khác nhau và rất khó lường.