Cổ phiếu Apple đang phi băng băng thì bị COVID-19 tuýt còi
Apple đã có một khởi đầu tốt đẹp trong năm 2020.
CEO Tim Cook đã tán dương "kết quả bom tấn" của Apple trong quí I/2020 (năm tài chính của Apple bắt đầu từ 1/10 và kết thúc ngày 30/9). Lợi nhuận và doanh thu công ty trong ba tháng 10, 11 và 12/2019 vượt quá kì vọng của các nhà phân tích.
Vào 29/1 - chỉ một ngày sau khi công bố kết quả kinh doanh, cổ phiếu Apple tăng mạnh, lên đến 327,85 USD/cp, kể cả sau khi công ty này đặt ra khoảng doanh thu kì vọng (63-67 tỉ USD) biến động mạnh hơn bình thường cho quí II/2020 (kết thúc vào 31/3). Các nhà đầu tư cảm thấy hài lòng.
Tại thời điểm đó, Trung Quốc mới chỉ có có khoảng 7.000 trường hợp xác nhận nhiễm COVID-19, kém xa con số hơn 80.000 người nhiễm bệnh hôm 9/3.
Đầu tháng 2/2020, các nhà phân tích phố Wall vẫn lặp lại khuyến nghị Mua và mức giá mục tiêu cao với cổ phiếu Apple. Họ thừa nhận dịch COVID-19 có thể gây ra một số tác động, nhưng cho rằng Apple có thể vượt qua chúng.
Báo cáo của Deutsche Bank hôm 2/2 viết rằng: "Nhìn chung, chúng tôi cho rằng ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên AAPL (mã cổ phiếu của Apple) sẽ ngày càng gia tăng. Nhưng chúng tôi đánh giá tác động hiện tại về mặt tài chính của dịch bệnh này lên AAPL là nhỏ".
Nhưng thực tế lại khác xa đánh giá trên.
Sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Ngày 17/2, Apple thông báo hãng này sẽ không đạt được dự báo doanh thu 63-67 tỉ USD cho quí II/2020 (kết thúc vào 31/3). Nguyên nhân chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Dịch COVID-19 khiến kì nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc phải kéo dài. Điều này buộc các cửa hàng Apple và nhà máy sản xuất iPhone tại nước này đóng cửa lâu hơn mọi năm. Việc sản xuất bị ngừng lại và nhu cầu giảm sút.
Apple cảnh báo: "Tốc độ trở lại hoạt động của chúng tôi thấp hơn so với dự kiến".
Đến tận bây giờ, Foxconn – công ty chịu trách nhiệm chính cho hoạt động lắp ráp iPhone tại Trung Quốc cũng chưa thể hoạt động với công suất tối đa. Apple cũng chưa thể mở lại tất cả cửa hàng ở thị trường quan trọng này.
Thị trường Trung Quốc đóng góp 15% tổng doanh số của Táo khuyết. Nhưng điều quan trọng nhất là đất nước này là trung tâm sản xuất iPhone, và có ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple.
Các thông tin xấu tiếp tục đổ dồn tới gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ. Hôm 9/3, dữ liệu chính thức từ chính phủ Trung Quốc cho thấy số lượng iPhone được xuất xưởng trong tháng 2 chỉ đạt 500.000 chiếc, giảm 60% so với cùng kì năm ngoái.
Ông Daniel Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securites, viết trong lưu ý hôm 9/3: "Số lượng iPhone được xuất xưởng và bán này giống như kịch bản ngày tận thế với Apple. Nhưng đây cũng không phải điều đáng ngạc nhiên, trước tình hình lệnh phong tỏa của Trung Quốc để đối phó với dịch COVID-19 trong tháng 2 khiến cho các cửa hàng phải đóng cửa, và chuỗi cung ứng phải chịu áp lực khủng khiếp".
Ngoài ra còn có các lo ngại rằng Apple có thể sẽ trễ hẹn lịch ra mắt các sản phẩm mới, bao gồm cả mẫu iPhone được đồn là có thể sử dụng mạng 5G.
Giá cổ phiếu lao dốc
Tính từ mức đỉnh ngày 29/1, cổ phiếu Apple đã giảm gần 19%, làm vốn hóa thị trường của công ty bốc hơi hàng trăm tỉ USD. Riêng phiên 9/3 khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm gần 8%, Dow Jones mất hơn 2.000 điểm, Apple cũng mất tới 100 tỉ USD vốn hóa.
Theo một khảo sát của Reuters, các nhà phân tích vẫn đang dự đoán rằng giá cổ phiếu Apple có thể phá kỉ lục trong năm nay, sau khi đi lên mạnh mẽ trong năm 2019.
Trên thực tế, giá mục tiêu trung bình 12 tháng hiện tại của cổ phiếu Apple là 333,57 USD, cao hơn 25% so với giá đóng cửa ngày 9/3, và cao hơn mọi mức giá kỉ lục mà cổ phiếu Apple đã từng đạt được.
Vì 333,57 USD/cp là giá mục tiêu trong 12 tháng, các nhà phân tích nói rằng có khả năng giá cổ phiếu Apple sẽ đạt được mức này trong năm 2021.
Tuy nhiên, khả năng giá cổ phiếu Táo khuyết tăng mạnh như vậy trong tình hình hiện nay thấp hơn nhiều so với đầu năm, đặc biệt là vì dịch COVID-19 đã lan ra nhiều nước trên thế giới.
Tuần trước, ngân hàng đầu tư UBS cảnh báo rằng tác động của dịch bệnh tới nhu cầu của người tiêu dùng "nhiều khả năng sẽ lan ra ngoài Trung Quốc".
Các nhà phân tích của UBS cho biết: "Trước đây, chúng tôi đã chuyển bớt một phần nhu cầu iPhone dự kiến trong tháng 3 sang tháng 6. Nhưng trước tác động rộng rãi của dịch COVID-19 như hiện tại, giờ chúng tôi cho rằng ảnh hưởng tới nhu cầu có thể kéo dài cho đến tháng 6".
UBS đã hạ dự báo doanh số iPhone xuống còn 38 triệu chiếc, giảm 2 triệu chiếc so với nhận định trước đây. Ngân hàng đầu tư này cũng giảm ước tính lợi nhuận và doanh thu Apple trong năm tài chính 2020 (bắt đầu từ 1/10/2019 và kết thúc ngày 30/9/2020).
Nhưng các nhà phân tích vẫn cho rằng dịch COVID-19 là vấn đề trong ngắn hạn với Apple, và không gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng lâu dài của hãng này.
Ông Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securites nói rằng nhu cầu yếu từ Trung Quốc trong quí II/2020 là "một sự kiện bất ngờ", nhưng sẽ "kết thúc nhanh chóng", khi "các xu hướng nhu cầu dành cho iPhone bình thường trở lại" trên toàn cầu trong nửa cuối năm 2020.
Ông cho rằng lượng khách hàng lớn sẵn có của iPhone, nhu cầu nâng cấp, các mảng dịch vụ đang tăng trưởng như Apple Music, và có thể là cả mẫu iPhone 5G nữa, sẽ là chất xúc tác cho công ty.
Ông Ives nói: "Trước tình hình áp lực bán cổ phiếu làm kích hoạt công cụ ngắt mạch thị trường chứng khoán như phiên 9/3, chúng tôi khuyến khích nhà đầu tư bình tĩnh, hít thở sâu và tập trung vào những công ty công nghệ chiến thắng trong 5 đến 10 năm tiếp theo, quan trọng nhất là Apple".