|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch COVID-19 hôm nay 29/3: Mỹ đối mặt nguy cơ tái bùng phát dịch

08:49 | 29/03/2021
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, thế giới có tổng cộng hơn 127,75 triệu ca mắc COVID-19, ca bệnh mới đang tiếp tục tăng mạnh trở lại.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Xem thêm: Dịch COVID-19 hôm nay 30/3

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (29/3) không có ca mắc COVID-19. Như vậy, Việt Nam đã có tổng cộng 2.591 ca bệnh, trong đó có 1.603 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Tính đến ngày 28/3, 45.140 người trên cả nước tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Dịch COVID-19 hôm nay 28/3: Campuchia ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ y tế tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch. (Ảnh: Báo Sức khoẻ và Đời sống).

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 44.833.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.308/2.591 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 30 ca; số ca âm tính lần hai là 38 ca, lần ba là 57 ca. 

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 127,75 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,79 triệu người tử vong và 102,93 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%). Ca bệnh mới trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trở lại.

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 30,95 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 40.344 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 472 ca, nâng tổng số lên 562.488. 

Tổng số người phục hồi là hơn 23,4 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Mỹ đang chững lại ở mức 60.000 trong gần hai tuần trở lại.

CBS dẫn lời chuyên gia dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ, Antony Fauci, cho biết tốc độ lây nhiễm không giảm trong thời gian qua nhiều khả năng do các bang đã nới lỏng những biện pháp kiểm soát phòng dịch quá sớm, cộng thêm sự xuất hiện của nhiều biến thể nCoV mới; đồng thời cảnh báo Mỹ đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

Tổng thống Joe Biden cho rằng "mọi người đang mất cảnh giác" và sẽ họp để tìm hiểu tình hình trong ngày hôm nay.

Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 44.326 và 1.605 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 12,53 triệu và 312.299 người. 

Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10,91 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 87%. Nước này đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba tồi tệ nhất với số ca nhiễm mới và tử vong mỗi ngày cao chưa từng thấy.

Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 12,03 triệu ca nhiễm và 161.881 ca tử vong, tăng lần lượt 68.206 và 295 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,35 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh trở lại tại nước này. 

Pháp hôm nay đã vượt Nga trở thành vùng dịch lớn thứ 5 thế giới sau khi ghi nhận thêm 37.014 ca bệnh và 131 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Nước này hiện đã có tổng cộng hơn 4,54 triệu ca nhiễm, trong đó có 94.596 người không qua khỏi và 289.752 người hồi phục (6%). Ca mắc mới tại đây tăng liên tục trong gần hai tháng qua.

Dịch COVID-19 hôm nay 29/3: Mỹ đối mặt với nguy cơ tái bùng phát dịch - Ảnh 2.

Hình minh hoạ. (Ảnh: AFP).

Các bác sỹ tại thủ đô Paris cảnh báo hệ thống y tế sắp quá tải và phải từ chối bệnh nhân nếu giới chức không áp lệnh phong toả toàn quốc; đồng thời dự đoán những hạn chế mới nhẹ nhàng hơn được áp dụng trong tháng này đối với Paris và một số khu vực khác sẽ không có hiệu quả sớm, theo AFP.

Tổng thống Emmanuel Macron vẫn kiên quyết rằng việc không phong toả cả nước một lần nữa trong năm nay, giống như một số quốc gia châu Âu khác, là điều đúng đắn, ngay cả khi có hơn 2.000 người chết mỗi tuần vì COVID-19.

Sau một khởi đầu chậm chạp vào tháng 12/2020, công cuộc tiêm chủng của Pháp đã được đẩy nhanh với việc bắt đầu tiêm cho những người khỏe mạnh từ 70 tuổi trở lên vào cuối tuần trước. Hơn 7,7 triệu người - gần 15% tổng số người trưởng thành ở Pháp - đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin của Pfizer, Moderna hoặc AstraZeneca. Chính phủ cho biết tốc độ sẽ tiếp tục tăng lên, khi Pháp dự kiến sẽ nhận được gần ba triệu liều Pfizer bổ sung trong tuần này.

Nga, vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.088 ca mắc và 336 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,51 triệu trường hợp, trong đó 97.740 trường hợp tử vong, và hơn 4,13 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang chững lại ở mức 9.000, số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.167 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.364 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 482 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 101.757 ca, trong đó có 1.722 trường hợp tử vong, và 93.855 người đã hồi phục (90%). 

Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc trong 24 giờ qua giảm nhẹ xuống dưới mức 500, do ít xét nghiệm vào cuối tuần. Cơ quan y tế tiếp tục cảnh báo về sự xuất hiện của các ca nhiễm theo cụm tại các cơ sở tôn giáo và nơi làm việc, theo Yonhap.

Tính đến ngày hôm qua, tổng cộng 793.966 người đã được tiêm vắc xin COVID-19. Cơ quan y tế cho biết có 57 trường hợp bị nhiễm bệnh dù đã được chủng ngừa. Giới chức nhận định rằng các ca bệnh trên có thể đã bị nhiễm bệnh trước khi tiêm vắc xin COVID-19 hoặc trước khi phát triển khả năng miễn dịch. Bên cạnh đó, 21 trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng đã được ghi nhận cho đến nay.

Như Ý

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.