|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đi chậm là một cách khôn ngoan để phát triển nhanh trong kinh doanh

19:44 | 17/05/2019
Chia sẻ
Nhiều doanh nhân ưu tiên tốc độ trong hành trình khởi nghiệp, song một số người lại quan niệm rằng muốn phát triển nhanh, họ nên đi chậm trong giai đoạn đầu.

Thừa nhận tầm quan trọng của tốc độ, song tiến sĩ Lưu Hải Minh, giám đốc điều hành công ty công nghệ Nhật Hải, có quan điểm thận trọng. Theo anh, đương nhiên đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng là yếu tố quyết định thành công của mọi doanh nghiệp, song nếu quá trình ấy diễn ra quá nhanh, doanh nghiệp sẽ mắc nhiều sai lầm và cuối cùng họ sẽ tự kìm hãm đà phát triển của chính họ.

"Quan điểm của tôi là tốc độ không phải yếu tố quan trọng nhất. Thời điểm đưa sản phẩm ra thị trường hay lợi thế của người tiên phong cũng không phải là yếu tố quyết định thành công của một hành trình khởi nghiệp", anh Minh phát biểu.

Yếu tố quan trọng nhất đối với tương lai của doanh nghiệp là tạo tiền đề cho sự thành công - ngay cả khi việc đó kéo dài hơn so với kỳ vọng của chủ doanh nghiệp, theo anh Minh.

Đi chậm là một cách khôn ngoan để phát triển nhanh trong kinh doanh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: insidermonkey.com

"Ở giai đoạn gọi vốn, tìm sự công nhận của khách hàng và đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp nên tiến chậm. Doanh nghiệp sẽ phát triển nhanh sau khi hoàn tất những việc đó", Minh khẳng định, đồng thời nói thêm rằng anh ủng hộ khẩu hiệu "đi chậm để tiến nhanh" trong khởi nghiệp.

Chậm mà chắc với hoạt động gọi vốn

Nguyễn Văn Sơn, giám đốc công ty thương mại và dịch vụ Thủy Sơn, nói rằng phần lớn người khởi nghiệp mà anh biết đều rất tập trung vào hoạt động gọi vốn.

"Gọi vốn đã trở thành ý nghĩ khiến họ ám ảnh. Họ luôn nghĩ tới cách thu hút nhà đầu tư. Nhưng tôi khuyên họ không nên coi gọi vốn là ưu tiên hàng đầu, bởi họ có thể gục ngã vì gọi vốn quá sớm", anh Sơn phát biểu.

Dựa vào kinh nghiệm của một người từng khởi nghiệp nhiều lần, anh Sơn giải thích rằng doanh nhân nên hiểu rõ mô hình kinh doanh mà bản thân họ muốn theo đuổi trước khi tìm các nhà đầu tư. Họ cũng nên xác định đối tượng nhà đầu tư phù hợp với mô hình kinh doanh của họ.

"Sau đó, doanh nhân phải đảm bảo rằng bài thuyết trình của họ sẽ hoàn hảo, mô hình kinh doanh và tài chính sẽ gây ấn tượng, đội ngũ của họ thể hiện thế mạnh khi đứng trước các nhà đầu tư", anh nhấn mạnh.

Giám đốc công ty Sơn Thủy nói rằng phần lớn người sáng lập startup muốn gặp các nhà đầu tư càng sớm càng tốt vì họ quá phấn khích và tự tin với ý tưởng kinh doanh và năng lực của họ. Và khi các nhà đầu tư lắc đầu, họ sẽ mất nhiệt huyết và sự tự tin rất nhanh.

"Bạn sẽ càng khó nhận vốn đầu tư nếu đã mất động lực và nhiệt huyết", anh bình luận.

Chăm sóc khách hàng thật kỹ để hiểu họ

Hoàng Linh Vũ, giám đốc công ty thực phẩm Thừa Đức, kể rằng nhiều người khởi nghiệp mà anh gặp chỉ kiểm tra tính khả thi của ý tưởng với vài người bạn hoặc người thân. Trong phần lớn trường hợp, những người đó sẽ nhận xét rằng ý tưởng khả thi và sản phẩm hay dịch vụ hoàn toàn phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

"Bạn bè và người thân không phải là đối tượng khách hàng mà người khởi nghiệp tham khảo ý kiến trong giai đoạn đầu. Họ nên nhờ vài chục người đánh giá ý tưởng, với số lượng lý tưởng là 30 tới 50 người", Vũ nhận định.

Việc tham khảo ý kiến của vài chuc người, theo Vũ, giúp  người khởi nghiệp xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu.

"Nếu người khởi nghiệp không thể xác định khách hàng mục tiêu theo những tiêu chí rất cụ thể, họ sẽ lãng phí rất nhiều thời gian và tiền cho những người có thể không cần giải pháp của họ", anh giải thích.

Nhưng khi đã xác định đối tượng khách hàng mục tiêu, Vũ cho rằng doanh nghiệp nên tập trung chăm sóc một nhóm khách hàng nhỏ để họ yêu mến sản phẩm, dịch vụ đến nỗi họ sẵn sàng giới thiệu những khách hàng mới.

"Doanh nghiệp phải cố gắng hiểu nhóm khách hàng đó thật sâu sắc, vì nếu bạn có thể khiến họ chi tiền, bạn sẽ hiểu rất rõ những đặc điểm của khách hàng mục tiêu. Nếu không thể hiểu họ ngay từ đầu, bạn sẽ khó thành công", anh lập luận.

Tiến chậm với sản phẩm

Sau khi đã hiểu khách hàng một cách thấu đáo, doanh nhân nên sử dụng hiểu biết ấy để phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ. Đó là ý kiến của Nguyễn Thu Thảo, người sáng lập công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Vela.

"Khoảng thời gian phát triển sản phẩm, dịch vụ là cơ hội để doanh nghiệp tạo ra giá trị độc đáo và sự khác biệt. Đó cũng là khi họ phải vạch ra chiến lược tiếp thị và cách kiếm tiền. Vì thế, quá trình này không nên diễn ra quá nhanh", Thảo bình luận.

Đình Cương

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.