|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Vocarimex: Quý I lãi hơn 9 tỷ đồng, dự kiến hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trong 2 - 3 tháng tới

13:51 | 17/04/2024
Chia sẻ
Ban lãnh đạo Vocarimex cho biết sau khi cổ đông thông qua sẽ tiến hành thủ tục để hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu VOC trong vòng 2 – 3 tháng tới. Cổ đông có ý định bán thì KIDO sẽ mua với giá thỏa thuận, căn cứ giá thị trường.

Sáng 17/4, Tổng Công ty Công Nghiệp Dầu Thực Vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex - Mã: VOC) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 tại trụ sở công ty (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP HCM).

Tính đến ngày chốt danh sách (18/3), tổng số cổ đông là 1.303 cá nhân và tổ chức, sở hữu 121,8 triệu cp có quyền biểu quyết. Số lượng dự họp/ủy quyền dự họp là 37 cổ đông, sở hữu 114,8 triệu cp, chiếm gần 93% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Cuộc họp lần này, Hội đồng quản trị (HĐQT) trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, phương án phân phối lợi nhuận, tiếp tục thực hiện hủy tư cách công ty đại chúng, hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu, bầu ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới và các nội dung quan trọng khác.

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, báo cáo năm 2023, Vocarimex có doanh thu thuần 844 tỷ đồng, thực hiện 68% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế 2023 đạt 1.513 tỷ đồng, tăng so với kết quả lỗ năm 2022.

Giá dầu ăn những năm qua rất biến động, có khi 6 tháng đầu năm tăng, 6 tháng sau giảm. Riêng 2023, giá dầu cọ 889 USD/tấn vào đầu năm, cao nhất là 1.005 USD/tấn.

“Một chai dầu olein bán ngoài siêu thị chỉ có giá 31.000 - 32.000 đồng, mà giá vốn đã 25.000 – 26.000 đồng, bao bì nút nắp cũng chiếm khoảng 14% (trên tổng giá thành). Do đó, kinh doanh dầu thời gian qua rất khó khăn khi phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài, trải qua chế biến, logistic, vấn đề tỷ giá... Nhiều khi vừa mua dầu về đã bị lỗ tức thời rồi.”, bà Liễu chia sẻ.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Xuân Liễu  báo cáo tại đại hội. (Ảnh: X.N).

Tuy vậy, dư địa ngành dầu ăn được đánh giá còn lớn, mức tiêu thụ của người dân còn thấp. Như Malaysia, người dân tiêu thụ 29 kg mỗi năm, trong khi Việt Nam mới chỉ 11,3 kg/năm. Ngoài ra, có sự khác biệt rõ rệt về tiêu thụ ở thành thị và nông thôn, như ở nông thôn có vùng người dân dùng mỡ hay các loại dầu khác. Từ đó, Vocarimex thực hiện phân định vùng miền để cung cấp các sản phẩm cho phù hợp.

Năm 2024, vị CEO nhận định kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn. Xung đột địa chính trị tiếp tục leo thang (Nga - Ukraina, Dải Gaza khu vực Trung Đông, Iran - Israel) làm cho kinh tế thế giới bất ổn; nhiều rào cản trở ngại cho thương mại toàn cầu.

Thương mại toàn cầu tiếp tục giảm. Giá cả hàng hóa của nhiều nền kinh tế lớn ở châu Âu và châu Mỹ tiếp tục giảm mạnh. Lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao, tác động mạnh lên giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển. Cùng với đó là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm.

Công ty kỳ vọng kinh tế sẽ tiếp tục khởi sắc trong những tháng còn lại năm 2024.

Về chiến lược ngành hàng, bà Liễu cho biết vẫn đang theo cách truyền thống, phát triển các ngành dầu nguyên liệu. Thế mạnh của Vocarimex là nhập khẩu dầu nguyên liệu, Cảng Nhà Bè có thể khai thác khối lượng lớn. Công ty có kinh nghiệm sản xuất dầu mè... Tuy vậy, tình hình có những khó khăn, khách hàng cũng khó tính hơn trước.

Với những nhận định đó, Vocarimex đặt kế hoạch doanh thu 600 tỷ đồng, giảm 29% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 34 tỷ đồng, giảm sâu so với con số hơn 1.500 tỷ đồng của năm 2023. 

Ban chủ tọa đại hội. (Ảnh: X.N).

PHIÊN THẢO LUẬN

Vì sao công ty thực hiện hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu VOC?

Ông Trần Lệ Nguyên, Thành viên Hội đồng quản trị: Hiện Tập đoàn KIDO đã nắm giữ khoảng 90%. Trước đó, ĐHĐCĐ bất thường của Vocarimex (trực tuyến) đã thống nhất việc hủy đăng ký giao dịch. Những cổ đông còn lại muốn bán cổ phiếu thì Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) sẽ mua lại theo giá thị trường, chứ không phải giá sổ sách.

Dù bán hay không, cổ đông không bị ảnh hưởng về quyền lợi, giá trị hay số lượng cổ phiếu, tất cả đều như nhau. Cổ đông xin yên tâm.

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu: Chúng tôi đã làm thủ tục. ĐHĐCĐ thường niên hôm này công ty tiếp tục xin ý kiến một lần nữa để tái khẳng định quyết định hủy tư cách công ty đại chúng, hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu. Việc này phải thực hiện theo lộ trình, qua các cấp phê duyệt. Thời gian hoàn tất theo tôi khoảng 2 - 3 tháng.

Dù hủy đăng ký giao dịch thì công ty vẫn trả cổ tức theo kết quả kinh doanh. Nếu cổ đông muốn bán thì KIDO sẵn sàng mua với giá thị trường, giá thỏa thuận giữa 2 bên trên cơ sở giá thị trường. Thực ra việc “xuống sàn” theo tôi không có khác biệt gì nhiều so với ở trên sàn, hàng năm công ty vẫn họp đại hội cổ đông, vẫn báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, chia cổ tức... Chỉ có khác là trên sàn phải báo cáo, công bố thông tin... như quy định của sàn.

Công ty ứng phó ra sao trước biến động giá dầu ăn?

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc: Từ đầu năm đến nay, không chỉ giá dầu mà tỷ giá cũng biến động. Từ đầu năm trung bình giá dầu 23.000 – 24.000 đồng/kg, có lúc giảm xuống dưới 20.000 đồng/kg sau đó lại tăng lên 25.000 – 26.000 đồng/kg, cùng với biến động tỷ giá. Công ty chọn phương pháp an toàn, hạn chế nhập, tránh tồn kho lớn như hồi đại dịch. Công ty thận trọng trong việc quyết định mua bán trong quý I, quý II/2024.

Vì sao công ty đặt kế hoạch lợi nhuận 2024 giảm sâu?

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu: Tình hình kinh tế vẫn đang khó khăn. Năm 2023 có lợi nhuận cao nhờ phần nhiều từ khoản thu nhập tài chính, chứ thực sự biên lợi nhuận ngành dầu rất thấp. Như đã phân tích, với giá nhập 25.000 – 26.000 đồng/kg, chi phí bao bì 14% thì giá bán ra khoảng 30.000 đồng/kg thực sự không có lời. Năm nay tình hình kinh tế thế giới vẫn khó khăn, giá dầu vẫn khó lường. Do đó, công ty đặt kế hoạch như trên (LNTT 34 tỷ đồng) để sát với khả năng thực hiện.

Chia sẻ về tình hình kinh doanh quý I?

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu: Quý I doanh thu trên dưới 50 tỷ, lợi nhuận 9,4 tỷ đồng.

Định hướng chia cổ tức của công ty trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu: Tuy 2023 vừa rồi khó khăn nhưng công ty vẫn có khoản thu nhập tài chính đáng kể. Theo đó, công ty đã chia cổ tức đặc biệt 30%. Năm nay công ty vẫn sẽ tiếp tục chia cổ tức như thông thường 10% - 12% hoặc cao hơn, tùy thuộc tình hình kinh doanh. Không thể chia tỷ lệ 30% vì nếu vậy 2 – 3 năm công ty sẽ hết tiền, không có nguồn để đầu tư phát triển. Hiện tại nếu đi vay sẽ phải gánh thêm chi phí tài chính.

Đại hội bỏ phiếu. (Ảnh: X.N).

Cuộc họp kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua. Cổ đông bầu ông Trần Kim Thành, ông Trần Lệ Nguyên và bà Nguyễn Thị Xuân Liễu vào thành viên HĐQT; bà Nguyễn Mai Thi, bà Nguyễn Thị Ngọc Chi, bà Huỳnh Ngọc Nữ Phương Nga vào thành viên BKS nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Xuân Nghĩa