ĐHĐCĐ Vicostone: Giải thể Ban kiểm soát, không có chuyện hủy niêm yết
Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Vicostone trả lời câu hỏi cổ đông (Ảnh: BM)
Vicostone bầu HĐQT nhiệm kỳ mới, giải thể Ban kiểm soát
Sáng 12/4, CTCP Vicostone (Mã: VCS) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Đại hội năm nay tiến hành bầu 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới (2019 – 2024) gồm 1 thành viên độc lập, 3 thành viên không tham gia điều hành và một thành viên tham gia điều hành.
Qua đó các thành viên trúng cử có ông Hồ Xuân Năng (Chủ tịch Vicostone), ông Phạm Anh Tuấn (TGĐ Vicostone), bà Trần Lan Phương (giám đốc nhân lực, trợ lý TGĐ Phenikaa), bà Nghiêm Thị Ngọc Diệp và bà Nguyễn Diệu Thúy Ngọc (đều đang là ủy viên HĐQT VCS).
Ngoài ra, Đại hội đồng cổ đông cũng thông qua một nội dung quan trọng là giải thể Ban kiểm soát (BKS).
Theo lý giải của công ty, hiện cơ cấu quản trị của Vicostone bao gồm Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Quản trị rủi ro - Kiểm toán nội bộ (trực thuộc HĐQT) và Ban tổng giám đốc (TGĐ).
Mô hình này tuân thủ Khoản 1, Điều 134 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 26/11/2014.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện trách nhiệm và chức năng phân công, Vicostone cho rằng một số chức năng của Ban Kiểm soát bị chồng chéo và trùng lặp với chức năng của Ban Quản trị rủi ro – Kiểm toán nội bộ.
Do đó, công ty tiến hành phương án giải thể Ban Kiểm soát và lựa chọn cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty chỉ bao gồm ĐHĐCĐ, HĐQT, Tổng Giám đốc, Ban Quản trị rủi ro và Kiểm toán nội bộ. "Cơ cấu tổ chức quản lý mới được áp dụng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị và công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động của công ty", lãnh đạo Vicostone cho biết.
Điểm lưu ý, BKS trực thuộc ĐHĐCĐ, phải báo cáo trước ĐHĐCĐ, còn Ban quản trị rủi ro – kiểm toán nội bộ lại trực thuộc HĐQT.
Nhận chuyển nhượng nguyên trạng Phenikaa Huế từ Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh
Đại hội thông qua phương án nhận chuyển nhượng phần vốn góp của CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Chế biến khoáng sản Phenikaa Huế.
Đây là đơn vị đầu tư thực hiện dự án sản xuất vật liệu Cristobalite theo công nghệ được chuyển giao của hãng Grenzebach (Đức) tại KCN Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Sản phẩm chính của công ty là vật liệu đầu vào cho sản phẩm đá nhận tạo gốc thạch anh và trong việc sản xuất các vật liệu công nghệ cao như vật liệu bán dẫn, màn hình tinh thể…
Theo kế hoạch, Vicostone sẽ nhận chuyển nhượng 100% vốn góp của CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A, chuyển nhượng nguyên giá (phía Tập đoàn sẽ không tính bất kỳ khoản lãi nào từ việc đầu tư tại Phenikaa Huế).
Phenikaa Huế có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, tại thời điểm 28/2/2019, tổng tài sản của Phenikaa Huế đạt 622 tỉ đồng, nợ phải trả 572 tỉ đồng trong đó có 306 tỉ đồng nợ vay từ Vietcombank chi nhánh Thành Công, 219 tỉ đồng là vốn vay của Phenikaa.
Theo ông Hồ Xuân Năng, việc nhận chuyển nhượng Phenikaa Huế khiến cho tổng tài sản và nợ của Vicostone tăng lên, công ty bắt đầu xuất hiện nợ dài hạn, tuy nhiên cơ cấu nợ hiện tại của công ty là không đáng ngại.
Hiện Phenikaa Huế đang được một công ty kiểm toán định giá và sẽ thực hiện chuyển giao sau đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.
Việc nhận chuyển nhượng cổ phần tai Phenikaa Huế giúp cho Vicostone tăng cường tỉ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu đầu vào (mục tiêu trong tương lai lên tới 95%). Giúp công ty có thể chủ động về nguồn nguyên liệu và giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo định hướng chung của toàn Tập đoàn Phenikaa, Vicostone sẽ là đơn vị đầu mối cung cấp nguồn nguyên vật liệu cho các Công ty sản xuất trong Tập đoàn. Sau khi nhận chuyển nhượng Phenikaa Huế, Vicostone sẽ trở thành đầu mối cung cấp vật liệu Cristobalite cho các đơn vị sản xuất đá thạch anh tấm lớn của Tập đoàn. Tập đoàn Phenikaa sẽ chuyển sang mô hình holdings.
Hiện nay, Tập đoàn Phenikaa đã có 5 dây chuyền sản xuất đá thạch anh cao cấp dạng tấm lớn với tổng công suất thiết kế 2,5 triệu m2 sản phẩm/năm; đến năm 2020 dự kiến sẽ được nâng công suất lên khoảng 5 triệu m2/năm. Kế hoạch doanh thu xuất khẩu tăng trưởng trung bình 25%/năm; đến năm 2020, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của Tập đoàn là 250 triệu USD
Với kế hoạch công suất và mục tiêu trên, nhu cầu riêng của các Nhà máy Tập đoàn Phenikaa đối với sản phẩm cristobalite chế biến sâu từ cát silic là 72.000 tấn/năm, giá trị tương ứng là 15 triệu USD/năm.
Giá cổ phiếu đã thấp, thuận lợi hơn để phát hành ESOP
Về kế hoạch phát hành cổ phiếu lựa chọn người lao động (ESOP), nhiều năm qua Vicostone chưa làm được vì một số lý do trong đó có việc giá cổ phiếu cao quá.
Sau tái cơ cấu, tổng tài sản của Vicostone có thể lên tới 7.000 – 8.000 tỉ đồng, công ty không còn quy mô trung bình mà là doanh nghiệp lớn, do đó Chủ tịch Hồ Xuân Năng cũng mong muốn thực hiện những chính sách nhằm ổn định, giữ chân và cho nhân sự lâu năm những quyền lợi.
"Nhiều người lao động có công lớn với Vicostone nhưng lại không phải là nhân viên công ty, Tập đoàn Phenikaa có nhiều dự án lớn, nhân sự phụ trách các dự án đó họ phải đi làm. Khi Vicostone phát hành cổ phiếu cho người lao động, họ không được nhận, như vậy là không công bằng". Ông Năng lấy ví dụ về người đang phụ trách dự án Phenikaa Huế có công sức đóng góp rất lớn, tới đây khi nhận sáp nhập sẽ có cơ hội được về một nhà với Vicostone.
Về thời hạn bán cổ phiếu ESOP cũng sẽ được HĐQT cân đối dựa trên khối lượng. "Nếu phát hành ESOP mà không cho người ta bán thì là nói xuông, phải cho họ bán thì mới có thể hiện thực hóa lợi ích. Phát hành với số lượng hợp lý thì có thể bán một phần, phần còn lại phải giới hạn", ông Năng cho biết.
Xung quanh vấn đề nhân sự, cổ đông kiến nghị việc tăng thù lao cho các thành viên HĐQT; ông Năng cho biết cũng đã nghĩ đến điều này.
Năm ngoái, một công ty trong hệ thống Tập đoàn Phenikaa là Stone Việt Nam đã thực hiện hủy niêm yết, cổ đông thắc mắc việc liệu Vicostone có làm tương tự.
Chủ tịch Hồ Xuân Năng khẳng định không có chuyện Vicostone hủy niêm yết, công ty đã tồn tại trên sàn hơn chục năm là một trong những công ty thực hiện tốt vấn đề minh bạch, đây là điều tốt cần phát huy.
Về việc chuyển sàn, chủ tịch Vicostone vẫn giữ quan điểm chờ đợi khi hai sàn giao dịch chứng khoán HOSE và HNX sáp nhập làm một, do đó chuyển sàn là không cần thiết.
Năm 2019, Vicostone đặt kế hoạch doanh thu 5.310 tỉ đồng, tăng trưởng 16,33%; kế hoạch lợi nhuận trước thuế dự kiến 1.565 tỉ đồng, tăng trưởng 18,67% so với năm ngoái.
Ban lãnh đạo cho rằng hoạt động kinh doanh của công ty trong năm 2019 sẽ được hỗ trợ tích cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các sản phẩm Trung Quốc sẽ bị áp thuế cao vào thị trường Mỹ (đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vicostone).
Hiện tại, biên lợi nhuận gộp hoạt động của Vicostone lên tới 50%, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu 30% đối với hoạt động lõi, nếu tính cả thương mại thì là 25%. Ông Năng tự tin đây là con số cao đối với một doanh nghiệp sản xuất.