|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gió đổi chiều, mô hình holdings có phải cách để doanh nghiệp tránh đổ vỡ theo hiệu ứng domino?

07:30 | 21/05/2018
Chia sẻ
Đây có thể là cách để những “ông lớn” như Masan, CII, An Phát hay Thế Giới Di Động, HAGL vận dụng để tránh đổ vỡ theo hiệu ứng domino.
gio doi chieu mo hinh holdings co phai cach de doanh nghiep tranh do vo theo hieu ung domino Công ty của 'Shark' Vương tăng trưởng lãi ròng gấp rưỡi trong quý I/2018
gio doi chieu mo hinh holdings co phai cach de doanh nghiep tranh do vo theo hieu ung domino 10 năm đầu tư, Sacom Tuyền Lâm của SAM Holdings khi nào mới có lãi?

Nhìn từ thế giới

Holdings là một mô hình công ty rất phổ biến, định hướng đa ngành, được sử dụng tại các công ty đa quốc gia. Hoạt động thuần “holding” đơn giản là công ty mẹ sẽ không trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh tại các công ty con mà chỉ đóng vai trò là cổ đông lớn. Trong khi đó, “tập đoàn” được toàn quyền quyết định hoạt động kinh doanh.

gio doi chieu mo hinh holdings co phai cach de doanh nghiep tranh do vo theo hieu ung domino
Gió đổi chiều, mô hình holdings có phải cách để doanh nghiệp tránh đổ vỡ theo hiệu ứng Domino?

Doanh nghiệp chuyển sang mô hình holdings sẽ nắm giữ cổ phần chi phối các công ty khác. Thách thức của holdings là xây dựng quy chế quản trị, tài chính nhằm kiểm soát chặt chẽ công ty con, hạn chế rủi ro kinh doanh. Ngược lại, ưu điểm của mô hình này là nhận được các lợi ích về thuế, quản lý nhân sự, nguồn vốn, thực hiện quá trình mua bán, sáp nhập (M&A) giữa các đơn vị con một cách dễ dàng, thuận tiện hơn. Nhìn chung, điều này có thể giúp doanh nghiệp phát huy được tối đa nguồn lực, cơ cấu các công ty thành viên và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Trên thế giới có khá nhiều tên tuổi lớn phát triển dưới hình thức holdings như tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia của Mỹ - Proter&Gamble (NYSE: PG), Baidu (NASDAQ: BIDU) – Công ty chuyên về mạng trực tuyến của Trung Quốc, AdAsia Holdings – Công ty công nghệ chuyên cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo, Berkshire Hathaway (NYSE: BRK.A) của tỷ phú Warren Buffett. Năm 2016, ông đã gia tăng sở hữu tại các hãng hàng không lớn của Mỹ, trở thành cổ đông lớn nhất của United Airlines, Delta Airlines; là cổ đông thuộc top 3 của Southwest Airlines và American Airlines.

Gió đổi chiều

Khi Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang thị trường, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu mở rộng kinh doanh đa ngành xung quanh hoạt động cốt lõi. Tuy nhiên, thị trường càng đông thì khẩu phần càng nhỏ. Giới đầu tư hẳn chưa quên những “quả đấm thép” hoạt động đa ngành như Vinashin, Vinalines, Vinachem, Vinacomin.. từng nếm mùi thất bại khi liên tục thua lỗ. EVN hay Mai Linh cũng không phải một ngoại lệ. Dù sao, doanh nghiệp sẵn sàng cuộc chơi đa ngành, đồng nghĩa với việc chấp nhận “tay bắt dao rơi” bởi chỉ một sai lầm có thể khiến cả đế chế sụp đổ.

Chính vì vậy, holdings sinh ra để doanh nghiệp có thể phân tán rủi ro, cân đối được nguồn lực và hoạt động minh bạch, chuyên nghiệp hơn.

Sức cộng hưởng từ sự liên kết giữa các đơn vị thành viên sẽ giúp doanh nghiệp hưởng lợi khi thực hiện nghĩa vụ thuế, sử dụng đòn bẩy tài chính, các cơ hội huy động vốn cũng dễ dàng hơn và quan trọng là đem lại khả năng tăng trưởng cho chính công ty mẹ. Xét trên các yếu tố này, holdings được xem là mô hình đáng mong đợi mà các doanh nghiệp đang hướng đến nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.

Tại Việt Nam, có rất nhiều công ty được thành lập hoặc chuyển hoạt động sang holdings. Năm 2011, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) công bố chuyển tên thành CTCP PVI (PVI Holdings). Sau đó, PVI thành lập Tổng Công ty Bảo hiểm PVI dưới hình thức Công ty TNHH Một thành viên để đưa toàn bộ hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của mình sang công ty con.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) là một trường hợp khá “nhanh nhạy” khi quyết định chuyển đổi sang hình thức holdings, chia nhỏ và phân tách rõ ràng nhiệm vụ của từng công ty thành viên. Hay như Sovico Holdings, T&T, TTC Group cũng là một ví dụ điển hình cho mô hình này.

Các doanh nghiệp này đều tham vọng đầu tư đa ngành. Đơn cử như TTC đầu tư vào điện mặt trời. Đến năm 2020, TTC dự tính đạt công suất 1.000 MW điện mặt trời, 40 MW điện gió, chiếm 73% tỷ trọng toàn ngành năng lượng của tập đoàn, còn lại là 222 MW thủy điện, chiếm 16% và nhiệt điện 150MW, chiếm 11%. Tuy nhiên, TTC vẫn chú ý 5 lĩnh vực chủ lực là bất động sản là bất động sản, năng lượng, mía đường, giáo dục và du lịch.

gio doi chieu mo hinh holdings co phai cach de doanh nghiep tranh do vo theo hieu ung domino DN mía đường, đầu tư tài chính, xây dựng chạy đua làm năng lượng sạch

Hay như SAM Holdings tiền thân là SACOM đã đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ngoài mũi nhọn là sản xuất dây cáp viễn thông.

Sơn Kim Investment cũng là một ví dụ điển hình của holdings. Giai đoạn 2008 – 2012, công ty bắt tay vào việc tái cơ cấu mạnh mẽ. Các đơn vị chịu sự kiểm soát của công ty mẹ hoạt động chuyên trách theo từng mảng cụ thể. Trong đó, Sơn Kim Retail chuyên sản xuất, bán lẻ về dệt may; Sơn Kim Land tập trung vào lĩnh vực bất động sản, Vision 21 phát triển về truyền thông.

Sau khi tái cơ cấu, EXS Capital – quỹ đầu tư có trụ sở tại Hong Kong đã đầu tư hơn 37 triệu USD vào Sơn Kim Land. Tính đến tháng 9/2017, quỹ này đã giúp Sơn Kim Land thu về 84 triệu USD gọi vốn và dự kiến có thể tăng lên 100 triệu USD. Mục tiêu của EXS đưa công ty này thành doanh nghiệp bất động sản với vốn hóa tỷ USD.

Holdings liệu có tránh đổ vỡ?

Ưu điểm của mô hình holdings là tạo cơ hội tiếp cận các nguồn vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh thuận lợi. Chính vì vậy, CII đã áp dụng, tái cơ cấu theo hình thức này. Nhờ đó, công ty huy động được gần 2.000 tỷ đồng từ Metro Pacific Investments Corporation (MPIC) – Tập đoàn đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất tại Philippines. Mới đây, CII tiếp tục đàm phán với MPIC nhằm huy động thêm 50 triệu USD vào các dự án của CTCP Đầu tư cầu đường CII (CII B&R). MPIC cũng là cổ đông lớn thứ 2 của CII B&R với tỷ lệ sở hữu gần 45% vốn cổ phần. CII hiện sở hữu 8 công ty con và 3 công ty liên kết.

Đại diện holdings trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) cũng sở hữu tới 20 công ty con với những thương hiệu sản phẩm khác nhau. Đây có thể là cách để những “ông lớn” như Masan, CII, An Phát hay Thế Giới Di Động vận dụng để tránh đổ vỡ theo hiệu ứng domino.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) cũng từng được coi là mô hình holdings thành công. Hiện nay, HAGL sở hữu 34 công ty con kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau (khoáng sản, mía đường, bất động sản, cao su...). Tuy nhiên, việc sở hữu nhiều đơn vị thành viên và đầu tư dàn trải đã khiến kết quả kinh doanh những năm gần đây của Hoàng Anh Gia Lai đi xuống.

Quý I vừa qua, HAGL ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng hơn 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu không đến từ việc bán bò do công ty chỉ tập trung cho mảng trái cây, đàn bò giờ đây chỉ để cung cấp phân hữu cơ cho trồng trọt. Trong khi năm 2014, nhà đầu tư còn nhớ HAGL từng công bố dự án nuôi bò với số vốn đầu tư lên tới 6.300 tỷ đồng.

Cuối tháng 4, cổ phiếu HAG bị đưa vào diện cảnh báo. Nguyên nhân được giải trình là trên báo cáo tài chính hợp nhất 2017 có ghi nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về khoản phải thu các bên hơn 4.000 tỷ đồng. Các đơn vị liên quan hiện đầu tư đa ngành nên chưa tạo được lợi nhuận, gây khó khăn cho việc xác định dòng tiền trả nợ cho HAGL.

gio doi chieu mo hinh holdings co phai cach de doanh nghiep tranh do vo theo hieu ung domino
Nguồn: NH tổng hợp

Tại Đại hội cổ đông vừa qua, CTCP Kỹ nghệ lạnh (Searefico – Mã: SRF) định hướng trở thành Holdings Company nhằm đa dạng các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Searee kinh doanh chính trong lĩnh vực cơ điện công trình và hệ thống lạnh công nghiệp. Quý I vừa qua, công ty trúng thầu thi công hệ thống điện thuộc dự án Premier Residences Phú Quốc Emerald Bay và Wilton Tower.

CTCP Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước (Dream House - Mã: DRH) cũng là một ví dụ về tham vọng chuyển mình sang holdings. Từ năm 2015, Dream House đã quyết liệt tái cơ cấu toàn doanh nghiệp, tập trung vào mảng bất động sản, phát triển khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Năm 2017, công ty lãi ròng gần 70 tỷ đồng nhưng chủ yếu được ghi nhận từ hoạt động đầu tư tài chính và các khoản khác.

gio doi chieu mo hinh holdings co phai cach de doanh nghiep tranh do vo theo hieu ung domino Sau gần 2 năm thâu tóm dự án Aurora, Dream House làm được gì?

Đầu năm nay, Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex – Mã: GEX) thông báo hủy giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 15/1 và chuyển niêm yết trên sàn HOSE của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Ban lãnh đạo Gelex hiện có nhiều hoạt động tái cơ cấu để sẵn sàng chuyển đổi mô hình kinh doanh sang holdings. Việc nâng tỷ lệ sở hữu tại các công ty liên kết như Thabidi, Sotrans, Vinakip hay Vihem đã giúp công ty lãi ròng hơn 1.300 tỷ đồng năm 2017, gấp 2,2 lần năm trước.

Tương tự như GEX, CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) cũng nghĩ đến chuyện phát triển dưới hình thức holdings nhằm huy động vốn từ nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho vấn đề này. Tại đại hội, công ty đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận chỉ bằng 98% thực hiện năm 2017 do giảm dần mảng sợi (vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu).

Bên cạnh việc tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp, mô hình holdings vẫn tồn tại một số thách thức khi các đơn vị phải đối mặt với những xung đột lợi ích giữa công ty mẹ và các công ty thành viên. Việc công ty mẹ nắm quyền sở hữu 51% vốn cổ phần có thể chi phối các công ty con nhưng chưa hẳn đã nắm rõ hoạt động của các đơn vị này. Chưa kể, những người "cầm lái" của doanh nghiệp mẹ phải có đủ tâm, có tầm và hiểu biết về lĩnh vực muốn đầu tư.

Vậy nên, việc xây dựng các tiêu chuẩn về quản trị tài chính, tránh rủi ro trong kinh doanh giúp kiểm soát tốt các công ty con luôn là một bài toán khó mà lãnh đạo cần vượt qua để tránh lâm vào tình trạng thua lỗ. Làm được điều này, họ sẽ có đủ sức mạnh để tồn tại, phát triển và là đôi hia bảy dặm đưa tên tuổi doanh nghiệp vươn xa hơn nữa.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nhật Huyền