Vicostone: Hàng Trung Quốc bị áp thuế cao tại Mỹ là cơ hội để tăng trưởng doanh thu
Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận kép 15%/năm
Năm 2018, CTCP Vicostone (Mã: VCS) đặt kế hoạch doanh thu 5.310 tỉ đồng (tăng trưởng 16%); lợi nhuận trước thuế 1.565 tỉ đồng (tăng trưởng gần 19%). Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2019 – 2024, tăng trưởng kép doanh thu, lợi nhuận mỗi năm 15%.
Kế hoạch kinh doanh của VCS trong 5 năm tới (Nguồn: VCS)
Theo báo cáo thường niên của Vicostone, trong giai đoạn 2014 – 2018, công ty đạt tỉ lệ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 30% và 80%. Các chỉ số tăng trưởng vượt trội so với mục tiêu CAGR 20%/năm của Vicostone.
Về chiến lược nguyên vật liệu, Vicostone đặt mục tiêu tăng cường tỉ lệ nội địa hoá với mục tiêu tỉ lệ nguồn đầu vào đạt 95%, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Hiện công ty đã nhận chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và chế biến khoáng sản Phenikaa Huế, công ty hoạt động trong lĩnh vực chế biến vật liệu cristobalite làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm công nghệ cao, polymer composite cho nhà máy tạo gốc thạch anh. Vicostone cũng đang triển khai dự án sản xuất sản phẩm nhựa polyester từ kết quả nghiên cứu khoa học.
Về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, từ năm 2019 – 2021 Vicostone thực hiện tái cấu trúc trở thành đơn vị duy nhất trong tập đoàn kinh doanh sản xuất đá tấm, nguyên vật liệu đầu vào. Dự kiến từ 2021 đến 2024, công ty sẽ hoàn thành đầu tư thêm ít nhất hai dây chuyền sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh, nâng năng suất lên 5 triệu m2/năm.
Hàng Trung Quốc bị áp thuế cao tại Mỹ là cơ hội để tăng doanh thu
Hiện tại, sản phẩm của Vicostone đã có mặt tại hơn 40 quốc gia; tuy nhiên gần 99% doanh thu lại tập trung chủ yếu ở các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, Úc và châu Âu, lần lượt 66,3%, 21,2% và 11,3%.
Nguồn: VCS
Doanh thu tại các thị trường chính tăng trưởng qua các năm, tuy nhiên cơ cấu tỉ trọng các thị trường gần như không thay đổi. Điều này giúp cho doanh thu của công ty ổn định và tăng trưởng đều đặn.
Khía cạnh thuận lợi khác được Vicostone đánh giá là việc sản phẩm Trung Quốc bị áp thuế cao tại thị trường Mỹ - vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vicostone - có thể mở ra cơ hội cho trong những năm công ty trong những năm tới.
Theo nhận định của công ty này, nửa cuối năm 2019, hàng Trung Quốc dự trữ sẽ được tiêu thụ hết và các nhà phân phối sẽ có nhu cầu bổ sung hàng hóa. Vicostone đánh giá đây là cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu.
Mặc dù vậy, các rủi ro tiềm ẩn có thể xuất phát từ những biến động lớn tại những thị trường trọng yếu có thể ngoài tầm kiểm soát như rủi ro kinh tế, chính trị, xã hội, hành lang pháp lý…
Rủi ro khác là nguy cơ ảnh hưởng xấu bởi sự gia tăng hoạt động nhập khẩu từ các nhà sản xuất đá nhân tạo khác vào các thị trường chính của công ty, đặc biệt là tại Mỹ, Úc và Canada.
Theo kết quả nghiên cứu của bộ phận marketing công ty cũng như nhận định từ một số đối thủ cạnh tranh lớn, tại thị trường Mỹ, những tháng đầu năm 2019 sẽ khá khó khăn để tăng trưởng do tác động của lượng hàng tồn kho lớn do các sản phẩm của Trung Quốc được nhập ồ ạt từ năm 2018 (dưới ảnh hưởng của việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng đá nhân tạo có nguồn gốc từ Trung Quốc).
Việc các nhà sản xuất Trung quốc chuyển đổi nguồn gốc nhập khẩu vào Mỹ sang các nước thứ 3 và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sang các thị trường khác sẽ là nguy cơ rủi ro không nhỏ cho hoạt động kinh doanh của Vicostone.
Ngoài ra, việc một số nhà sản xuất Việt Nam đầu tư dây chuyền công nghệ Trung Quốc với dòng sản phẩm giá thấp bắt đầu gia nhập thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường Mỹ, làm ảnh hưởng đến mức giá nhập khẩu trung bình từ Việt Nam vào Mỹ, là nguy cơ sẽ dẫn đến việc xem xét áp dụng chính sách thuế chống phá giá đối với các sản phẩm đá nhân tạo xuất xứ Việt Nam.
Thị trường nội địa giàu tiềm năng
VCS vẫn chưa khai thác tốt thị trường nội địa
Thị trường nội địa tuy chưa phải là thị trường có mức đóng góp doanh thu cao, nhưng Vicostone cho rằng là một trong những thị trường tiềm năng.
Điểm thuận lợi là sử dụng đá tự nhiên vẫn là xu hướng tiêu dùng chính tại thị trường Việt. Điều này tạo cơ hội cho các thương hiệu đá nhân tạo muốn gia nhập và chiếm lĩnh thị trường.
Công ty cho biết cần phải đầu tư chi phí truyền thông - marketing không chỉ nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu riêng của mình tại thị trường Việt Nam, mà còn để tạo sự nhận biết về sản phẩm mới, thay đổi quan điểm tiêu dùng, hay còn gọi là "educate" người dùng.
Nếu không có khả năng thay đổi quan điểm và thói quen tiêu dùng, hoặc không có khả năng "đi nhanh" sau khi đã tạo xu thế, thì có thể dẫn đến đối thủ cạnh tranh hưởng lợi từ kết quả "educate" thị trường mà công ty đã triển khai, công ty có thể mất đi lợi thế cạnh tranh và cơ hội tiên phong, dẫn dắt thị trường.
Bên cạnh đó thách thức mới đến từ sự xuất hiện một số đơn vị sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh, với dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc với chi phí đầu tư rất thấp, có nguy cơ làm "loãng" thị trường bởi dòng sản phẩm cấp thấp, giá rẻ và gia tăng sức ép cạnh tranh về giá.
Việc này dẫn đến rủi ro các đại lý, đối tác kinh doanh cố tình sử dụng các sản phẩm có chất lượng kém hơn giả làm đá Vicostone để gia tăng lợi nhuận cho bản thân, gây ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng và uy tín của thương hiệu…