ĐHĐCĐ SHB: Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề mua cổ phần
Người ABBank xuất hiện trong danh sách đề cử vào HĐQT của SHB | |
Cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá quá nhiều? | |
SHB hoàn tất tăng vốn lên hơn 12.000 tỷ đồng, chuẩn bị bành trướng mạng lưới |
Đại diện NHNN, SHB cần kiểm soát tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) diễn ra vào chiều nay (ngày 23/4).
Ông Trần Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục I Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá hoạt động của ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện lộ trình tái cấu trúc và hoà nhập trong khối ASEAN. Từ những định hướng của Chính phủ, ông kỳ vọng SHB sẽ tập trung vào mục tiêu tái cấu trúc. Tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, các DNNVV và hạn chế cho vay những lĩnh vực có rủi ro như BOT, kinh doanh chứng khoán, bất động sản…
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng lưu ý nguồn vốn hoạt động của SHB chủ yếu là ngắn hạn. SHB cần kiểm soát tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, thu hẹp được độ lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay.
THẢO LUẬN
Tại sao các nhóm nợ của ngân hàng tăng đồng bộ trong năm 2017? Taị sao có sự chênh lệch giữa mức trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC của ngân hàng (báo cáo kiểm toán là 300 tỷđồng còn báo cáo ngân hàng lập là hơn 1.000 tỷ đồng). Mức trích lập ít trong năm 2017 sẽ tạo gánh nặng cho ngân hàng trong những năm tới?
Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lê: Nợ xấu đã bán cho VAMC là 8.000 tỷ đồng. Tính đến cuối 2017, số dư trái phiếu VAMC còn lại hơn 8.100 tỷ do đã thu hồi 1.400 tỷ đồng. Năm 2017, đã thu hồi 850 tỷ đồng nhưng do trái phiếu VAMC chưa được hoàn lại nên sẽ ghi nhận sau.
Ngân hàng đã trích lập dự phòng trái phiếu trên cơ sở đề án sau sáp nhập Habubank đã được Thủ tướng Chính phủ và NHNN phê duyệt. Các khoản nợ bán cho VAMC đều là nợ có tài sản đảm bảo Số dư trích lập dự phòng trái phiếu VAMC đến cuối 2017 là 2.100 tỷ.
Các khoản nợ xấu tăng trong năm 2017 là do phát sinh từ khoản nợ cũ của Habubank trung dài hạn phát sinh thành nợ xấu. Bên cạnh đó, theo quy định của NHNN, nhiều khách hàng tại SHB mặc dù có dư nợ thuộc nhóm 1 nhưng phát sinh nợ dưới chuẩn tại các TCTD khác , SHB cũng phải chuyển nhóm nợ đối với khách hàng đó. Vì vậy, nợ xấu của ngân hàng có tăng trong năm 2017 nhưng tăng không cao. SHB dự kiến bán cho VAMC khoảng 300 tỷ đồng trong năm 2018 hiện đang gửi hồ sơ để VAMC và NHNN phê duyệt.
Đối với dư nợ Vinasin sau khi sáp nhập Habubank là hơn 3.998 tỷ đồng, SHB đã trích lập dự phòng hơn 1.089 tỷ đồng, còn lại hơn 2.900 tỷ đồng thuộc nợ nhóm 5 của ngân hàng.
Còn về chênh lệch giữa trích lập dự phòng giữa báo cáo kiểm toán và báo cáo do ngân hàng lập, do SHB trích lập dự phòng thừa, nên được kiểm toán hoàn trả lại.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài 9,47%. Ngân hàng có phương án tăng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài không? Tiến trình tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài đến đâu?
Không những SHB mà SHB FC, có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề tham gia góp vốn đầu tư. Theo quan điểm của SHB, việc lựa chọn cổ đông chiến lược thì phải thực sự chiến lược, đầu tư lâu dài, tham gia vào quản trị điều hành, kiểm soát, hỗ trợ về mặt công nghệ. SHB không thực sự quan tâm đến nhà đầu tư nươc ngoài vào chỉ mang tính đầu tư ngắn hạn đối với cổ phiếu của SHB.
Top 5 ngân hàng TMCP lớn nhất, nhưng lợi nhuận, hệ số NIM cũng khá là thấp so với nhóm ngân hàng này?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Cũng như cổ đông, đó cũng là vấn đề trăn trở của HĐQT. SHB là ngân hàng nhận khi tái cấu trúc từ năm 2012 khi sáp nhập Habubank. Năm 2016 – 2017, SHB lại nhận sáp nhập VVF. Việc tái cấu trúc và trích lập dự phòng đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
Tuy nhiên, trong các năm qua, SHB đã xây dựng được nền tảng, tái cấu trúc lại bộ máy, cấu trúc lại thu nhập. Dự kiến năm 2018, SHB sẽ có bước đột phá trên thị trường bán lẻ khi phối hợp với các tập đoàn tài chính, các quỹ đầu tư để khai thác tối đa nguồn vốn đầu tư.
Thu từ dịch vụ tài chính và bảo hiểm trong thời gian tới?
Khoản thu từ dịch vụ tăng nhờ đẩy mạnh các hoạt động phi tín dụng. Thu từ bảo hiểm tăng đột biến trong quý III/2017 do có phát sinh hợp đồng với đối tác kinh doanh bảo hiểm, nên việc thu phí dịch vụ tăng lên. Các năm tiếp theo, thu phí dịch vụ sẽ tăng lên và được phân bổ theo quy định.
Bầu bổ sung thành viên HĐQT
Tại phiên họp, Đại hội đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của ông Trần Ngọc Linh theo đơn từ nhiệm hồi tháng 9/2017.
Ông Trịnh Thanh Hải, thành viên HĐQT độc lập của SHB. |
Tính đến thời điểm đại hội, SHB không nhận được đề cử, ứng cử nào vào HĐQT. Theo đó, SHB đã thông qua phương án ông Thái Quốc Minh thôi chức danh Thành viên độc lập HĐQT để giữ vị trí Thành viên HĐQT, và bổ sung một thành viên HĐQT độc lập đối với ông Trịnh Thanh Hải.
Theo giới thiệu của SHB, ông Hải sinh năm 1964 và có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế tài chính, giữ nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Hoa Kỳ. Từ năm 2016, ông Hải giữ vai trò thành viên độc lập của HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Lựa chọn với SHB của ông tại thời điểm này cũng là lúc ông kết thúc nhiệm kỳ ở ABBank.
Kế hoạch lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng và mức cổ tức 10%
Năm 2018, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng hơn 10% lên 315.494 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 15% lên 223.822 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế tăng 6,5% đạt 2.050 tỷ đồng, chưa kể lợi nhuận thu từ công ty tài chính SHB FC. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tỷ lệ cổ tức 10% bằng cổ phiếu. ROA mục tiêu dao động từ 0,6-0,8% và ROE từ 10,5-11,5%.
Năm nay, SHB sẽ hoàn thành khai trương 5 chi nhánh và mở mới 20 Phòng giao dịch.
Với cổ tức cổ phiếu 10%, vốn điều lệ Ngân hàng sẽ tăng từ 12.000 lên 13.239 tỷ đồng. Ngân hàng đề xuất việc trích lập quỹ khen thưởng 10 tỷ đồng và quỹ phúc lợi gần 9 tỷ đồng.
Tính đến cuối 2017, SHB có 4 công ty con là: Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (SHBAMC), Công ty Tài chính TNHH MTV SHB (SHB FC); Ngân hàng TNHH MTV SHB Lào và Ngân hàng TNHH Sài Gòn – Hà Nội Campuchia (SHB Campuchia).
Ngân hàng TNHH MTV SHB Lào có tổng tài sản đạt 1.325 tỷ Kíp Lào, lợi nhuận trước thuế đạt 17,1 tỷ Kíp Lào (tương đương 46,2 tỷ đồng). Còn về SHB Campuchia, có tổng tài sản 246 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 6,6 triệu USD (tương đương gần 146 tỷ đồng).
Năm 2017, SHB cũng đã được chấp thuận mở Văn phòng đại diện tại Công hoà Liên bang Myanmar và là thị trường nước ngoài thứ ba có sự hiện diện của SHB.
Đưa SHBFC vào Top 3 công ty tài chính trong 5 năm tới
Kết thúc năm 2018, SHB FC dự kiến phủ sóng tại 10 tỉnh thành trên cả nước, quy mô nhân sự bán hàng trực tiếp lên tới 750 người.
Mục tiêu sau 5 năm hoạt động, SHBFC đứng thứ 3 quy mô dư nợ cho vay tiêu dùng tiền mặt lớn nhất thị trường, giá trị doanh nghiệp tăng tối thiểu 4 lần và chỉ số ROE đạt trên 45%, hệ thống mạng lưới mở rộng tại 63% tỉnh thành