ĐHĐCĐ PV Power: Tại sao EVN lại đơn phương giữ lại hơn 800 tỷ đồng của công ty?
Sáng 27/5, Tổng CTCP Điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã: POW) đã tổ chức Đại hội đồng thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến với 181 cổ đông tham dự, đại diện cho 1,9 tỷ cổ phần, chiếm tỷ lệ 82,09% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đã thông qua các tờ trình năm 2021.
Kế hoạch lãi chỉ bằng một nửa năm 2020
PV Power trình cổ đông kế hoạch 2021 với tổng sản lượng điện sản xuất đạt 18,7 tỷ kWh. Trong đó, sản lượng điện thương phẩm dự kiến giảm chủ yếu do nhà máy điện khí Nhơn Trạch 1 ước tính sẽ ghi nhận sản lượng điện thương phẩm giảm 35%.
Kế hoạch năm 2021, doanh thu và và lãi sau thuế mục tiêu đạt 28.430 tỷ đồng và 1.325 tỷ đồng, lần lượt giảm 4% và giảm 50% so với kết quả năm ngoái. Lưu ý là kế hoạch này xây dựng dựa trên cơ sở giá dầu 45 USD/thùng và tỷ giá 1 USD = 23.500 đồng.
Về kế hoạch cổ tức, công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 2%/vốn điều lệ năm 2020 và năm 2021 cũng với tỷ lệ 2% mệnh giá.
Năm 2021, PV Power dự báo là một năm nhiều thách thức khi nhu cầu phụ tải điện có xu thế giảm, giá thị trường điện thấp.
Thêm vào đó là sự biến động mạnh và khó dự đoán của giá dầu thô thế giới tác động đến nhu cầu thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đồng thời năm nay, nhiều nhà máy đi cũng vào bảo dưỡng cũng sẽ là khó khăn cho công ty.
Cụ thể hơn, do tác động của đại dịch COVID-19, dự báo phụ tải năm 2021 tăng trưởng không cao (khoảng 5,2%). Mặt khác, nguồn điện sẽ tăng bổ sung (5 tổ máy nhà máy điện than 600 MW), điện năng lượng tái tạo gia tăng sẽ ảnh hưởng đến tham gia thị trường điện của các nhà máy điện, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ (tỷ trọng điện thương phẩm năng lượng tái tạo chiếm 8,9% tương đương 23,36 tỷ kWh).
Hơn nữa, các hồ thủy điện thường xuyên thiếu nước do thời tiết khắc nghiệt dẫn tới các nhà máy thủy điện không thể đảm bảo tối ưu kế hoạch sản xuất điện.
Nguồn khí giá rẻ khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ ngày càng suy giảm, phải sử dụng nguồn khí bổ sung với giá cao ảnh hưởng đến việc giao kế hoạch Qc cho các nhà máy điện, cũng như tính cạnh tranh của PV Power khi chào giá trên thị trường điện.
Ngoài ra, PV Power Cà Mau dự kiến tham gia thị trường điện cạnh tranh từ năm 2021, hợp đồng mua bán điện tại nhà máy điện Cà Mau 1&2 phải đàm phán lại để tham gia thị trường điện cạnh tranh, với giá khí cao nhà máy sẽ khó khăn khi tham gia thị trường.
Phần thảo luận:
Cổ đông: Tình hình triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4? Những dự án trong tương lai PV Power sẽ triển khai?
Theo ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT, dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 &4 là dự án năng lượng quan trọng của quốc gia. Dự án có tổng công suất 1.500 MW với tổng mức đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng trong đó 25% là vốn chủ, còn lại là vốn vay.
Ông Kỳ cho biết tính đến hiện tại thì phương án tài chính đã đi vào giai đoạn cuối để chốt, và công ty đang song song đàm phán hợp đồng mua bán điện, khí. Khi lựa chọn nhà thầu EPC sẽ hoàn tất ký hợp đồng.
Về việc chuẩn bị mặt bằng, cập nhật tới ngày 6/5, trong tổng diện tích 54 ha cần giải phóng thì chỉ còn 7,5 ha đang còn tồn tại và cần xử lý. Đơn giá đền bù đã phê duyệt. Trong tháng 5 sẽ hoàn tất chi trả và bàn giao mặt bằng cho PV Power.
Việc triển khai lựa chọn nhà thầu, trong 18 gói thầu, ông Kỳ cho biết đã hoàn thành lựa chọn xong 8 gói thầu với giá trị trúng thầu giảm 27% so với giá gói thầu. Công ty cho biết đang tích cực lựa chọn nhà thầu san lấp, nhà thầu EPC và nhà thầu giám sát quản lý... Dự kiến sẽ đóng thầu vào tháng 7 tới nhưng có thể gia hạn thêm nếu cần thiết.
Chia sẻ thêm, đại diện PV Power cho biết ngoài dự án Nhơn Trạch 3 & 4 thì PV Power cùng nhà đầu tư Nhật Bản và một nhà đầu tư trong nước đang quan tâm đến việc đầu tư dự án LNG ở Quảng Ninh. Theo ông Kỳ, đây là dự án LNG đầu tiên ở phía Bắc.
Theo vị Chủ tịch, theo tổng sơ đồ điện 8 thì đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt 134 tỷ kW. Do đó dư địa để phát triển cho ngành điện là rất lớn.
Vì vậy, công ty vẫn đang mở rộng, tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác. Công ty còn muốn tăng sản lượng điện ở vùng Tây Nam Bộ khoảng 11 tỷ kwh/năm ở Cà Mau thông qua việc đầu tư kho LNG Nam Du cho nhà máy Cà Mau 3 nhằm bổ sung nguồn khí cho Cà Mau 1 & 2. Hiện PV Power đang kiến nghị PVN thành lập các công ty cổ phần để xã hội hóa vốn chủ.
Đặc biệt, ông Kỳ còn tiết lộ phía PVN đang trình Ủy ban quản lý vốn nhà nước cho PV Power làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện khí miền Trung 1 và 2 trong Trung tâm Điện lực Dung Quất.
Dự án nhà máy điện khí miền Trung 1 và 2 có công suất 1.500 MW. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ của dự án này thực hiện triển khai đồng bộ với tiến độ cấp khí của dự án nguồn (thuộc Chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh), dự kiến vận hành thương mại quý IV/2023 (miền Trung 1) và quý II/2024 (miền Trung 2).
Dù thực hiện nhiều dự án nhưng đại diện PV Power khẳng định các dự án này sẽ triển khai theo hình thức cuốn chiếu chứ không phải cùng một lúc.
Cổ đông: Hợp đồng mua bán điện với EVN ở Cà Mau đang tới đâu? Quá trình thu hồi nợ xấu?
Ông Hồ Công Kỳ trả lời, hợp đồng mua bán điện của Cà Mau 1 và 2 được ký từ năm 2008 trên cơ sở dc chấp nhận của các Bộ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và PVN đã ký thỏa thuận sau đó chuyển đổi cho PV Power. Từ đó đến nay hợp đồng vẫn còn nguyên hiệu lực.
Tuy nhiên, từ tháng 2/2018, EVN đã đơn phương giữ lại 60 tỷ đồng/tháng tiền điện (đây là khoản tiền chủ yếu liên quan đến tỷ giá áp dụng trong giá bán điện hàng tháng của hai nhà máy Cà Mau 1&2), có thời điểm số lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng.
Sau đó, PV Power đã báo cáo với các Bộ liên quan về vấn đề đơn phương của EVN. Theo chỉ đạo, EVN năm 2020 đã hai lần trả lại hơn 1.300 tỷ đồng cho PV Power. Đây là phần chênh lệch phí công suất từ tháng 2/2018 đến hết năm 2019.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2020 đến tháng 3/2021 thì EVN vẫn tiếp tục giữ lại 834 tỷ đồng, tức mỗi tháng trung bình khoảng 60 tỷ đồng.
Theo quan điểm của ông Kỳ, EVN đang cố tình chậm trễ để ép PV Power hoàn thành chuyển đổi với dự án Cà Mau để tham gia thị trường điện.
Hiện hai bên vẫn đang đàm phán. Tuy nhiên còn gặp nhiều khúc mắc, bao gồm vấn đề chuyển đổi tỷ giá giữa USD sang VNĐ, tỷ lệ huy động, số giờ hoạt động tối đa trong một năm của nhà máy, chi phí vận hành và bảo dưỡng (O&M) sẽ khác so với ban đầu,..
Hiện tại, hai bên đã đi đến thống nhất với tỷ lệ huy động là 85%, tỷ giá 1 USD là 22.950 đồng. Và thời gian hoạt động tối đa trong một năm là 6.000 giờ.
Cổ đông: Kế hoạch 2021 có đang thận trọng khi tình hình năm 2021 lượng mưa sẽ nhiều hơn, hỗ trợ cho hoạt động thủy điện
Ông Hồ Công Kỳ trả lời, kế hoạch năm 2021 thận trọng do cả dự án Cà Mau 1 và 2 cũng như Vũng Áng,... đều phải thực hiện đại tu, dừng máy hơn 45 ngày. Điều này sẽ hạn chế sản lượng điện của PV Power. Hơn nữa, các yếu tố vĩ mô khác như xu thế giá dầu biến động quanh mức 65 - 70 USD/thùng sẽ tác động đến giá đầu vào tăng.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo vẫn khẳng định sẽ nổ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021 và duy trì mức chia cổ tức 2% tiền mặt cho năm nay.