|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ Ngân hàng SCB: Cổ đông 'đòi' cổ tức, ông Đinh Văn Thành tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới

10:15 | 18/04/2017
Chia sẻ
Sáng 18/4, đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng và bầu ra Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 – 2020.

14h: HĐQT mới nghiêm túc thực hiện kiến nghị cảnh báo giám sát

Đại diện NHNN, ông Nguyễn Văn Dũng – Cục trưởng Cục II cho biết, đối với cơ quan quản lý Nhà nước, HĐQT và ban điều hành SCB phải rà soát lại và làm hết sức mình để xử lý những tồn tại về nợ xấu, quá trình lãi dự thu…

Nhân sự nhiệm kỳ mới của SCB được kế thừa từ nhiệm kỳ cũ nên hiểu rõ những tồn tại của giai đoạn hợp nhất (2011 - 2012), do đó biết được cách làm đối với những tồn tại cũ. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo niềm tin cho cổ đông vào HĐQT nhiệm kỳ mới, ông Dũng đánh giá.

Mặt khác, HĐQT mới được tăng cường thêm 2 người và BKS tăng 1 người thì cần phải đảm bảo về chất lượng hoạt động, ông Dũng nhấn mạnh. Ngoài điều hành hoạt động chung trong năm 2017 thì ban điều hành cần nghiêm túc thực hiện các kiến nghị cảnh báo của cơ quan quản lý Nhà nước qua quá trình giám sát hoạt động.

13h30: Đại hội thông qua các tờ trình

HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2020 gồm:

  1. Ông Đinh Văn Thành - Chủ tịch HĐQT
  2. Ông Henry Sun Ka Ziang - Phó Chủ tịch HĐQT
  3. Ông Võ Tấn Hoàng Văn
  4. Ông Tạ Chiêu Trung
  5. Bà Nguyễn Thị Phương Loan
  6. Ông Chiêm Minh Dũng (thành viên mới)
  7. Ông Nguyễn Tiến Thành (thành viên mới độc lập)

BKS gồm:

  1. Bà Võ Thị Mười
  2. Bà Phạm Thu Phong
  3. Ông Vũ Mạnh Tường
  4. Ông Trần Chấn Nam
live dhdcd ngan hang scb co dong doi co tuc ong dinh van tha nh tie p tu c la m chu ti ch hdqt nhie m ky mo i
HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017 - 2022 của SCB.

10h50: Đại hội thảo luận

Đến khi nào SCB mới hết giai đoạn tái cơ cấu? Tiêu chí nào thì thể hiện Ngân hàng sẽ “thoát” ra tái cơ cấu?

Phương án tái cơ cấu SCB 2015 – 2019 đã được NHNN phê duyệt. Do đó đến 2019, SCB sẽ kết thúc đề án tái cơ cấu giai đoạn 2.

Ngay từ khi SCB cổ phần hóa, cổ đông đã sở hữu cổ phần Ngân hàng. Đến nay sau 12 năm, cổ đông không nhận được cổ tức, quyền lợi gì. Cổ đông thông cảm việc nhân viên ngân hàng được chăm lo nhưng tại sao cổ đông, người chủ ngân hàng lại không nhận được lợi ích.

Về vốn điều lệ theo quy định Nhà nước phải bảo tồn, nhưng theo cổ đông hiểu thì điều này nhằm bảo vệ khách hàng gửi tiền, còn cổ đông có được bảo vệ hay không, ai bảo vệ cho cổ đông trường hợp ngân hàng thua lỗ.

SCB nói kinh doanh có hiệu quả nhưng cổ đông không nhận cổ tức, nhưng trong quá trình hoạt động của Ngân hàng rủi ro xảy ra thì cổ đông lại mất hết vốn đầu tư, cổ đông cảm thấy lo lắng, mong HĐQT có sự chia sẻ lợi ích cho cổ đông.

Nếu Nhà nước cho phép SCB chia cổ tức thì ngân hàng không có lý do gì để giữ lại lợi nhuận.

Về quỹ bổ sung vốn điều lệ cũng được xem tương đương như vốn điều lệ. Do đó hiện nay nguồn quỹ này chính xác là 650 tỷ đồng là tiền của cổ đông. Nhưng quy định Nhà nước chưa cho phép chia khoản này cho cổ đông.

Năm 2016 SCB có khoản trích bổ sung vốn điều lệ 2 lần?

Quỹ bổ sung vốn điều lệ tăng do lợi nhuận tăng trong năm nên trích lập thêm.Hiện quỹ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của SCB khoảng hơn 500 tỷ đồng là thuộc về cổ đông, tuy nhiên khoản này SCB không được chia. Do quy định của Nhà nước yêu cầu để lại lợi nhuận cho tổ chức tín dụng.

Gần 10 năm qua SCB chưa chia cổ tức. Khoản lợi ích cổ đông không kiểm soát là 178 tỷ đồng vào cuối năm, chênh lệch thấp hơn 33 tỷ đồng so với đầu năm?

Đây là vấn đề mang tính kỹ thuật. Số cổ đông thiểu số năm nay giảm so với năm trước do SCB mua thêm cổ phần từ cổ đông khác để nâng sở hữu bảo hiểm Bảo Long lên. Năm 2016 doanh thu đạt 800 tỷ, kế hoạch 2017 là 1.000 tỷ đồng. khoản đầu tư này tạo hiệu ứng bán chéo khá tốt trên thị trường.

Người đi gửi tiền mỗi năm còn có lãi, trong khi cổ tức SCB nhiều năm không có, giá cổ phiếu SCB lại quá thấp. Cổ đông cảm thấy HĐQT không quan tâm đến giá cổ phiếu. Trong khi quỹ khen thưởng, phúc lợi hai năm qua trích rất cao, gấp 5 lần quỹ dự trữ.

Về quỹ khen thưởng phúc lợi, đại diện SCB cho biết đây là quỹ dành cho nhân viên Ngân hàng vào các dịp lễ như 2/9, 30/4 trong năm. Quỹ này không phân biệt cấp bậc nhân viên mà được phân bổ đồng đều.

Thuế thu nhập doanh nghiệp 2015 và 2016 của SCB theo cổ đông tính toán lên đến 40% thay vì 20% như nhà nước quy định?

Điều này hoàn toàn do cơ quan thuế quyết định. Quyết toán thuế nhiều năm sẽ phát sinh nhiều chi phí không được khấu trừ, đặc biệt là những khoản phát sinh từ năm 2011 được hạch toán vào năm 2016.

9h45:

Thành viên HĐQT Tạ Chiếu Trung cho biết, việc chia cổ tức hàng năm của SCB sẽ do Ngân hàng Nhà nước quyết định.

9h30: Đã khắc phục được 77% kiến nghị thanh tra

Ông Võ Tấn Hoàng Văn – Tổng Giám đốc SCB cho hay, đến nay Ngân hàng đã phục hồi được 77% so với những kiến nghị của đoàn thanh tra đưa ra hồi tháng 8/2015. Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, SCB nhận được rất nhiều hỗ trợ của NHNN.

Theo tài liệu đại hội, năm qua SCB đã tất toán toàn bộ dư nợ vay tái cấp vốn do NHNN hỗ trợ SCB vào giai đoạn khó khăn về thanh khoản sau khi hợp nhất. Hiện số dư vay NHNN của SCB là 5.633 tỷ đồng.

Cuối năm 2011, do mất khả năng thanh toán tạm thời 3 nhà băng gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) đã được hợp nhất thành SCB hiện nay.

Giai đoạn sau tái cơ cấu đầu tiên từ 2012 - 2014, giai đoạn 2 từ 2015 - 2019 với đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt. Tính từ 2012 đến 2016, SCB tập trung xử lý, thu hồi nợ và kiểm soát chất lượng dịch vụ.

9h15: Đại hội bắt đầu:

live dhdcd ngan hang scb co dong doi co tuc ong dinh van tha nh tie p tu c la m chu ti ch hdqt nhie m ky mo i
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của SCB ngày 18/4/2017.

Theo kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015 - 2019 được NHNN phê duyệt thì năm 2016, SCB phải đạt mức vốn là 16.000 tỷ đồng và đạt 18.000 tỷ đồng trong năm 2019. Kế hoạch nâng vốn này đã được ĐHCĐ thông qua nhưng SCB đang bổ sung các thủ tục theo yêu cầu và NHNN phê duyệt. Do vậy, trong năm nay, SCB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 1.705 tỷ đồng, lên 16.000 tỷ đồng.

Mục tiêu thu hồi 1.500 nợ quá hạn, nợ bán cho VAMC

Dựa trên vốn điều lệ mới, các chỉ tiêu kinh doanh của Ngân hàng hầu hết tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng cho vay ở mức 14%, tổng tài sản tăng 18%. Lợi nhuận trước thuế tăng 26%, đạt 171 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SCB dự kiến giữ mức tỷ lệ nợ xấu năm 2017 dưới 3% và đặt mục tiêu thu hồi 1.500 tỷ đồng nợ quá hạn, nợ xấu đã bán cho VAMC.

live dhdcd ngan hang scb co dong doi co tuc ong dinh van tha nh tie p tu c la m chu ti ch hdqt nhie m ky mo i
Kế hoạch kinh doanh 2017 của SCB

Liên quan đến Ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới, Ngân hàng sẽ bầu Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2022. Hiện HĐQT của SCB có 5 Thành viên gồm ông Đinh Văn Thành, ông Henry Sun Ka Ziang, ông Võ Tấn Hoàng Văn, ông Tạ Chiêu Trung và bà Nguyễn Thị Phương Loan.

live dhdcd ngan hang scb co dong doi co tuc ong dinh van tha nh tie p tu c la m chu ti ch hdqt nhie m ky mo i
Nguồn: SCB.

Không chia cổ tức 2016

Tính đến cuối năm 2016, số nợ xấu SCB đã bán cho VAMC lên đến 14.553 tỷ đồng. Giai đoạn 2012 - 2016, SCB đã phải trích lập dự phòng 3.369 tỷ đồng cho trái phiếu VAMC. Nhờ đó mà tỷ lệ nợ xấu giai đoạn 2012 - 2016 giảm từ 7,25% xuống còn 0,68%.

Tính đến hết năm 2016, tổng tài sản của SCB đạt 361.682 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2015. Dư nợ cho vay chiếm 222.183 tỷ đồng, tăng gần 52.000 tỷ đồng so với năm trước. Tổng huy động khách hàng của SCB năm 2016 đạt mức 295.152 tỷ đồng tăng 15% so với năm 2015.

Kết quả lợi nhuận sau thuế đạt gần 79 tỷ đồng, trong đó ngân hàng mẹ đạt khoảng 67 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản SCB đạt 2,4 tỷ đồng. Toàn bộ lợi nhuận trong năm sau khi trích lập các quỹ sẽ được bổ sung tăng vốn tự có nhằm nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng.

Tiến Vũ

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.