ĐHĐCĐ Nam Việt: Quyết tâm quay lại thị trường mỹ, lãi sau thuế kế hoạch 700 tỉ đồng
Xuất khẩu sang Mỹ của Nam Việt phải đi từ từ, không giống như Vĩnh Hoàn
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của CTCP Nam Việt (Navico - mã: ANV), ông Doãn Chí Thiện, Thành viên HĐQT cho biết năm 2019 cá tra vẫn có đà phát triển tốt, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ lớn, sản phẩm đa dạng, thị trường gần.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Nam Việt chiều 17/5 (ảnh: MA).
Trên thực tế, trong khi suốt 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ từ 1,5 đến 1,8 tỉ USD. Sự tăng trưởng vượt bậc đối với cá tra có được là nhờ sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố.
Đầu tiên là nền tảng từ năm 2017 đã có những kết quả tốt, cá tra ở mức giá cao. Một phần quan trọng là các doanh nghiệp cá tra đã ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuỗi từ con giống đến chế biến, tiêu thụ đã giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn cung để đưa ra thị trường.
Ngoài ra, năm 2018, nhu cầu từ các thị trường đều tăng. Đáng chú ý là Mỹ là thị trường tăng trưởng cao nhất với tốc độ 54,5%, chiếm 24,2% thị phần, trở lại là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam.
Ông Thiện cho rằng, năm 2019 cá tra vẫn có đà phát triển tốt, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ lớn, sản phẩm đa dạng, thị trường gần. Theo đó, Nam Việt đặt mục tiêu tổng doanh thu là 6.000 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế kế hoạch 700 tỉ đồng và cổ tức dự kiến 20% bằng tiền mặt.
Giá cá tra cuối năm 2018 vẫn duy trì ở mức cao khiến người nuôi trồng được lợi lớn, nguyên nhân là nguồn cung cá nguyên liệu giống hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, do tình hình thời tiết ảnh hưởng đến việc ương giống.
Đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra vẫn duy trì nhịp độ tốt, dự báo giá cá sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và sẽ có những tác động nhất định đến nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu; sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường thủy sản thế giới cả về giá, chất lượng.
Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Nam Việt cho biết: "Sáng nay tôi có làm việc với khách hàng Mỹ, tháng 6 thì làm việc với luật sư Mỹ. Việc xuất khẩu qua thị trường Mỹ không quá khó nhưng khó nhất là giữ cho bền vững. Đồng thời, Nam Việt sẽ quyết tâm quay lại thị trường Mỹ bằng mọi giá".
Theo ông Tới, xuất khẩu Mỹ phải đi từ từ không giống như Biển Đông, Vĩnh Hoàn đã có sẵn hệ thống rồi, Nam Việt gần như bắt đầu từ số 0. Mục tiêu vào Mỹ của Nam Việt để được hưởng thuế suất bằng 0, bây giờ cần thời gian để thực hiện.
Các phụ phẩm như Collagen, Surimi của Nam Việt cũng đã có đầu ra nhưng phải tính đầu vào. Hiện Collagen đang kết hợp với công ty nổi tiếng thế giới để làm, khác so với cách làm của Vĩnh Hoàn.
Nam Việt không gặp rủi ro tại thị trường Trung Quốc?
Về thị trường Trung Quốc, đặc biệt là việc hợp tác với Alibaba, Chủ tịch Doãn Tới cho biết muốn quảng cáo Alibaba không khó nhưng cái gì đã quảng cáo thì phải có hàng để bán.
Alibaba rất mạnh, nhưng hàng đông lạnh khác hàng điện tử, nếu hàng đông lạnh thì không thể phân phối xa xôi khắp Đông Nam Á, châu Âu… mà chỉ tập trung ở Bắc Kinh, Thượng Hải… Và khi phân phối qua Alibaba thì Nam Việt bắt buột phải có kho lạnh bảo quản.
Ông Tới cho biết, Alibaba đã từng chào mời nhưng Nam Việt chưa đồng ý, vì muốn làm phải có hàng, phải hoàn tất xong dự án Bình Phú mới tính được.
"Bởi nếu đồng ý, thì với một đất nước lớn nhu cầu lớn như Trung Quốc thì khi cần có hàng để đáp ứng không? Hàng đông lạnh muốn bảo quản phải dưới 20 độ, bây giờ làm thì làm thế nào? Chúng tôi sẽ làm nhưng làm một cách bày bản. Hiện mục tiêu là phải rải khắp thị trường Trung Quốc để khi lên Alibaba có thể đáp ứng được nhu cầu lớn", ông Tới nói.
Cũng theo ông Tới, xuất khẩu qua thị trường Mỹ mới rủi ro nhưng Trung Quốc thì không. Hiện nay tại thị trường Trung Quốc, Nam Việt mới sản xuất thêm bao bì sản phẩm bởi đây đang là thị trường chủ lực.
Liên quan đến cơ cấu cổ đông cô đặc, ông Tới cho biết khi gia đình nắm nhiều thì không còn là công ty đại chúng. Và như Minh Phú, đã bán bớt cổ phần cho bên ngoài đơn cử có cổ đông Mitsui mới đây, thì Nam Việt cũng sẽ giảm bớt tỷ lệ sở hữu gia đình xuống.
Ngoài ra tại đại hội lần nay, cổ đông đã bầu bổ sung ba thành viên HĐQT là bà Nguyễn Thị Minh Ý, bà Doãn Hải Phượng và ông Nguyễn Thanh Ngọc.
Cổ đông cũng cũng xem xét thông qua đơn từ nhiệm thành viên Ban Kiểm Soát của ông Nguyễn Trọng Hữu và bà Lê Thị Tuyết Mai và bầu bổ sung bà Nguyễn Kim Ngọc và ông Đoàn Hữu Đức.