|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ MWG: 3-4 năm nữa MWG sẽ trở thành tập đoàn 10 tỉ USD

13:46 | 06/06/2020
Chia sẻ
Theo quan điểm của ban lãnh đạo MWG, đã bước vào ngành bán lẻ thực phẩm thì con số 10 tỉ USD không là gì cả.
ĐHĐCĐ MWG: 'Cố gắng nỗ lực giảm thiểu khó khăn chứ không nói nỗ lực lội ngược dòng' - Ảnh 1.

Chiều ngày 6/6, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2020. (Ảnh: Nguyên Ngọc)

"Không ngộ nhận TGDĐ, ĐMX sẽ tiếp tục tăng trưởng"

Mở đầu đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài chia sẻ: "Bắt đầu có sự sụt giảm sức mua của nền kinh tế từ ba hiệu ứng: Xuất khẩu, giảm công ăn việc và giảm thu nhập. Đó là lí do vì sao thời gian qua các bạn có thể ăn sầu riêng với giá 40.000-50.000 đồng/kg.

Trong bối cảnh tổng cầu giảm, nếu doanh nghiệp nào bảo vệ được 80% lợi nhuận là học sinh giỏi, 90% là học sinh xuất sắc, còn bảo vệ được 100% là thần thánh chứ không phải người nữa.

Đối với MWG, chuỗi bán lẻ TGDĐ và ĐMX chắc chắn giảm, chúng ta không có tạo ra ngộ nhận là các ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng. Còn bán lẻ thực phẩm chưa bị ảnh hưởng ngay nhưng vài năm nữa sẽ có.

Nếu không làm gì cả, để bèo trôi theo dòng nước thì doanh nghiệp sẽ bị xoáy vào dòng nước này. 

MWG sẽ cố gắng nỗ lực giảm thiểu khó khăn chứ không nói nỗ lực lội ngược dòng. Đó là lí do vì sau năm nay kế hoạch kinh doanh không máu lửa như trước mà một số bạn cho là bảo thủ".

ĐHĐCĐ MWG: Kế hoạch 2020 thách thức, lợi nhuận mục tiêu 3.450 tỉ đồng - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài phát biểu mở đầu đại hội. (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Kế hoạch 2020 đầy thách thức

Năm 2020 được dự báo nhiều khó khăn, đặc biệt dịch COVID-19 diễn ra trong thời gian qua đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. 

Hầu hết các ngành nghề kinh doanh đều chịu ảnh hưởng tiêu cực do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sự sụt giảm trong tổng cầu tiêu thụ và  hoạt động kinh doanh bị gián đoạn do các biện pháp quyết liệt của Chính Phủ để kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Mặc dù nằm trong nhóm các ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch bệnh, MWG vẫn đặt mục tiêu phấn đấu cho năm 2020 tiếp tục tăng trưởng doanh thu nhờ sự chuyển đổi các cửa hàng TGDĐ sang ĐMX và sự mở rộng mạnh mẽ của chuỗi BHX.

Theo kế hoạch được thông qua, MWG kì vọng doanh thu thuần năm nay đạt 110.000 tỉ đồng, tăng 8% so với kết quả đạt được trong năm 2019. Lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 10% về 3.450 tỉ đồng.

ĐHĐCĐ MWG: Kế hoạch 2020 thách thức, lợi nhuận mục tiêu 3.450 tỉ đồng - Ảnh 1.

Kế hoạch kinh doanh 2020 đã được điều chỉnh. (Nguồn: MWG)

Kế hoạch này được công ty đặt ra dựa trên bối cảnh đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã được Chính Phủ kiểm soát tốt từ cuối tháng 4 và giả định không có làn sóng quay lại của dịch bệnh trong những tháng tiếp theo, dẫn đến việc gián đoạn hoạt động kinh doanh.

Lãnh đạo MWG cho biết, kế hoạch này là thách thức, đòi hỏi nỗ lực chiến đấu rất lớn từ toàn thể đội ngũ nhân viên của công ty. Bởi lẽ, đợt bùng phát dịch bệnh rơi đúng vào giai đoạn cao điểm của hoạt động bán lẻ với hai chuỗi TGDĐ và ĐMX.

Trong khi đó, hai chuỗi này không còn nhiều cơ hội cải thiện doanh thu trong nửa cuối năm do các sự kiện thể thao quan trọng đã phải dời sang năm 2021. 

Còn hoạt động bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu, trụ cột tăng trưởng bền vững của MWG trong tương lai vẫn đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng và chưa mang lại lợi nhuận. 

Trong 4 tháng đầu năm 2020, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 37.187 tỉ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.341 tỉ đồng, giảm 6% so với cùng kì năm 2019. Bước sang tháng 4, hoạt động kinh doanh của công ty chính thức chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.

Bình quân mở mới hai cửa hàng mỗi ngày trong năm 2019

Theo báo cáo của HĐQT, năm 2019 MWG đạt 102.174 tỉ đồng doanh thu thuần và 3.836 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST), tương ứng thực hiện được 94% kế hoạch doanh thu và vượt 7% kế hoạch LNST cả năm.

Biên lợi nhuận gộp trong năm đạt trên 19%, mức cao nhất từ trước tới nay. Biên lợi nhuận gộp của hầu hết các ngành hàng được cải thiện từ quí III/2019 nhờ MWG chủ động mở rộng danh mục hàng hóa, đẩy mạnh bán sản phẩm đa dạng thương hiệu, mẫu mã và phân khúc giá để khách hàng dễ lựa chọn.

ĐHĐCĐ MWG: Kế hoạch 2020 thách thức, lợi nhuận mục tiêu 3.450 tỉ đồng - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh 2019 (Nguồn: MWG)

Trong năm qua, MWG mở mới hai cửa hàng mỗi ngày, đưa tổng qui mô lên 3.058 cửa hàng. Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh (ĐMX) và Bách Hóa Xanh (BHX) cùng vượt mốc 1.000 cửa hàng tính tháng 12/2019.

Cụ thể, chuỗi ĐMX có 1.018 cửa hàng, thêm 268 cửa hàng mới (bao gồm cả mở mới và chuyển đổi từ cửa hàng Thế giới di động (TGDĐ)). Còn chuỗi BHX thêm 603 điểm bán, nâng tổng số cửa hàng lên 1.008.

Ngoài ra, MWG còn có 1.013 cửa hàng bán lẻ điện thoại, bao gồm 996 cửa hàng TGDĐ và 17 cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ (ĐTSR). Chuỗi Bigphone có 19 siêu thị tại Campuchia.

Chuỗi cửa hàng ĐTSR được triển khai thử nghiệm từ tháng 8/2019, mỗi cửa hàng có diện tích từ 15-20 m2 và giá bán lẻ cho phân khúc từ 8 triệu trở xuống.

Đồng thời, công ty a mắt cửa hàng điện máy Bigphone+ đầu tiên tại Campuchia sau ba năm đưa thương hiệu bán lẻ điện thoại Bigphone thử nghiệm ngoài thị trường Việt Nam.

Phần thảo luận:

ĐHĐCĐ MWG: 'Cố gắng nỗ lực giảm thiểu khó khăn chứ không nói nỗ lực lội ngược dòng' - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Đức Tài và ông Đoàn Văn Hiểu Em trả lời trong phiên thảo luận. (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Giả sử có bên nào muốn MWG với 10 tỉ USD, công ty có bán không?

Ông Nguyễn Đức Tài: Không. Công ty này không phải xây để bán.

Kết quả kinh doanh tháng 5/2020 cũng như lũy kế 5 tháng?

Ông Nguyễn Đức Tài: Chi phí chưa tổng kết đủ nên chưa có con số lợi nhuận. Còn doanh thu tháng 5 không tệ. Từ tháng 6 trở đi doanh thu sẽ giảm bởi sức cầu giảm, chúng ta không phải thần thánh. Tuy nhiên, công ty có cách khác để kéo lãi gộp lên.

Các tháng còn lại có khả năng hoàn thành kế hoạch chuyển đổi cửa hàng TGDĐ sang ĐMX không?

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Như mọi năm, từ tháng 11, 12/2019 thì đã có kế hoạch cho năm 2020 nhưng chúng tôi không ngờ được dịch bệnh này. 

Trong 4 tháng dịch hầu như chúng tôi không triển khai gì cả. Đến đầu tháng 5 vừa rồi TGDĐ mở cửa trở lại, hoàn tất mục tiêu mở 500 cửa hàng bán đồng hồ và dự kiến cuối tháng 7 hoàn tất việc trưng bày tại các shop.

Các đội mặt bằng bây giờ đang xúc tiến, chắc chắn đến cuối năm mục tiêu này hoàn thành thôi.

Mặt khác, từ năm ngoái, MWG có kế hoạch để nhân viên của công ty làm luôn công việc của các nhân viên công ty tài chính trước đây và năm nay chính thức thực hiện.

Việc này giúp khách hàng có nhu cầu mua trả góp được hỗ trợ tốt hơn. Vừa rồi có hơn 10.000 nhân viên tài chính rút ra và MWG phải đảm nhận.

Đứt gãy chuỗi cung ứng vừa qua có ảnh hưởng đến nguồn cung của MWG không?

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Thời điểm dịch bệnh chúng tôi cũng lo lắng ghê lắm, ngoài sản phẩm chính hãng thì MWG cũng nhập hàng từ Trung Quốc rất nhiều. 

Tuy nhiên, MWG đã lên kế hoạch nhập hàng trước dịch 3-6 tháng nên tới thời điểm bây giờ nguồn hàng đảm bảo trên 90%, còn những đơn hàng sau này đảm bảo 100%.

Ông Nguyễn Đức Tài: Cái này là may mắn nha. Nếu dịch ở Trung Quốc không kiểm soát được thì MWG bị đứt hàng. Trong thời gian dịch, quá trình đổi hàng cũng chậm, tốc độ thực hiện dự án cũng chậm lại. Cơ hội bị trì hoãn chứ không phải doanh thu bị cắt tức thì.

Khi nào BHX có lãi thật sự?

Ông Trần Kinh Doanh: Tháng 3 vừa rồi lợi nhuận của BHX đột biến, BHX có lời thật sự, lên đến khoảng 1.900 tỉ đồng nhưng chúng tôi không bố. Các tháng sau biên lãi gộp khoảng 24-25%. Số tiền có được vừa đủ trang trải cho shop và trung tâm phân phối. Còn muốn có lời phải gia tăng doanh thu và lãi gộp xíu nữa.

ĐHĐCĐ MWG: 'Cố gắng nỗ lực giảm thiểu khó khăn chứ không nói nỗ lực lội ngược dòng' - Ảnh 7.

Tình hình kinh doanh BHX hai năm vừa qua. (Nguồn: MWG)

Kế hoạch mở chuỗi Bigphone+ ở Campuchia?

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Tháng 12/2019, công ty mở shop đầu tiên và dịch xảy ra luôn. Tuy nhiên, do có chuẩn bị trước nên trong thời gian dịch công ty mở thêm được ba shop.

Vừa rồi Ban Giám đốc giao cho chúng tôi làm gì làm năm nay phải giải phóng toàn Campuchia, tiến đến 50 shop. Nếu làm được việc này thì Bigphone+ sẽ trở thành nhà bán lẻ lớn nhất ở Campuchia vì hiện giờ nhà bán lẻ lớn nhất bên đó cũng chỉ hơn 10 shop. 

Tình hình kinh doanh điện máy, điện thoại?

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Hiện nay, điện thoại hiếm 50% thị phần và điện máy chiếm 38%. Trong tương lai còn rất nhiều cơ hội phát triển ĐMX, bán nhiều sản phẩm hơn và doanh thu lớn hơn.

Ngay khi vừa hết dịch, nhiều đơn vị loay hoay không biết làm gì thì ĐMX đã chuẩn bị trước. Tuần cuối của tháng 4 lợi nhuận cực lớn. Tháng 5 là đại thắng của ĐMX trong mùa nóng vừa rồi.

ĐMX không tự tin đóng shop lớn nhưng tự tin với những shop nhỏ, đi sâu để lấy thị phần còn lại, có thể lên 60%, hoàn toàn có thể làm được.

Kế hoạch của MWG trong 5 năm tới?

Ông Nguyễn Đức Tài: Chúng tôi đặt kế hoạch từng năm chứ không đặt kế hoạch nhiều năm. Việc này còn phụ thuộc vào BHX trong tương lai. Nhưng khoảng 3-4 năm nữa MWG sẽ trở thành tập đoàn 10 tỉ USD

Ông Trần Kinh Doanh: Thực ra bước vào ngành bán lẻ thực phẩm thì còn số 10 tỉ USD không là gì cả. Thật sự cách đây vài ba năm, mình "ngáo đá" nghĩ bán mắm muối tương cà không khó nhiều nhưng thực sự bước vào thì khó thật.

Giải quyết được cái khó này sẽ xuất hiện cái khó khác nên có thể mình chậm hơn một chút để hoàn thành mục tiêu. Yên tâm 10 tỉ USD chắc chắn đạt được.

Nguyên Ngọc

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.