|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ bất thường PNC: Không lối thoát?

19:53 | 05/05/2017
Chia sẻ
Sau 3 năm chật vật với nhiều Đại hội bất thành thì sáng ngày 05/05/2017, ĐHĐCĐ bất thường năm 2017 lần 3 của CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) cũng đã được diễn ra với 45 cổ đông tham dự đại diện cho 93,8% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Dù không còn cảnh bất thành, nhưng các vấn đề chính của Đại hội vẫn chưa ngã ngũ vì cổ đông lớn kiên quyết không thông qua.
dhdcd bat thuong pnc khong loi thoat

Cổ đông tranh cãi quyết liệt trong ĐHĐCĐ bất thường năm 2017 lần 3 sáng ngày 05/05/2017

Khẩu chiến trước khai mạc

Trước khi Đại hội bắt đầu, bà Phan Thị Lệ - Chủ tịch HĐQT cho biết đã nhận được đơn kiến nghị lần 4 của hai cổ đông lớn là CTCP Phát triển Kinh doanh Trường Phát (nắm 24,3% vốn) và CTCP Phát triển Kinh doanh Thành Vinh (22,78% vốn) về vấn đề thủ tục tổ chức Đại hội và bổ sung báo cáo.

Trong đó, trả lời cho nội dung về báo cáo của HĐQT và việc không trình kế hoạch chia cổ tức, bà Lệ chia sẻ trong vòng 3 năm trở lại đây, hầu hết những báo cáo của HĐQT không lần nào được Đại hội thông qua nên HĐQT chưa ra một Nghị quyết nào về báo cáo HĐQT. Đồng thời, những năm gần đây kết quả kinh doanh chưa có hiệu quả nên không trình kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông.

Ngay sau đó dù chưa vào nội dung chính của Đại hội, nhưng khẩu chiến đã diễn ra giữa đại diện Trường Phát và những cổ đông nhỏ khác.

Cổ đông đại diện bên Trường Phát đã đưa ra một loạt những ý kiến xoay quanh Đại hội như sau (1) đề nghị tạm ngừng buổi ĐHĐCĐ bất thường năm 2017 lần 3 này để chờ kết quả xét xử của Tòa án về việc hủy bỏ Nghị quyết số 01 (15/02/2017) của ĐHĐCĐ thường niên 2017 (lần 2) tổ chức hồi tháng 2/2017; (2) Nhóm cổ đông đã từng đề cử thành viên HĐQT trước đó trong lần ĐHĐCĐ bất thường này không được thực hiện đề cử thành viên HĐQT nữa; (3) nếu không có báo cáo HĐQT thì các BCTC khác đều không được thông qua.

Nhiều cổ đông nhỏ lẻ khác đã đưa ra ý kiến phản bác lại những nội dung trên và yêu cầu buổi họp nên tiếp tục diễn ra vì hoạt động công ty cần đảm bảo tính liên tục mà thời gian xem xét của Tòa án là không thể xác định. Theo đó, Đại hội tiếp tục được diễn ra theo kế hoạch ban đầu với kết quả nhóm cổ đông nhỏ lẻ vẫn được phép đề cử thành viên HĐQT.

Vẫn tiếp tục không thông qua hàng loạt tờ trình

Theo tờ trình, năm 2017, PNC đưa ra kế hoạch doanh thu đạt 600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 10 tỷ đồng, gấp 2,8 lần kết quả thực hiện năm 2016.

Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Hoạt, con số kế hoạch này là một thách thức lớn, nhận thức được hoạt động của hệ thống nhà sách là nguồn thu chính của Công ty (trên 90% doanh thu) nên trong năm 2017, PNC sẽ đẩy mạnh mở cửa thêm 5-10 nhà sách và gần hơn là tháng 6/2017 này sẽ triển khai dự án Thành phố sách Phương Nam ở tỉnh Bình Dương để phát triển văn hóa đọc.

Về báo cáo tài chính năm 2016 đã kiểm toán, doanh thu tăng 26% so với năm 2015, đạt gần 543 tỷ đồng, lãi ròng ghi nhận được hơn 1,9 tỷ đồng, gấp 13 lần so với với con số 142 triệu đồng của năm trước. Tuy nhiên dù kết quả có tăng trưởng, ông Hoạt vẫn khẩn thiết yêu cầu các cổ đông cần có trách nhiệm xem xét thông qua, nhất là báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Bà Phan Thị Lệ nói thêm, một phần nguyên nhân cổ phiếu PNC bị đưa vào diện bị kiểm soát là do không công bố thông tin báo cáo kết quả kinh doanh kiểm toán, mà nguyên căn của việc này là do cổ đông lớn không thông qua các tờ trình tại những Đại hội lần trước.

Việc bỏ phiếu được tiến hành scan từng tờ phiếu biểu quyết và hầu hết các báo cáo như báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2016 và mục tiêu năm 2017, báo cáo tài chính năm 2016, báo cáo của ban kiểm soát cũng như tờ trình về việc chọn đơn vị kiểm toán, về thù lao HĐQT và BKS đều không được thông qua với tỷ lệ 37,5% tán thành và 62,5% không tán thành.

Với tờ trình về việc chọn đơn vị kiểm toán độc lập năm 2017, một cổ đông cho rằng với ý kiến không tán thành mà trong đó có hai cổ đông lớn thì phải đề cử đơn vị kiểm toán khác. Được biết, đơn vị kiểm toán độc lập đã thực hiện kiểm toán báo cáo của Công ty là do hai cổ đông lớn (Trường Phát và Thành Vinh) trước đó đã đưa ra, nhưng tại ĐHĐCĐ bất thường lần 3 thì hai đơn vị này vẫn phủ quyết tờ trình chọn đơn vị kiểm toán năm 2017.

Riêng việc bầu cử bổ sung thành viên HĐQT, với số lượng ứng cử thành viên chỉ có một người là ông Lê Lam Viên, trong khi số lượng cần thiết là 5 người nên ông Hoạt đã đưa ra đề nghị phương án khác là đề cử ứng cử viên tham gia HĐQT bởi các cổ đông tham gia ĐHĐCĐ bất thường lần 3, thay vì chỉ các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần nắm trên 6 tháng mới được đề cử. Tuy nhiên, khi thực hiện bỏ phiếu biểu quyết cho phương án này thì hai cổ đông lớn và một số cổ đông khác tiếp tục không tán thành với tỷ lệ 62,42%.

Theo đó, chỉ có một ứng cử viên hợp lệ là ông Lê Lam Viên được đề cử bởi nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn cổ phần trước khi Đại hội diễn ra. Sau khi bỏ phiếu biểu quyết, ông Viên đã trúng cử vào thành viên HĐQT.

Ông Hoạt đã chia sẻ sự bức xúc cuối buổi Đại hội, những hành động bất hợp tác của nhóm cổ đông lớn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trong tương lai của PNC rất lớn, vì các dự án mới khả năng sẽ không được triển khai.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phúc Mai