ĐHCĐ Vietnam Airlines: Hậu giải thể SkyViet, VASCO thành công ty bay dịch vụ gom tụ, tăng vốn mua máy bay
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của Vietnam Airlines sáng 20/6/2017 tại Hà Nội. (Ảnh: Bạch Mộc). |
Sáng nay (ngày 20/6), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (Mã: HVN) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2017.
Hậu giải thể SkyViet, phát triển VASCO thành công ty bay dịch vụ gom tụ
Công ty Cổ phần Hàng không SkyViet được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 10/3/2016 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ Hàng không (VASCO).
Ông Phạm Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, phương án thành lập hãng hàng không VASCO là một trong những nội dung được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, và được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận. HĐQT Vietnam Airlines cho biết, VASCO được thành lập với mục tiêu ban đầu là khai thác các tuyến hàng không, các sân bay mà hiện tại cả Vietnam Airlines và Jetstar không thể chạm đến được. Cung cấp dịch vụ bay gom tụ nhằm bổ sung vào hệ thống dịch vụ hoàn chỉnh của Vietnam Airlines.
Tuy nhiên đến ngày 18/4/2016, Vietnam Airlines buộc phải làm thủ tục giải thể SkyViet, hiện nay đang rà soát các thủ tục giải thể SkyViet.
Lý do được giải thể khi đó được đưa ra là thủ tục hành chính phức tạp nên các cổ chủ chốt xin rút. Tuy nhiên bán lãnh đạo Vietnam Airlines cam kết vẫn sẽ phát triển VASCO trở thành công ty bay dịch vụ gom tụ. Nghiên cứu các phương án để VASCO tự lực phát triển.
Niêm yết sau khi tăng vốn thành công
Kế hoạch năm 2017, Vietnam Airlines thực hiện việc bán (phase out) 4 tàu B777, trả các tàu A330 hết hạn thuê; Sale & Lease Back một số tàu bay A350 và B787-9 nhận trong năm 2017 để cải thiện hệ số nợ/vốn chủ sở hữu.
Để thực hiện Dự án mua máy bay B787-9/A350 và bổ sung vốn lưu động, Vietnam Airlines dự kiến phát hành 191,19 triệu cổ phần theo tỷ lệ thực hiện quyền mua 15,5753%. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ phát hành 164,73 triệu cổ phần cho cổ đông Nhà nước; phát hành 16,77 triệu cổ phần cho đối tác ANA Holding và phát hành 9,69 triệu cổ phần cho cổ đông khác. Vốn điều lệ sau phát hành là 14.187 tỷ đồng.
Thời điểm phát hành dự kiến quý IV/2017 hoặc một thời điểm khác theo quyết định của HĐQT được ĐHCĐ ủy quyền. Sau phát hành, Nhà nước nắm 86,16%; ANA Holdings nắm 8,77%; cổ đông khác 5,07%.
Về tính minh bạch của Vietnam Airlines khi giao dịch trên UPCoM, đại diện Vietnam Airlines khẳng định Công ty luôn đảm bảo độ minh bạch cao nhất, thực tế Vietnam Airlines chính thức hội nhập quốc tế và bắt buộc minh bạch từ năm 2011, quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi yêu cầu minh bạch cao hơn rất nhiều so với UPCoM, do đó Vietnam Airlines hoàn toàn đáp ứng đủ.
Công ty cũng tiết lộ thêm về kế hoạch niêm yết sau khi hoàn tất phương án phát hành tăng vốn Vietnam Airlines, dự kiến vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2018.
Ngoài ra, theo lộ trình Vietnam Airlines sẽ thực hiện cơ cấu lại hội đồng quản trị, ban kiểm soát. Định hướng trong tương lai cổ đông Nhà nước tiếp tục thoái vốn trên 50 – 65%, hiện nay Nhà nước sở hữu trên 86% Vietnam Airlines.
Về thị giá cổ phiếu HVN trên thị trường đang thấp hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu hàng không khác như VJT, JPA… Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền cho biết, giá cổ phiếu trên thị trường phụ thuộc nhiều yếu tố.
Thời điểm cổ phần hóa, Vietnam Airlines được định giá theo chuẩn quốc tế ở mức trên 20.000 đồng/cp. Đầu năm 2016, Vietnam Airlines chào sàn ở giá tham chiếu 28.000 đồng/cơ, một tháng trở lại đây, giá cổ phiếu dao động từ 25.000 – 29.000 đồng/cp. Ông Hiền khẳng định giá cổ phiếu Vietnam Airlines đã phản ánh đúng giá trị của công ty, diễn biến rất sát với tình hình hoạt động, các thông số đang biểu hiện tốt.
Vốn hóa của Vietnam Airlines hiện ở mức 1,4 tỷ USD đang phản ánh đúng giá trị của mình, ông Hiền tự tin khẳng định.
Kế hoạch lợi nhuận giảm gần 40%
Năm 2017, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu 87.900 tỷ đồng, tăng 23% so với thực hiện 2016. Trong khi đó lợi nhuận trước thuế 1.640 tỷ đồng, giảm 37%; lợi nhuận sau thuế 1.340 tỷ đồng.
Cũng trong năm nay, tổng kinh phí đầu tư cho các dự án tính toán hơn 2.900 tỷ đồng. Khối lượng hành khách vận chuyển dự kiến tăng trưởng 9%, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tăng gần 10%.
Kế hoạch đầu tư 2017 của Vietnam Airlines dự kiến hơn 4.020 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho máy bay hơn 2.100 tỷ đồng, đầu tư ngoài doanh nghiệp 1.050 tỷ đồng; đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 470 tỷ; 300 tỷ đồng để dự phòng cho các hoạt động đầu tư.
Riêng khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp (tăng 27,5% so với năm 2016), Vietnam Airlines sẽ đầu tư chủ yếu vào doanh nghiệp vận tải hàng không, doanh nghiệp thuộc dây chuyền vận tải hàng không. Tổng mức cổ tức dự kiến được phân chia trong năm 2017 là hơn 860 tỷ đồng.
Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất dự kiến được đưa vào sửa chữa cuối năm 2017, giới hạn khai thác có thể bị giảm chỉ còn khoảng 70% so với hiện tại (HAN từ 35 chuyến/h xuống còn 22 – 24 chuyến/h, SGN từ 40 – 42 chuyến/h xuống còn 28 – 30 chuyến/h). Các hãng dự kiến phải giảm tối thiểu 15% tổng số chuyến nay đi và đến SGN trong giờ bay ngày.
Thị trường hàng không giá rẻ chiếm 60% lượng khách
Sau khi ANA thành cổ đông chiến lược, Vietnam Airlines đã thực hiện kết nối 2 mạng bay của 2 hãng, trong đó có phát triển đường bay Việt Nam – Nhật, các đường bay nối chuyến. Tháng 9 này JPA mở 2 đường bay Hà Nội, Đà Nẵng – Osaka.
Tại đại hội, nhiều ý kiến cổ đông thắc mắc về việc Việt Nam sẽ làm gì trước tình hình cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của các hãng hàng không giá rẻ.
Ông Dương Trí Thành – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết xu hướng hàng không giá rẻ đã và đang hiện hữu, thực tế hàng không giá rẻ đã chính thức xuất hiện năm 2007. JPA đã chuyển về Vietnam Airlines được 5 năm và Vietnam Airlines đang thực hiện chiến lược giảm giá thông qua JPA.
Những năm gần đây ghi nhận hiện tượng phát triển cực nóng của hàng không giá rẻ, tổng thị trường giá rẻ chiếm 60% lượng khách, nhưng đó đều là khách ở phân khúc 2 – 3 sao.
Vietnam Airlines quan tâm đến thị trường giá rẻ quốc tế, trong nội địa Vietnam Airlines định hướng kép phát triển cả 2 thị trường để chiếm ưu thế thị phần. Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết thêm, những bài học rất lớn từ Ấn độ và Mỹ, tất cả "nấm sau mưa" sau đó sẽ tự điều chỉnh qua các hình thức sáp nhập lại sau đó chỉ còn tồn tại một vài hãng hàng không chủ lực.
Ngoài ra Vietnam Airlines đã thực hiện tách trung tâm bông sen vàng hoạt động độc lập, phát triển nhanh liên kết với các hệ thống hàng không trong liên minh, các hãng hàng không khác và các ngân hàng, ông Dương Trí Thành cho biết.
Đường bay đi châu Âu của Vietnam Airlines giá rẻ nhất phải bù lỗ
Phân tích về chi phí, thế mạnh của Vietnam Airlines so với các hãng hàng không nước ngoài là hạ tầng rẻ, lao động rẻ lương thấp, riêng ưu thế về lương Công ty đã có lợi thế chi phí tuyệt đối 3 – 4%, mà trong hàng không 1% chi phí thôi đã đem đến sư khác biệt. Do đó đường bay châu Âu duy trì được đường bay thuận lợi giá rẻ, tuy nhiên hiện nay Vietnam Airlines vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, đang phải bù lỗ đường dài.
Về chiến lược phát triển hệ thống đường bay, Vietnam Airlines đang thực hiện phân loại các tuyến đường bay theo độ dài có dài trung ngắn, quốc tế nội địa, xuyên lục địa, dự kiến trong tương lai phát triển đường bay xuyên Thái Bình Dương sang Mỹ. Các đường bay khu vực châu Á, gồm từ Đông Bắc Á đến Nhật Bản, hàn Quốc và Trung Quốc
Vietnam Airlines coi phát triển thị trường nội địa là quan trọng nhất, là ưu tiên số một. Các đường bay chiến lược là Đông Nam á các nước Đông Dương, Myanmar, phát triển đẩy mạnh tuyến bay Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam.