Đề xuất giảm giá FIT 15-20% đối với dự án điện gió không kịp vận hành thương mại
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam rất lớn, trong đó tổng công suất kỹ thuật của điện gió có thể đạt 377 GW và điện mặt trời khoảng 434 GW.
Tuy nhiên, nhược điểm của nguồn năng lượng này là phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, không ổn định, như điện mặt trời chỉ có thể hoạt động 4-5 giờ/ngày.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam cũng xảy ra nhiều bất cập về tỷ trọng năng lượng tái tạo trong công suất nguồn điện, cơ chế giá mua điện cố định (giá FIT), truyền tải điện,…
Do đó, VAFIE đề xuất Chính phủ một số cơ chế, chính sách nhằm hoàn chỉnh Quy hoạch Điện VIII (dự thảo) để ngành năng lượng tái tạo có thể phát triển nhanh và hiệu quả.
Cụ thể, tính hết ngày 31/10/2021, có 62/146 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng không kịp vận hành thương mại (COD).
Theo ước tính của VAFIE, đại dịch COVID-19 khiến gần 4.000 MW điện gió với tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD lỡ hẹn với giá FIT, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả kinh tế của dự án.
VAFIE kiến nghị Chính phủ gia hạn giá FIT thêm một thời gian tương ứng với thời gian giãn cách xã hội, điều chỉnh giảm giá FIT 15 - 20% so với giá FIT đã ban hành hoặc đưa ra cơ chế giá điện mới sau thời hạn giá FIT.
Đặc biệt, VAFIE kiến nghị Chính phủ cần xây dựng và ban hành cơ chế về giá điện phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế, được ổn định 5 năm, sau đó được điều chỉnh nếu các điều kiện tác động đến giá điện thay đổi.
Bên cạnh đó, giá mua điện cần được quy định dựa trên lợi thế của từng vùng để phân bổ đầu tư hợp lý, không gây quá tải cục bộ.
Việc kéo dài khoảng trống về luật pháp, chính sách từ giá FIT mà đến nay chưa có cơ chế mới về giá điện sẽ tạo ách tắc đối với hoạt động đầu tư phát triển NLTT, gây thiệt hại cho nền kinh tế và ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư.
Ngoài ra, vấn đề tích trữ điện năng, VAFIE đề xuất Chính phủ xây dựng hệ thống tích trữ năng lượng (ESS) và có chính sách ưu đãi cao đối với đầu tư tích trữ năng lượng như trợ giá, ưu đãi giá mua điện đối với dự án điện mặt trời có kèm lưu trữ điện năng.
Về vấn đề truyền tải điện, các nhà đầu tư mong muốn Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sửa Luật Điện lực theo hướng cho phép tư nhân tham gia đầu tư đường dây truyền tải điện. Điều này vừa có thể thu hút có hiệu quả đầu tư của tư nhân vào hệ thống truyển tải điện mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong đó, mối quan hệ giữa nhà đầu tư tư nhân với EVN đối với sử dụng lưới điện, dự án đấu nối của các nhà đầu tư tư nhân khác vào lưới điện do nhà đầu tư tư nhân đang khai thác,… cần được minh bạch để tránh xung đột lợi ích, tác động tiêu cực đến quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện.