|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất chỉ được bán rượu, bia và đồ uống có cồn từ 6h-22h

15:42 | 24/06/2018
Chia sẻ
Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác, chỉ được bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác trong khoảng thời gian từ 6h đến 22h, trừ một số trường hợp.
de xuat chi duoc ban ruou bia va do uong co con tu 6h 22h

Ảnh minh hoạ

Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác do Bộ Y tế soạn thảo đã được gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.

Đáng lưu ý, dự thảo này đề xuất quy định chỉ được bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác trong khoảng thời gian từ 6h-22h giờ, trừ trường hợp bán tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thành nơi chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

Lộ trình thực hiện thời gian bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác theo quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồ uống có cồn khác và điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

Cũng theo Dự thảo Luật, không được bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác tại các địa điểm như cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn khác).

Dự thảo Luật lần này quy định nghiêm cấm quảng cáo dưới mọi hình thức, trên tất cả các phương tiện quảng cáo đối với rượu, bia và đồ uống có cồn khác từ 15 độ trở lên; Nghiêm cấm quảng cáo rượu, bia và đồ uống có cồn khác dưới 15 độ trong các chương trình, kênh truyền hình, phim và ấn phẩm khác cho đối tượng trẻ em; trên các phương tiện giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử...

"Quảng cáo rượu, bia và đồ uống có cồn khác dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22h đến 6h sáng ngày hôm sau. Hạn chế hình ảnh uống rượu, bia và đồ uống có cồn khác trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình" - Dự thảo Luật nêu rõ.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn khác không được tài trợ cho các hoạt động y tế, giáo dục, hoạt động có sự tham gia của người dưới 18 tuổi; tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu còn không được tài trợ cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí.

Dự thảo cũng đề xuất không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ và không được có tên sản phẩm rượu, bia và đồ uống có cồn khác trên vật phẩm tài trợ.

Đáng lưu ý, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, việc cấp mới, cấp lại giấy phép, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay đổi địa điểm kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn khác phải bảo đảm khoảng cách bán kính giữa các địa điểm không nhỏ hơn 200m, trừ các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, du lịch.

Mức tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam "rất cao"

Theo Bộ Y tế, mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm đã tăng từ 3,8 lít (giai đoạn 2003-2005) lên 6,6 lít (giai đoạn 2008-2010) và lên tới 8,3 lít năm 2016 - tức là đã tăng tới 118% và tăng 30 bậc, từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 nước, trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu tăng không đáng kể.

Nếu tính riêng trong số nam giới trên 15 tuổi thì một người nam giới của Việt Nam tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất (năm 2010). Mức tiêu thụ này là rất cao, xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương, xếp thứ 10 Châu Á và thứ 29 thế giới.

Mức độ này sẽ còn gia tăng trong những năm tới nếu không có các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ để điều chỉnh kịp thời.

Xem thêm

H.Vũ