|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Để tận dụng được cơ hội của chiến tranh thương mại

21:08 | 29/11/2018
Chia sẻ
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam, được đánh giá sẽ mang lại không ít cơ hội lẫn thách thức cho cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ. Các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp sản xuất đã cùng bàn về cơ hội cũng như việc tận dụng cơ hội, từ cuộc chiến này tại hội thảo: “Chiến tranh thương mại: Tương lai của doanh nghiệp sản xuất?” do TBKTSG phối hợp Công ty TNHH Bluescope tổ chức ngày 23-11-2018.
de tan dung duoc co hoi cua chien tranh thuong mai Bất đồng Mỹ - Trung căng thẳng, APEC không thể ra được tuyên bố chung
de tan dung duoc co hoi cua chien tranh thuong mai Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai có thể diễn ra năm 2019
de tan dung duoc co hoi cua chien tranh thuong mai
Ngành nhựa được hưởng lợi nhiều từ chiến tranh thương mại. Ảnh: Thanh Tao

Nhận diện đúng tình hình

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định tác động của cuộc chiến thương mại hiện nay với Việt Nam rất lớn bởi Mỹ và Trung Quốc cùng là hai đối tác thương mại lớn của nước ta. Chỉ riêng về vấn đề tỷ giá hối đoái cũng đã phức tạp vì được lợi về xuất khẩu thì sẽ khó về nhập khẩu.

Tất cả những tác động với Việt Nam, theo ông Thiên, đều có hai mặt. Lấy ví dụ, trong ngắn hạn có thể tốt, đầu tư các nước dồn về nhộn nhịp nhưng không có gì là “ngon” bởi có hấp thụ, lựa chọn được dòng đầu tư này hay không lại là chuyện khác. Đó là chưa nói, có nhiều dự án trong dòng đầu tư này là của doanh nghiệp Trung Quốc đi tránh thuế. Liệu chúng ta có thể vượt qua được “cám dỗ” hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc để không rơi vào tình trạng tiếp tay lẩn tránh thuế, có thể thay được Trung Quốc tại thị trường Mỹ hay không? “Tất cả, phụ thuộc vào chính chúng ta”, ông Thiên nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế cao ở Mỹ là cơ hội cho các nước, trong đó có Việt Nam, thế chân Trung Quốc ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Trung Quốc là nước có khả năng “siêu đẳng” về giá, nên vấn đề thuế cao tới 25% biết đâu họ có thể khắc phục được. Suy cho cùng, cơ hội này cũng chỉ có chừng mực. Điều đó được chứng minh trong thực tế khi xuất khẩu của Trung Quốc những tháng qua vào Mỹ vẫn tăng dù hàng hóa đã bị áp thuế.

Còn với cơ hội đón dòng đầu tư như nhiều người nhắc đến, theo bà Trang, khả năng này là có nhưng có ý nghĩa với cải cách kinh tế vĩ mô hơn là với doanh nghiệp. Bởi lẽ, càng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường thì cạnh tranh càng lớn. Đặc biệt, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc không chỉ sang Việt Nam mà còn sang nhiều nước khác. Dữ liệu của JETRO về dòng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào các nước đang cho thấy một thực tế rằng Việt Nam dường như chưa phải là lựa chọn duy nhất. Trong năm 2017 và năm tháng đầu năm 2018, đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Trung Quốc không những không giảm mà còn tăng rất nhiều lần. Tương tự, trong năm tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng của dòng vốn đầu tư Nhật vào Hàn Quốc lên tới 153,7% (của năm 2017 chỉ là 4,5%); vào Thái Lan tới 18,7% (2017 là 2%); Singapore tới 305%. Nhưng với Việt Nam thì tốc độ tăng lại giảm một nửa, lần lượt là 19,7% (trong năm 2017) và 8,2% (năm tháng đầu năm 2018).

Từ góc nhìn của người trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông, cho biết trong thời gian qua, công ty ông đã tiếp nhiều công ty Mỹ, châu Âu chuyên cung cấp hàng hóa cho các nhà bán lẻ lớn như Walmart, IKEA... Những công ty này lâu nay đặt gia công ở Trung Quốc, giờ họ dịch chuyển sang Việt Nam để tránh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Ngoài ra, ngành nhựa cũng đang hưởng lợi trước mắt là giá nguyên liệu đầu vào giảm 20%, vì cả lý do chiến tranh thương mại (nguồn cung gia tăng) lẫn giá dầu giảm.

Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn lại cũng không ít. Ngành nhựa lâu nay vốn xuất siêu vào Mỹ, dù không lớn nhưng đang đứng trước nguy cơ bị trừng phạt thuế, áp thuế, thậm chí không thể nhập vào nếu không kiểm soát được tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc trung chuyển, “chế biến sơ” để lấy xuất xứ Việt Nam. Bản thân ngành nhựa đã có những bài học xương máu về lệnh trừng phạt này.

Ở thời điểm hiện tại, khảo sát của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào nước ta để lấy xuất xứ đã và đang diễn ra trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư vào các khu công nghiệp mới, trong đó đầu tư trực tiếp không lớn nhưng qua các doanh nghiệp Việt Nam thì lại rất lớn. Các doanh nghiệp chỉ sản xuất phần cuối để lấy xuất xứ Việt Nam khi xuất hàng đi.

Cũng theo ông Lam, bản thân chính quyền một số tỉnh của Trung Quốc, như báo chí nước này đưa tin, đang thúc đẩy sự phát triển của các “khu vực phát triển kinh tế biên mậu” để đến biên giới nhiều nước có chung đường biên như Thái Lan, Myanmar hay Việt Nam lắp ráp sản phẩm, đổi xuất xứ. Trong số các nước này, chỉ Thái Lan đang làm tốt chuyện kiểm soát thị trường, nguồn gốc hàng hóa.

Bên cạnh đó, ngành nhựa cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác như cạnh tranh với hàng nhựa giá rẻ của Trung Quốc tràn sang khi không xuất khẩu sang Mỹ được. Ước chừng những mặt hàng này có giá chỉ bằng 60-70% giá xuất kho do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Vấn đề là, có rất nhiều hàng được nhập lậu.

Cao hơn là cơ hội cải cách, thay đổi

Ông Trần Đình Thiên, với tư cách là thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là cơ hội để thay đổi cho cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp. Đối với Chính phủ, đây là thời điểm để xoay chuyển tư duy về khu vực kinh tế tư nhân, khi đã xác định (dù sau 30 năm) khu vực này mới là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Không những vậy, đây còn là cơ hội để Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào kinh tế của nước láng giềng Trung Quốc. Trong việc lựa chọn đối tác để “chơi”, cần dựa trên thế của trò chơi, không nhìn quốc gia để phân biệt đối xử.

Còn với doanh nghiệp, theo ông Thiên, giống như tất cả các biến động khác, luôn có cơ hội và bất lợi. Quan trọng là nhìn ra cơ hội và thách thức, đánh giá nó một cách mềm dẻo, tư duy khác về phát triển, chọn đối tác, thị trường phù hợp thì sẽ biến nguy thành cơ.

Bà Trang nhấn mạnh, công việc của Chính phủ lúc này là cải thiện được môi trường đầu tư kinh doanh, cần làm thường xuyên và làm tốt hơn nữa trong giai đoạn này khi các nước khác dường như đang chớp cơ hội tốt hơn.

Còn với doanh nghiệp, bà Trang cho rằng, giống như câu chuyện đầu tư kể trên, không thể chờ đợi khách hàng tìm đến mà phải tự tìm đến người mua hàng, tìm hiểu xem họ là ai, đang có nhu cầu gì, vướng mắc gì và đưa ra các dịch vụ, sản phẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp cần kết nối, hợp tác với nhau để sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là trong trường hợp hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn vào. “Đừng chạy đua về giá, kéo xuống đáy để rồi có thể gây ảnh hưởng đến cả ngành, cả nền kinh tế”, bà Trang cảnh báo.

Ông Lam chia sẻ, cơ hội thay thế Trung Quốc trở thành nhà gia công, cung cấp hàng cho các nhà bán lẻ lớn của thế giới đang mở ra nhưng không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được ngay, thậm chí là phải thêm một đến hai năm nữa mới làm nổi. Nguyên nhân là tiêu chuẩn của đối tác đưa ra cao, sản lượng lớn. Đối tác không thể chờ nên doanh nghiệp cần liên kết ngay để tận dụng cơ hội.

Ông Lam cũng mong muốn cơ quan quản lý làm tốt hơn nữa vai trò, chức năng ngăn chặn hàng nhập lậu - vấn đề nhức nhối với ngành nhựa; kiểm soát về xuất xứ hàng hóa, đưa ra những biện pháp đánh thuế kịp thời cũng như cấp phép đầu tư hợp lý (không cấp phép cho những dự án không đảm bảo thực hiện hơn hai phần ba chuỗi quy trình sản xuất tại Việt Nam).

Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Bluescope Việt Nam, nhìn nhận trong bối cảnh ngành thép chịu nhiều tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại như xu hướng bảo hộ gia tăng, nỗ lực giảm giá của Trung Quốc khi nguồn cung tăng cao... thì việc mỗi doanh nghiệp chủ động là vô cùng quan trọng.

Xem thêm

Minh Tâm