Đế chế dầu hào 15 tỉ USD muốn tồn tại 1.000 năm nữa, nhưng con cháu không mặn mà
Dòng sản phẩm dầu hào trứ danh của Tập đoàn Lee Kum Kee. Ảnh: South China Morning Post
Đấu đá nội bộ 130 năm của tập đoàn trị giá 15 tỉ USD
130 năm về trước, ông Lee Kum Sheung đã vô tình phát minh món dầu hào khi lỡ nấu quá tay một nồi hàu, kết hợp hài hòa giữa vị ngọt và mặn. Cũng từ đó, dầu hào trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực Quảng Đông.
Theo Bloomberg, các đời thừa kế của ông Lee Kum Sheun chưa bao giờ từ bỏ bất cứ cơ hội làm giàu nào. Họ nỗ lực miệt mài để xây dựng nên đế chế của một trong những gia tộc giàu nhất châu Á.
Trong khi nhiều công ty đang phải giải quyết vấn đề chuyển giao quyền lực, Tập đoàn Lee Kum Kee (Hong Kong) đã bước sang thế hệ thứ 5 và hiện là một ví dụ điển hình cho hoạt động nghiên cứu về các gia tộc cực kì giàu ở châu Á.
Gia đình họ Lee đã áp dụng một hệ thống quản trị toàn diện khác thường vào đầu những năm 2000, sau khi người đứng đầu gia tộc - ông Lee Man Tat, phải bước vào cuộc chiến tranh giành quyền lực với các chú rồi em trai ông.
Gia tộc họ Lee suýt chia rẽ lần thứ ba vào cuối những năm 1990 khi người con út Sammy Lee kiện cha và đe dọa rút khỏi tập đoàn để giành quyền kiểm soát một công ty đầu tư.
Những người đứng đầu gia tộc, vốn đang "ngồi" trên khối gia tài trị giá 15 tỉ USD, phải điều chỉnh hệ thống quản trị để chuẩn bị cho các cuộc chuyển giao quyền lực trong tương lai, đồng thời rèn giũa thế hệ trẻ trong gia tộc.
Các sáng kiến gần đây bao gồm việc chuyển đổi công ty đầu tư mạo hiểm của tập đoàn thành một cơ sở đào tạo và cho phép thành viên trong gia tộc tham gia nhiều chuyến tham quan đến Thung lũng Silicon và Israel để học hỏi và nghiên cứu.
Trong bộ qui tắc của gia tộc cũng có nêu rõ, chỉ những người có cùng huyết thống mới được sở hữu cổ phần công ty; tập đoàn không tuyển dụng con dâu hoặc con rể; và những người thừa kế trẻ tuổi phải làm việc ở các công ty bên ngoài trước khi trở về làm việc cho Lee Kum Kee.
Số liệu trên bảng hiện thị điện tử tại trụ sở của một trong những công ty con của Tập đoàn Lee Kum Kee cho thấy, hội đồng gia tộc đã họp mặt 65 lần trong 16 năm qua, tương đương 215 ngày và 17 giờ.
Tham vọng tồn tại 1.000 năm
Mục tiêu cao cả của loạt sáng kiến của tập đoàn là duy trì hoạt động kinh doanh của gia tộc thịnh vượng trong 1.000 năm.
"Những nỗ lực của gia tộc họ Lee đã giúp họ kiểm soát tập đoàn sang thế hệ thứ 5, một điều mà chỉ ít công ty gia đình có thể duy trì", bà Jennifer Pendergast, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp Gia đình ở Trường Quản trị Kellogg, nhận định.
Ông Lee Man Tat, 89 tuổi, đã tiếp quản khối tài sản từ gần 50 năm về trước. Sau khi giải quyết tranh chấp với các chú, ông trao cổ phần cho em trai và mời ông này về hỗ trợ điều hành Lee Kum Kee.
Dù vậy, xung đột về quan điểm quản trị tập đoàn lại bùng nổ vào những năm 1980 và ông Lee Man Tat cuối cùng đã giành lại toàn quyền nắm giữ tập đoàn, theo nghiên cứu của Trường Quản trị Kellogg.
Cũng vào thời điểm đó, các con ông Lee Man Tat bắt đầu gia nhập công ty sau quãng thời gian học tập ở Mỹ về khoa học thực phẩm, hóa học, tiếp thị và tài chính.
Hiện tại, mảng kinh doanh chính của Lee Kum Kee không chỉ xoay quanh dầu hào mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, từ bất động sản, chăm sóc sức khỏe đến đầu tư liên doanh. Một công ty con của tập đoàn chịu sự điều hành của hai người con trai của ông Lee Man Tat là Charlie và Eddy.
Vào năm 2017, Lee Kum Kee đã mua lại tòa tháp Walkie Talkie với mức giá kỉ lục 1,7 tỉ USD và xây dựng trụ sở mới tại Quảng Châu dưới bàn tay nhào nặn của kiến trúc sư Zaha Hadid, người mang hai dòng máu Iraq - Anh. Bà là nữ kiến trúc sư đầu tiên nhận Giải thưởng Kiến trúc Pritzker.
Bên cạnh đó, công ty LKK Health Products chuyên kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, do ông Sammy Lee quản lý đã vượt qua mảng dầu hào và nước tương để trở thành vật báu của tập đoàn. Bộ phận Infinitus của LKK Health Products đã đạt doanh thu tới 4,5 tỉ USD/năm.
Nhiều thành viên trẻ trong gia tộc không quan tâm tới tập đoàn
Thử thách thực sự cho Lee Kum Kee là liệu thế hệ lãnh đạo mới có thể duy trì công việc kinh doanh sau khi ông Lee Man Tat nghỉ hưu hay không, giáo sư tài chính Joseph Fan tại Đại học Trung Quốc Hong Kong, nhận định.
Nghiên cứu của Kellogg cho thấy, một số thành viên thuộc thế hệ thứ 5 của gia tộc họ Lee đã không còn quá mặn mà với hoạt động kinh doanh của tập đoàn. 7 người trong gia tộc đã yêu cầu loại họ khỏi danh sách email thông báo tình hình của tập đoàn.
"Gia tộc Lee không chỉ phải giải quyết vấn đề kế tục mà còn phải mở rộng và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Họ phải đáp ứng nhu cầu của thị trường khi mọi thứ thay đổi", Bloomberg dẫn lời giáo sư Lee Chack Fan đến từ Đại học Hong Kong.