|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ĐBSCL: Giá rẻ như cho, nông dân tìm cách 'đào thoát' khỏi cây mía

22:15 | 28/04/2018
Chia sẻ
ĐBSCL đang bước vào thu hoạch mía niên vụ 2017 - 2018 với giá xuống thấp kỷ lục, trong khi chi phí nhân công thu hoạch lại cao ngất ngưởng khiến không khí thu hoạch tại các rẫy mía khá trầm lắng, không còn nhộn nhịp như trước.
dbscl gia re nhu cho nong dan tim cach dao thoat khoi cay mia Tây Nguyên loay hoay tìm lối đi cho cây mía trước sức ép hội nhập
dbscl gia re nhu cho nong dan tim cach dao thoat khoi cay mia Hàng nghìn héc-ta mía ở Sóc Trăng đang 'chết dần'

Thua lỗ kéo dài, nhiều nông dân ở Sóc Trăng, Bến Tre đã bắt đầu bỏ cây mía để chuyển sang nuôi tôm hoặc trồng các loại cây trồng khác...

Vụ mía 2017 - 2018, gia đình ông Lê Thanh (xã Châu Bình, huyện giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) canh tác 1,2ha mía và vừa mới thu hoạch được 80 tấn, bán cho thương lái với giá 550 nghìn đồng/tấn. Sau gần 1 năm chăm sóc, gia đình ông thua lỗ nặng do giá mía quá thấp.

Ông Thanh than thở: “Suốt mấy chục năm trồng mía, không có năm nào giá thấp như năm nay. Hiện tại, tiền thuê nhân công đốn, vận chuyển ra tới ghe cho thương lái gần bằng với tiền bán mía nên nông dân thà chịu lỗ tiền mía giống, phân bón, công chăm sóc… Gần 40 năm gắn bó, giờ gia đình tôi quyết định bỏ cây mía để chuyển qua trồng cây khác, chứ bấp bênh thế này thì...”.

Tương tự, tại vùng trồng mía huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), tình hình cũng không khả quan gì hơn. Không chỉ giá thấp mà việc bán được mía cũng là điều khá khó khăn. Mà dù có bán được thì coi như vẫn lỗ tiền công chăm sóc, phân bón.

Bà Trần Thị Thắm, canh tác 5.000m2 mía ở xã Đại Ân 1 cho biết: Gia đình bà mới thu hoạch được 35 tấn mía cây nhưng bán với giá rẻ như cho. Đã vậy, thương lái còn chê lên, chê xuống. Hiện, tiền thuê nhân công đốn mía, vận chuyển ra ghe là 400 nghìn đồng/tấn, trong khi đó bán được với giá có 530 nghìn đồng/tấn nên nông dân còn không được bao nhiêu tiền. Trong khi phải đầu tư công sức, tiền bạc gần cả năm mới có mía để thu hoạch. “Năm sau tôi sẽ chuyển qua nuôi tôm hết, không trồng mía nữa” - bà Thắm quả quyết.

Chung cảnh càng trồng mía càng lỗ, gia đình ông Quách Hoàng Nhanh (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã quyết định chuyển đổi 5.000m2 đất trồng mía sang trồng dừa, bưởi da xanh với mong muốn có thu nhập cao hơn.

Ông Nhanh cho biết: “Trồng mía bấp bênh quá nên gia đình tôi phải chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Cả vùng này trước đây toàn bộ là ruộng mía, bây giờ đã chuyển đổi gần hết rồi”.

Cách đó không xa, vùng mía nguyên liệu khá lớn của tỉnh tại xã Châu Bình ngày nào giờ đã gần như bị xóa sổ để thay thế các cây trồng khác. Năm 2012, toàn xã có 254ha thì hiện nay giảm chỉ còn 22ha.

Chủ tịch UBND xã Châu Bình - ông Huỳnh Ngọc Chiến- cho biết: Cây mía không còn hiệu quả kinh tế nên nông dân đã chuyển qua cây trồng khác như: Dừa, chanh, bưởi, thậm chí là trồng... cỏ nên diện tích mía còn lại rất ít. “Vài năm nữa chắc nông dân ở đây sẽ bỏ luôn cây mía” - ông Chiến dự báo.

Theo thông kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre, năm 1997, diện tích mía của toàn tỉnh Bến Tre khoảng 15.000ha và được đầu tư xây dựng nhà máy đường để tiêu thụ nguồn mía nguyên liệu trong dân. Tuy nhiên, do giá mía nguyên liệu bấp bênh nên nông dân đã chuyển đổi dần sang cây trồng khác và diện tích trồng mía teo tóp dần. Nếu như vụ mía năm 2017, toàn tỉnh còn trồng khoảng 1.260ha thì năm nay chỉ còn 750ha và đang tiếp tục có xu hướng giảm dần theo từng năm.

Hoàng Tân