|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đầu tư vào Đông Nam Bộ, doanh nghiệp ngoại vẫn lo ngại điều hành giật cục, thiếu nhất quán

10:44 | 27/11/2022
Chia sẻ
Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam cho rằng, vẫn còn tồn đọng một số mối quan ngại của các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến tính nhất quán và ổn định của môi trường pháp lý và các quy định pháp luật, đặc biệt là liên quan đến vấn đề ưu đãi thuế.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và xúc tiến đầu tư Vùng Đông Nam Bộ ngày 26/11, ông Dominik Meichle, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam cho biết sẽ cam kết đồng hành với định hướng của Chính phủ trong phát triển khu vực Đông Nam Bộ trở thành trung tâm khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) hàng đầu, mang lại cuộc sống bền vững và chất lượng cao cho người dân.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về các quy định thiếu nhất quán trong điều hành, tính ổn định của môi trường pháp lý của Việt Nam.

"Chúng tôi chứng kiến và đánh giá cao những nỗ lực to lớn của Chính phủ trong việc tinh giản và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình hội tụ quy định của Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thúc đẩy số hóa và tự động hóa", ông Dominik chia sẻ.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng một số mối quan ngại của các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến tính nhất quán và ổn định của môi trường pháp lý và các quy định pháp luật, đặc biệt là liên quan đến vấn đề ưu đãi thuế, TGĐ Bosch Việt Nam cho biết.

Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam (Ảnh: VGP). 

Theo ông Dominik Meichle, tháo gỡ rào cản về điều kiện là điều cấp thiết giúp chúng tôi tiếp tục thực hiện các cam kết và đầu tư trong tương lai tại Việt Nam, và hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 24 NQ/TW", Tổng Giám đốc Bosch nhấn mạnh. 

Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam tin tưởng phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định và vô cùng quan trọng đối với khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh và đạt được tăng trưởng bền vững. 

Đông Nam Bộ đang tụt hậu dần so với phía Bắc và miền Trung

Khuyến nghị về cơ chế phát triển vùng Đông Nam Bộ, bà Carolyn Turk Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, đây là đầu tàu kinh tế quan trọng của Việt Nam song hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của khu vực này đang có xu hướng ngày càng suy yếu.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam đang bị tụt hậu dần so với vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và miền Trung.

"Tôi tin rằng đây là thách thức về điều phối trong khu vực và Việt Nam cần tăng cường điều phối hoạt động của vùng này", bà Carolyn Turk khuyến nghị.

Ngoài ra, theo Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Hội đồng Vùng chưa hoạt động hiệu quả trong điều phối và chỉ đạo thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng hay các vấn đề liên quan đến sử dụng đất; chưa có quy hoạch tổng thể vùng thích hợp nên thiếu ưu tiên trọng điểm ở cấp độ vùng để tập trung thực thi.

Bà Carolyn Turk cũng nhấn mạnh về tính thiếu nhất quán giữa một bên là các quy định chính sách, việc thiết lập các cơ chế và đầu tư ở cấp Vùng và một bên là khung pháp lý hiện hành về lập kế hoạch hay thực thi đầu tư công.

Trong ngắn hạn và trung hạn, Chính phủ cần xem xét phiên bản sửa đổi mô hình của hội đồng vùng theo mô hình của Đồng bằng Sông Cửu Long được thực thi theo Quyết định 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này trao quyền cho hội đồng vùng trách nhiệm tư vấn, đề xuất với Chính phủ các vấn đề liên quan đến quy hoạch vùng, đầu tư và huy động nguồn lực.

Về dài hạn, Chính phủ cần có thêm các cơ chế hợp tác vùng có vai trò thực tiễn hơn và có chức năng rộng hơn, không phải chỉ một vấn đề điều phối, lập kế hoạch mà còn thực thi các dự án, hoạt động.

"Chúng ta cũng cần có tầm nhìn xây dựng các kế hoạch ưu tiên trong trung hạn, các ưu tiên về dự án đã được xác định trong quy hoạch chung. Ngoài ra, cần xem xét các lựa chọn về đầu tư vùng và cơ chế tài chính dựa trên khuôn khổ pháp lý và ưu tiên chính sách của Chính phủ", bà Turk cho hay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: VGP).

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng là một trong những mục tiêu được đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ.

Đồng thời, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng; Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế.

Huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan toả, nhất là phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường vành đai, cảng hàng không, cảng biển, đường sắt trong vùng và kết nối với các vùng khác; Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; Có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong Vùng.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị  xác định 19 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030.

Trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 380 triệu đồng/năm;

Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo 33%);

Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 30-35%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%.

Hạ An