|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguồn vốn 300.000 tỷ đồng đầu tư nhiều lĩnh vực sắp đổ vào vùng Đông Nam Bộ

16:13 | 21/11/2022
Chia sẻ
Hội nghị phát triển vùng Đông Nam Bộ sẽ chứng kiến ký kết thoả thuận hợp tác của hàng loạt dự án. Trong đó, dự kiến nguồn vốn từ các nhà tài trợ trong kế hoạch 5 năm tới khoảng 300.000 tỷ đồng với nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng nhất là giao thông.

Thông tin tại buổi Họp báo về Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, Hội nghị sẽ được tổ chức vào ngày 26/11 tới tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hội nghị phát triển vùng Đông Nam Bộ sẽ được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến, 500 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị. 

Thứ trưởng thông tin thêm, năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010. Đông Nam Bộ trở thành vùng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Trong vùng, TP HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.

Trụ sở Ủy ban nhân dân TP HCM. (Ảnh: Bộ KH&ĐT).

Tốc độ phát triển vùng Đông Nam Bộ đang chậm lại

Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Trong những năm gần đây, đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước của vùng Đông Nam Bộ có xu hướng giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm.

Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan toả của vùng.

Những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai thác hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là “dư địa”, cơ hội để Đông Nam Bộ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24 với mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và dẫn đầu cả nước.

TP HCM phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Chính phủ đang khẩn trương ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết này.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương. (Ảnh: Hạ An)

29 dự án kết cấu hạ tầng cho khu vực Đông Nam Bộ

Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ cũng đã đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Trong đó chia làm ba nhóm: Dự án hạ tầng giao thông gồm các Tuyến đường vành đai 3,4 TP HCM, các tuyến kết nối khu vực trung tâm với các cảng biển, khu vực lân cận như: Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, Cái Mép – Thị Vải, Tân Phú – Bảo Lộc. Trong thời gian tới, các dự án hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục được nghiên cứu và đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Đồng thời, cũng có các dự án hạ tầng năng lượng và hạ tầng cấp thoát nước nhằm duy trì và nâng cao hơn nữa đà tăng trưởng của khu vực này.

Bên cạnh việc công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24, Hội nghị còn là sự kiện xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ. 

Hội nghị sẽ chứng kiến ký kết thoả thuận hợp tác của hàng loạt dự án. Trong đó, dự kiến nguồn vốn từ các nhà tài trợ trong kế hoạch 5 năm tới khoảng 300.000 tỷ đồng với nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng nhất là giao thông.

Tương lai khu vực này sẽ có nhiều dự án trọng điểm như Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3,4 TP HCM,...Tuy nhiên, để phát triển thêm cần kết nối các tuyến đường nhánh với các cảng biển, các cảng hàng không và các tuyến đường kết nối Đông Nam Bộ với các khu vực lân cận như Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên.

 

 

Hạ An