|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN sẽ tăng mạnh trong 10 năm tới

08:03 | 07/07/2019
Chia sẻ
Tờ The Nation dẫn lời chuyên gia về địa chính trị của Đại học Chulalongkorn Thái Lan nhận định rằng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực chế tạo của khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh trong thập niên tới.
Đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN sẽ tăng mạnh trong 10 năm tới - Ảnh 1.

Đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN sẽ tăng mạnh trong 10 năm tới. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Điều này là do những chính sách của Trung Quốc liên quan tới việc tái định hướng chuỗi cung ứng toàn cầu tới ASEAN trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo mới đây, chuyên gia Arm Tungnirun, giảng viên luật và là tác giả cuốn sách “Trung Quốc 5.0”, nói rằng khu vực ASEAN sẽ sớm trở thành một căn cứ mới cho trung tâm chế tạo của Trung Quốc, giữa lúc Bắc Kinh tìm cách tái định hướng chuỗi cung ứng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hội thảo này có chủ đề “Nơi Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc gặp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, do Trung tâm Nghiên cứu ASEAN của Đại học Chulalongkorn tổ chức. 

Theo ông Arm, khi cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn, tác động quan trọng nhất là sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu hướng tới ASEAN. Điều này đặc biệt xảy ra đối với các công ty nước ngoài đóng ở Trung Quốc và các công ty Trung Quốc muốn đầu tư ra nước ngoài.

Cho đến nay, BRI đã chú trọng vào xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển trên khắp thế giới. Điều này tạo ra một môi trường kinh doanh sinh lời đối với các công ty Trung Quốc muốn đầu tư ra nước ngoài. Khi các công ty Trung Quốc bị tổn thương bởi thuế quan và cấm vận của Mỹ, giai đoạn tiếp theo của BRI sẽ được chú trọng vào việc đưa chuỗi cung ứng chế tạo từ Trung Quốc tới khu vực ASEAN.

Theo nghiên cứu có tiêu đề “Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ và Đông Nam Á” của Viện Nghiên cứu ASEAN thuộc tập đoàn CIMB (CARI), trong giai đoạn 2013-2018, khu vực ASEAN đã thu hút nguồn vốn đầu tư trị giá nhiều tỷ USD liên quan đến các dự án BRI. Trong số các nước ASEAN, Indonesia thu hút dòng vốn lớn nhất, tiếp đến là các nước Campuchia, Malaysia, Singapore, Lào, Myanmar, Thailand  và Philippines.

Các dự án BRI chủ chốt trong khu vực ASEAN bao gồm tuyến đường sắt Bangkok-Nakhon Ratchasima giai đoạn I trị giá 179 tỷ baht (khoảng 5,8 tỷ USD), dự kiến hoàn thành vào năm 2021; tuyến đường sắt Vientiane-Boten nối Lào với Trung Quốc trị giá 5,8 tỷ USD; tuyến đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville của Campuchia trị giá 1,9 tỷ USD, và khu công nghiệp Morowali ở Indonesia trị giá 1,6 tỷ USD….

Ông Arm cho rằng nhịp độ của các dự án BRI và hoạt động đầu tư vào ASEAN thậm chí sẽ nhanh hơn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính tổng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở ASEAN giai đoạn 2016- 2030 sẽ vào khoảng từ 2.800 tỷ USD đến 3.100 tỷ USD.

Tuy nhiên, các nhà quan sát tại hội thảo đã nêu lên những lo ngại về nguy cơ trở thành “bẫy nợ” từ các dự án BRI đối với các nước đang phát triển. Chẳng hạn, dự án đường sắt dài 414km nối Viêng Chăn với Boten ở biên giới Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm đống nợ đáng báo động của Lào, vốn đã ở mức khoảng 68% GDP năm 2016.

Để giảm thiểu nguy cơ nợ từ các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn, ông Arm cho rằng các chính phủ ASEAN nên thiết lập một lập trường chung về BRI và hợp tác như một khu vực để đánh giá rủi ro của các dự án BRI khác nhau trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.


Ngọc Quang