Đầu tư công, yếu tố then chốt cho phục hồi kinh tế
Lượng vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm 2022 là khá lớn, ngoài số vốn kế hoạch năm đã được Quốc hội quyết nghị còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đến hết quý I/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao chi tiết là 466.123.313 tỷ đồng, đạt 90% so với số vốn Thủ tướng đã giao.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết quý I năm nay, 4 cơ quan Trung ương và 5 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch và có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm trên 25%. Tuy nhiên, 13 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương đến ngày 30/3 chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2022 được giao; 29 bộ, cơ quan Trung ương đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.
Việc giải ngân vốn đầu tư công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương lý giải rằng giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt yêu cầu do một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, thương thảo hợp đồng. Trong khi đó, công tác chuẩn bị dự án và sẵn sàng các điều kiện để có thể triển khai cũng rất chậm.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khó khăn chủ yếu tập trung ở phần về đầu tư công do liên quan đến nhiều dự án cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tiến độ cũng như công tác tổng hợp các dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay chậm hơn một chút do các bộ, ngành, địa phương có tiến độ thực hiện rất khác nhau, thường có sự chờ đợi lẫn nhau.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, việc chậm tiến độ là do trách nhiệm của các chủ đầu tư, một số bộ, cơ quan và địa phương chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong thực tế, cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, địa phương giải ngân tốt, nhưng có bộ, địa phương giải ngân rất thấp.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng… tăng làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại, thi công theo kiểu "cầm chừng" để chờ giảm giá vì nếu thi công các nhà thầu sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.
Nhìn nhận về tác động của việc đẩy mạnh đầu tư công - hạ tầng, báo cáo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, gói kích thích kinh tế, đặc biệt là gói đầu tư công sẽ là khung sườn cho Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ trong giai đoạn 2022 - 2023.
Mặc dù quy mô không lớn so với quy mô gói kích thích kinh tế của một số nước phát triển hoặc một số nước Đông Nam Á, nhưng điểm then chốt để đạt được tính hiệu quả tối ưu lại nằm ở yếu tố tốc độ giải ngân nhanh có thể giúp cho doanh nghiệp bước đầu vượt qua khó khăn, qua đó hỗ trợ nền kinh tế sớm phục hồi.
Chính vì vậy, tập trung đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao cho các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khi kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy đầu tư công, về phía địa phương cũng cần có sự chủ động một phần nguồn vốn chứ không hoàn toàn dựa vào nguồn vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế. Cùng đó, là việc đôn đốc thực hiện, kiểm tra và giám sát quá trình thực thi để đảm bảo đạt kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực. Các bộ, ngành, địa phương càng sớm càng tốt phải ban hành những hướng dẫn chi tiết, cụ thể nhưng không quá khó để doanh nghiệp có thể tiếp cận được.
Để đưa toàn bộ lượng vốn đầu tư công năm 2022 vào nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện một số giải pháp trong 3 quý còn lại của năm. Theo đó, các bộ, địa phương giải ngân chậm cần kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới.
Đồng thời, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
Bên cạnh rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, sẽ thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực...
Điều đặc biệt, cả Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều nhấn mạnh sẽ cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 ở các bộ, ngành, địa phương không có nhu cầu sử dụng hoặc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 để điều chỉnh, bổ sung cho các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có nhu cầu và có khả năng giải ngân cao.