Dấu hiệu dòng tiền bắt đáy cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép
Thị trường giảm điểm trước phiên đáo hạn phái sinh
Lực cầu đổ vào thị trường đẩy chỉ số tăng điểm nhẹ trong phiên mở cửa ngày 16/6. Tuy vậy, chỉ số một lần nữa kiểm định không thành công trước ngưỡng cản mạnh 1.370 điểm. Áp lực bán gia tăng, đặc biệt tại rổ VN30 khiến VN-Index có lúc giảm hơn 16 điểm.
Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.356,52 điểm, mất đi 10,84 điểm tương ứng 0,79%, HNX-Index giảm 1,46% xuống còn 313,65 điểm, UPCoM-Index giảm 0,06% về ngưỡng 88,82 điểm.
Thanh khoản duy trì ở mức cao tuy đã giảm nhẹ so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 1 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng. Riêng giá trị giao dịch trên sàn HOSE là 23.130 tỷ đồng.
Sắc đỏ áp đảo với 222 mã giảm giá so với 176 mã tăng trên sàn HOSE. Theo thống kê 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index, có tới 9 mã thuộc rổ VN30. Trong đó, nhà đầu tư mạnh tay chốt lời CTG, TCB và STB trước phiên đáo hạn phái sinh. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm sâu dưới mốc tham chiếu như HPG (-2,63%), VHM (-2,31%), MSN (-2,16%) và VIC (-2,14%).
Mua bán ròng khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Fiinpro.)
Diễn biến theo nhóm nhà đầu tư gần như trái ngược so với phiên liền trước. Tự doanh và các tổ chức trong nước đồng thời chuyển sang trạng thái bán ròng trên sàn HOSE. Hai nhóm này bán ròng khớp lệnh gần 500 tỷ đồng, với tâm điểm chung là chốt lời cổ phiếu nhóm ngân hàng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 85 tỷ đồng chủ yếu ở ngành bất động sản, thực phẩm đồ uống. Các cổ phiếu được mua ròng đa phần thuộc danh mục của ETFs và là các bluechip.
Cùng chiều với khối ngoại, NĐT cá nhân trở lại vai trò trụ đỡ của thị trường với giá trị vào ròng hơn 400 tỷ đồng. Lực mua tập trung ở những cổ phiếu vốn hóa lớn như MBB, HPG, SSI. Tuy cùng cán cân mua ròng, giao dịch theo mã của cá nhân trong nước và khối ngoại duy trì trạng thái đối ứng.
Quay lại gom cổ phiếu ngân hàng, tài nguyên cơ bản và dịch vụ tài chính
Thống kê giao dịch khớp lệnh của NĐT cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.)
Trong số 8/18 ngành được mua ròng, NĐT cá nhân bất ngờ có động thái bắt đáy đối với cổ phiếu ngân hàng, tài nguyên cơ bản và dịch vụ tài chính. Mặc dù liên tục bị xả hàng, lực cầu mạnh mẽ từ các cá nhân trong nước tại 3 nhóm này đã phần nào làm chậm đà giảm điểm. Đây cũng là 3 nhóm duy nhất ghi nhận giá trị mua ròng khớp lệnh trên 100 tỷ đồng từ các cá nhân.
Cụ thể, cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu với giá trị vào ròng lên tới 250,4 tỷ đồng. Nhóm tài nguyên cơ bản và dịch vụ tài chính theo sau với 179,2 tỷ đồng và 141 tỷ đồng mua ròng khớp lệnh.
Ở chiều ngược lại, lực bán chiếm ưu thế về số lượng khi bao trùm 12/18 ngành. NĐT cá nhân tiếp tục "xả" mạnh cổ phiếu bất động sản cho khối ngoại trong phiên 16/6. Giá trị bán ròng khớp lệnh riêng tại nhóm này đạt 180,9 tỷ đồng, giảm gần 50% so với phiên trước đó.
Tuy vậy, đây vẫn là nhóm ghi nhận giá trị bán lớn nhất trong phiên. Theo ghi nhận, 2 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index trong phiên (VIC và VHM) cũng là đại diện ngành bất động sản.
MBB, HPG, SSI đóng góp phần lớn giá trị mua ròng
Chỉ tính riêng giá trị mua ròng khớp lệnh của MBB, HPG và SSI đã phản ánh phần lớn dòng tiền tại 3 nhóm ngành được mua vào mạnh nhất trong phiên.
Cụ thể, cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội dẫn đầu danh mục vào ròng với 214 tỷ đồng khớp lệnh, chiếm 85,5% giá trị mua ròng nhóm ngân hàng.
Cổ phiếu HPG của Hòa Phát (mua ròng 145,8 tỷ đồng) và SSI của Chứng khoán SSI (111,2 tỷ đồng) cũng là hai cái tên nổi trội đóng góp gần 80% giá trị mua ròng khớp lệnh toàn ngành tài nguyên cơ bản và dịch vụ tài chính.
Tính từ đầu tháng 6, NĐT cá nhân đã liên tục mua gom HPG, đối ứng với tổng mức bán ròng lên đến gần 4.000 tỷ đồng từ khối ngoại.
Top cổ phiếu NĐT cá nhân mua bán ròng mạnh nhất trong phiên. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.)
Bên cạnh nhóm dẫn đầu, FPT (giảm giá 0,12%), TCB (-3,06%), NVL (-0,48%), CTG (-3,07%), GEX (-1,75%) cũng là những cổ phiếu tập trung dòng tiền mua trong phiên vừa qua. Giá trị mua ròng khớp lệnh dàn trải tại những mã này, dao động quanh ngưỡng 30 - 56 tỷ đồng.
Dẫn đầu chiều bán ròng, PDR (CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt), FLC (CTCP Tập đoàn FLC) và VRE (CTCP Vincom Retail) đều là đại diện của cổ phiếu "họ" bất động sản. Giá trị rút ròng tại 3 mã này lần lượt là 91,8 tỷ đồng, 88,9 tỷ đồng và 67,2 tỷ đồng.
Cũng nằm trong xu hướng bán ròng, cố phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt giá trị bán khớp lệnh gần 45 tỷ đồng trong phiên 16/6. Đáng chú ý, HNG được khối ngoại mua ròng trong 11 phiên liên tục gần đây, và là cổ phiếu hiếm hoi được mua ròng giữa xu hướng bán ròng chung. Kết phiên 16/6, HNG đóng cửa ở mức 11.050 đồng/cp, tăng 250 đồng/cp tương ứng 2,31%.
Ngoài những cái tên nổi bật, lực bán của cá nhân trong nước phân bổ đồng đều tại các mã VCB (43,2 tỷ đồng), VNM (40,5 tỷ đồng), GAS (38,2 tỷ đồng), VPB (33,8 tỷ đồng) DXG (29,9 tỷ đồng) và STB (25,6 tỷ đồng).