Dấu ấn 'VIETNAM RICE'. Bài 1: Thăng trầm gạo Việt
Vị thế hạt gạo Việt đã được thế giới công nhận nhưng vẫn không thoát khỏi những thăng trầm. Cùng với đó, đời sống người nông dân trồng lúa vẫn chưa khấm khá như kỳ vọng. Tái cơ cấu ngành hàng, xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đó là những nỗ lực tích cực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nông dân trong hành trình đưa hạt ngọc Việt phát triển bền vững.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2005 sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 5,21 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 1,27 tỉ USD. Đến năm 2018, sản lượng gạo đạt mức 6,16 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 3,06 tỉ USD, tăng 5,1% về lượng và 16,3% về giá trị so với năm 2017. Theo đánh giá của các cơ quan quản lý đầu ngành, đây là mức tăng trưởng ấn tượng đối với kim ngạch xuất khẩu gạo trong nhiều năm qua. Song trên thực tế, hạt gạo Việt không phải lúc nào cũng giữ được nhịp độ tăng trưởng đều đặn như thế...
Khâu đóng bao bì gạo xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ảnh: MINH HUYỀN
Tăng trưởng ấn tượng
Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL những năm qua tăng nhanh cả về năng suất và sản lượng là yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam tạo ra những kết quả ấn tượng. Từ chỗ thiếu ăn, ngành lúa gạo ĐBSCL dần tiến tới đảm bảo an ninh lương thực cho vùng, cho cả nước và dành một phần để xuất khẩu. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhấn mạnh: chúng ta làm nên câu chuyện về kỳ tích lúa gạo. Đặc biệt, vùng ĐBSCL có 2 triệu héc-ta đất lúa của cả nước nhưng chiếm 60% sản lượng và 90% lượng gạo xuất khẩu. Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng đang dần hình thành ngành công nghiệp lúa gạo với đội ngũ hơn 500 doanh nghiệp, hàng ngàn cơ sở sản xuất cùng với 160 doanh nghiệp xuất khẩu.
Đằng sau hàng ngàn container gạo xuất khẩu đều đặn ra thị trường thế giới, ĐBSCL đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn. Trong năm 2018, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn” với quy mô khoảng 380.000ha, chiếm 9,2% diện tích gieo trồng lúa của vùng. Một số tỉnh có diện tích liên kết sản xuất lúa trên “Cánh đồng lớn” khá lớn có thể kể đến như: Sóc Trăng 98.000ha, Cần Thơ 70.000ha, Kiên Giang 52.000ha, Đồng Tháp 40.000ha, An Giang 35.000ha, Long An 33.000ha, Bạc Liêu 26.000ha… Theo tính toán, mỗi héc-ta lúa tham gia “Cánh đồng lớn” có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%, sản lượng có thể tăng từ 20-25%, thu lãi thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng.
Theo ông Lê Thanh Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tiến Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, sản xuất theo tập quán truyền thống như sạ dầy, bón nhiều phân đạm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng lúc là một trong những nguyên nhân gây nên khí thải nhà kính, làm cho khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Xác định rõ vấn đề này, từ năm 2013, Hợp tác xã bắt tay vào sản xuất lúa theo “Cánh đồng lớn”, áp dụng quy trình sản xuất một loại giống, ghi chép truy xuất nguồn gốc, giảm bón phân thuốc, cơ giới hóa để giảm rất nhiều chi phí sản xuất và được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ ổn định. “Tham gia vào “Cánh đồng lớn”, lợi nhuận của người dân tăng thêm so với ngoài mô hình từ 3,2 - 4,7 triệu đồng/ha. Lúa trong mô hình đều được doanh nghiệp thu mua và đạt chuẩn xuất khẩu” – ông Lê Thanh Hiệp thông tin.
Bản thân các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo cũng từng bước có sự chuyển đổi về phương thức sản xuất, chế biến để nâng giá trị xuất khẩu. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ, chia sẻ: “Trước đây, người nông dân làm ra giống lúa gì doanh nghiệp thu gom và xuất khẩu loại đó. Năm 2012 là năm đánh dấu công ty xuất khẩu lô hàng đầu tiên (khoảng 2.000 tấn) với chỉ 1 loại giống. Lô hàng một giống lúa có giá xuất khẩu cao hơn phương thức cũ đến vài chục USD/ tấn. Hiện nay, Công ty chủ yếu xuất khẩu các loại gạo thơm và đang trong quá trình xây dựng thương hiệu. Chúng tôi đạt một số thành công nhất định nhờ sản xuất theo quy trình sạch, chất lượng gạo tốt, đồng đều, thuần chủng, truy xuất nguồn gốc nên bán được giá. Chẳng hạn, đối với gạo Jasmine xuất sang thị trường Malaysia, nếu là của các công ty khác thì giá chỉ 500 USD/tấn, nhưng nếu là gạo của Trung An sẽ có giá 550 USD/tấn”.
Thu hoạch lúa tại một "Cánh đồng lớn" trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: MỸ THANH
Nhưng chưa bền vững
Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với cạnh tranh lớn khi nhu cầu nhập khẩu dự báo giảm ở một số thị trường nhập khẩu lớn là Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc. Tại thị trường Trung Quốc, gạo Việt Nam phải cạnh tranh với gạo Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Ấn Độ. Ở thị trường châu Phi, gạo Việt Nam phải cạnh tranh với Pakistan và Ấn Độ khi 2 nước này có lợi thế về vị trí địa lý, chi phí vận chuyển thấp. Tại thị trường truyền thống là Philippines, Việt Nam phải chia sẻ thị phần với nhiều nước do nước này cho phép nhiều nguồn cung tham gia đấu thầu Chính phủ-tư nhân (G2P). Đó là chưa kể, gạo Việt Nam không còn chiếm ưu thế về giá đối với các loại gạo chất lượng thấp và trung bình nên đang chuyển hướng cung cấp gạo chất lượng cao hơn cho khu vực tư nhân.
Năm 2018, ngành lúa gạo nước ta nói chung và ĐBSCL nói riêng được đánh giá thành công toàn diện khi giá lúa nguyên liệu ổn định ở mức cao đem lại lợi nhuận tương xứng cho nông dân. Ở mặt trận xuất khẩu, giá trị, sản lượng đều có bước tăng trưởng vượt trội. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra có phải đây chỉ là thành công, “may mắn” nhất thời khi chỉ mới bước sang đầu năm 2019 Chính phủ đã phải lên tiếng tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo.
Thực tế cho thấy, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn còn nhiều mặt hạn chế và tồn tại lớn. Trước hết là chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo thấp. Bản thân các doanh nghiệp là tác nhân chính trong chuỗi ngành hàng lúa gạo cũng gặp không ít thách thức khi liên kết với nông dân để có nguồn cung ổn định, chất lượng. Bà Bùi Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, TP Cần Thơ, chia sẻ: “Ban đầu khi mới hợp tác với nông dân để xây dựng “Cánh đồng lớn” và liên kết bao tiêu lúa gạo công ty gặp rất nhiều khó khăn. Để có cánh đồng liên kết lên đến vài trăm héc-ta sẽ tương ứng với từng ấy nông dân. Nên để nông dân đồng thuận sản xuất theo yêu cầu doanh nghiệp, để nông dân không bẻ kèo khi giá lúa lên là những thách thức không nhỏ”.
Là một thương nhân có trên 20 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: “Bản thân tôi, nhiều doanh nghiệp khác và lãnh đạo các địa phương ở vùng ĐBSCL đều nhìn thấy: Đã từ lâu ngành hàng lúa gạo của Việt Nam phát triển không mang tính bền vững, kể cả ở thời điểm hiện tại! Mô hình “Cánh đồng lớn”, “Cánh đồng liên kết theo chuỗi giá trị” do Bộ NN&PTNT phát động rất đúng và trúng nhưng hiện nay không thể mở rộng ra được vì thiếu vốn”. Theo ông Bình, trước đây, nông dân tự sản xuất nên tự bỏ vốn ra. Còn đối với mô hình “Cánh đồng lớn”, nông dân sản xuất theo nhu cầu, tín hiệu từ thị trường còn doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Với cách làm này nguồn vốn sẽ đổ dồn về doanh nghiệp. Bởi khi bao tiêu, doanh nghiệp phải thực hiện cung ứng giống, vật tư “đầu vào” và mua lúa tươi cho nông dân… Đó là chưa kể để nâng cao giá trị hạt gao, doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống sấy, kho bãi, máy móc chế biến…
Một điểm yếu của xuất khẩu gạo của Việt Nam là đạt khối lượng lớn nhưng thiếu tính bền vững khi cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo nhận định, gạo Việt Nam nhìn chung chất lượng còn thấp, giá thành sản xuất còn cao do sử dụng nhiều loại giống, cơ cấu giống sản xuất theo từng mùa vụ chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi thị trường tập trung có nhu cầu gạo trắng thông dụng thì không đủ nguồn để xuất, khi thị trường thương mại có nhu cầu gạo thơm thì số lượng, chất lượng gạo thường không ổn định. Đặc biệt, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hiện nay còn tùy tiện, vừa gây lãng phí và tồn trữ thuốc hóa học trong gạo, dẫn đến xâm nhập vào thị trường các nước phát triển gặp không ít trở ngại, khó khăn.
Như vậy, ngành lúa gạo nước ta đang nghẽn ở cả khâu sản xuất và tiêu thụ do liên kết lỏng lẻo, tổ chức sản xuất kém, xuất khẩu phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng gay gắt. Và lời giải nào cho bài toán hóc búa này vẫn là niềm trăn trở đối với những người tâm huyết với hạt gạo Việt.