Dấu ấn startup gốc Việt trong năm Kỷ Hợi
ELSA
Cuối tháng 2/2019, ELSA đã gọi vốn thành công 7 triệu USD vòng Series A tại Thung lũng Silicon, Mỹ. Số tiền này nâng tổng mức đầu tư vào công ty lên tới 12 triệu USD.
Ra đời năm 2016, ELSA là một startup ứng dụng trí thông minh nhân tạo v vào việc học và phát âm chuẩn tiếng Anh. Đồng sáng lập công ty chính là Văn Đinh Hồng Vũ, ngời từng tốt nghiệp MBA tại đại học Stanford.
Về mặt công nghệ, ELSA phát triển A.I. độc quyền trong lĩnh vực Nhận diện giọng nói (Speech Recognition) với công nghệ Học sâu (Deep Learning) để giúp chỉnh phát âm của người học tiếng Anh.
Cho tới thời điểm hiện tại, ELSA đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số lượt ngươi dùng ở thời điểm đầu năm 2019 đã vượt quá con số 4 triêu, trong đó hơn một nửa đến từ Việt Nam.
Theo đánh giá của Tạp chí Kinh doanh Forbes, Elsa Speak là một trong 4 công ty sử dụng AI làm thay đổi thế giới.
Bên cạnh đó, startup này cũng đứng cạnh những tên tuổi khác như Cortana của Microsoft và Google Allo của Google trong danh sách 5 ứng dụng AI hàng đầu hiện nay, cũng theo Forbes.
uFaktory
uFaktory là startup của một nhóm các bạn trẻ hiện đang sinh sống, làm việc và học tập tại Phần Lan. Sử dụng nguyên liệu tái chế như bã cà phê hay chai nhựa, uFaktory là công ty sản xuất giày với thương hiệu Rens Coffee Shoe.
Trần Bảo Khánh và Chu Hoàng Sơn là hai trong số những nhà đồng sáng lập công ty. Bộ đôi này cũng từng xuất hiện trên trang bìa tờ báo "Chủ Nhật" của Phần Lan sau khi giúp Rens Coffee Shoe nhận được sự chú ý từ truyền thông.
Ngay sau khi ra mắt, Rens Coffee Shoe đã gọi vốn cộng đồng được 500.000 USD, bất chấp việc mục tiêu ban đầu của nhóm chỉ là 19.000 USD. Trong số những nhà đầu tư có cả những nhà đầu tư chiến lược như Ilkka Paananen, giám đốc của Spuercell.
Bên cạnh đó, uFaktory cũng đã nhận được sự ủng hộ từ Kickstarter, tổ chức hoạt động trên lợi ích cộng đồng có trụ sở tại Mỹ. Rens là chiến dịch thành công nhất của Kickstarter tại Phần Lan, đồng thời là thương vụ gây quỹ cộng đồng thành công nhất tại Bắc Âu.
Hiện tại, công xưởng chính của công ty đặt ở Trung Quốc. Hàng sẽ được vận chuyển tới Hong Kong (Trung Quốc) trước khi phân phối đến toàn thế giới.
Nulisec
Nhận thấy phần lớn doanh nghiệp ở Trung tâm thương mại Sapa tại Praha chỉ đặt hàng bằng điện thoại và email, Nulisec ra đời năm 2017 nhằm giải quyết nhu cầu mua sắm của khách hàng một cách tiện lợi hơn.
Nói một cách khác, Nulisec có thể coi là một sàn thương mại điện tử bằng cách số hóa Trung tâm thương mại Sapa, nơi tập trung của khoảng bảy trăm công ty bán buôn, bán lẻ, quán ăn và các dịch vụ khác hoạt động.
Mặc dù có những xuất phát điểm khác nhau, nhưng ba đồng sáng lập gốc Việt là Sonny Nguyễn, Luke Phạm và Leo Do đều có cha mẹ là những người kinh doanh tại Trung tâm thương mại Sapa và điều này giúp họ có được sự nhạy bén trong kinh doanh.
Theo Luke Phạm, Giám đốc điều hành của Nulisec, công ty muốn hình thành và hoạt động theo mô hình chợ điện tử của Alibaba. Đồng thời với đó, anh còn tự tin rằng hiện chưa có bất cứ nền tảng thương mại điện tử trực tuyến nào có thể cạnh tranh với Nulisec ngoại trừ Alibaba và Amazon.
Năm 2019, Nulisec cũng đã đón nhận một tin vui khi nhận vốn đầu tư hàng trăm nghìn USD từ các quĩ Lighthouse và Leverage. Số vốn gọi được sẽ giúp startup này tiếp tục mở rộng mô hình hoạt động của Nulisec.