|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Danh mục rủi ro năm 2017

09:36 | 31/12/2016
Chia sẻ
Bên cạnh nợ xấu là gánh nặng rủi ro nội tại lớn nhất hiện nay, có thể liệt kê danh mục các rủi ro chủ yếu khác có khả năng tác động trực tiếp đến chất lượng hoạt động hệ thống ngân hàng trong thời gian đến, bao gồm: lãi suất, bất động sản, tỷ giá ngoại tệ, vàng.

Một dạng rủi ro tiềm ẩn khác là xu hướng đầu cơ nóng từ thị trường chứng khoán sẽ được kích hoạt do chủ trương đẩy nhanh tốc độ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên sức ép liên thông từ lĩnh vực này không còn chi phối lớn như trước sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức siết chặt cấp tín dụng dành cho đầu tư cổ phiếu không vượt quá 5% mức vốn điều lệ hoặc vốn được cấp của các ngân hàng thương mại (NHTM) chiếu theo quy định hiện hành về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).

danh muc rui ro nam 2017
Vốn tín dụng ngân hàng vẫn chiếm vị thế áp đảo trong toàn bộ dòng tiền có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến kinh doanh bất động sản. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Mặt bằng lãi suất: điểm sáng trong 2016 và câu hỏi cho 2017

Nhìn lại năm 2016, có thể khẳng định sự ổn định của mặt bằng lãi suất được xem là thành công lớn trong điều hành chính sách tiền tệ, là trụ cột quyết định đến xu thế ổn định và phục hồi mạnh mẽ cho toàn bộ nền kinh tế.

Lãi suất cho vay nội tệ bình quân hạ thấp theo xu hướng tích cực, phổ biến từ 7-9%/năm, diễn biến này được đánh giá là tốt nhất từ trước đến nay. Thêm vào đó, nhiều ngân hàng tung ra một loạt các gói ưu đãi, có dung lượng lớn, với mức lãi suất tiệm cận tương đương các nền kinh tế tiên tiến trong khu vực, chỉ từ 4-6%/năm.

Nỗ lực đồng hành và chia sẻ khó khăn với khách hàng cũng đáng được biểu dương thông qua hàng loạt sáng kiến kết nối giữa doanh nghiệp - ngân hàng, chênh lệch lãi suất (margin) trong kinh doanh tiền tệ chưa khi nào xuống thấp như giai đoạn hiện nay (chỉ còn 2,5-3,5%). Khách hàng tốt thực thụ đang lên ngôi, họ có đủ quyền để chủ động dàn xếp lãi suất cạnh tranh theo hướng tối ưu hóa.

Thực tế này không chỉ mang lại nhiều cơ hội mở rộng năng lực tiếp cận vốn tín dụng mà còn phản ánh sự chuyển đổi lớn về chất, gia cố thêm mối quan hệ bình đẳng, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa ngân hàng và khách hàng.

Thành công lớn không đồng nghĩa với việc đã hóa giải hầu hết các nguy cơ rủi ro. Ám ảnh tái lạm phát cao vẫn hiện hữu bởi một số tác nhân tiềm ẩn về chi phí đẩy từ bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế.

Đây đó nhiều ý kiến cho rằng mặt bằng lãi suất ở ta còn cao, gây trì kéo sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặt khác, người đi vay thường quan tâm nhiều đến tính ổn định dài hạn của lãi suất hơn là những mời chào ưu đãi tuy hấp dẫn nhưng lại ngắn hạn, bấp bênh.

Hiện đang tồn tại nghịch lý về biên độ chênh lệch quá lớn giữa lãi suất cho vay của ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng. Một bên bình quân chỉ 10%/năm, trong khi bên kia cao hơn gần gấp 10 lần. Vai trò quản lý nhà nước trong việc xử lý mâu thuẫn lãi suất - nên phục tùng chạy theo hay chủ động lèo lái thị trường - ở đây chính kiến của cơ quan điều hành gần như chưa được thể hiện rõ.

Tư duy quản lý mới xuất phát từ đạo luật cơ bản của đất nước là Bộ luật Dân sự năm 2015 đã khẳng định rõ rằng mức lãi suất thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay trong các giao dịch dân sự nếu vượt trên 20%/năm được xem như không có hiệu lực, nhưng mặt khác, vẫn để ngỏ cho nhiều lựa chọn nếu “luật khác có liên quan quy định khác”.

Đây chính là chỗ dựa pháp lý nhằm ngấm ngầm hợp pháp hóa các nỗ lực tăng cao lãi suất, khó tránh khỏi tác động tiêu cực của hội chứng “lãi suất xấu chèn ép lãi suất tốt”, có nguy cơ gây rối loạn đến mặt bằng lãi suất đầu vào/đầu ra.

Cũng cần lưu ý, không phải ngẫu nhiên mà sau cơn đại khủng hoảng tài chính 2008, nước Mỹ đã phải nhanh chóng thiết lập định chế Cơ quan bảo vệ tài chính người tiêu dùng (Consumer Financial Protection Bureau - CFPB) nhằm loại trừ sự khuynh đảo của các thế lực tài chính- lợi dụng áp đặt các rủi ro cao về lãi/phí... đối với đa số người tiêu dùng.

Mặt bằng lãi suất thấp, hợp lý, cần bao hàm cả tính nhân văn, chỉ thực sự có ý nghĩa một khi mức độ lan tỏa của nó được thừa nhận trên cấp độ phạm vi rộng rãi, đóng vai trò chủ đạo chi phối thị trường, đồng thời được bảo vệ bởi một hệ thống pháp luật chặt chẽ, khả thi, hiệu lực cao.

Cảnh báo sớm rủi ro thị trường bất động sản là cần thiết

Lãi suất tín dụng cũng là nhân tố quan trọng mang lại sự phục hồi ngoạn mục trên lĩnh vực bất động sản trong thời gian vừa qua. Đặc trưng lớn nhất là cho đến nay vẫn chưa thay đổi gì lớn trong cơ cấu kênh dẫn vốn. Ngoài nguồn lực FDI và tiền trong dân, vốn tín dụng ngân hàng vẫn chiếm vị thế áp đảo trong toàn bộ dòng tiền có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến kinh doanh bất động sản.

Mặt khác, trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ, bất động sản nước ta luôn có nguy cơ tái diễn căn bệnh cố hữu đó là nặng về xu hướng đầu cơ trong cấu trúc sản phẩm. Phân khúc thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng... gắn với bộ phận dân cư thu nhập cao đang có biểu hiện sốt nóng cục bộ ở một số địa phương sở hữu nhiều tiềm năng, bất chấp dấu hiệu thừa cung.

Trong khi đó, phân khúc nhà ở giá rẻ, trung bình nguồn cung luôn nhỏ hơn nhu cầu nhiều lần. Đáng lo lắng hơn, phân khúc nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp sau một thời gian được xới lên khá ồn ào nay bị rơi vào lặng lẽ khi gói kích cầu 30.000 tỉ đồng kết thúc, bên cạnh những hứa hẹn về chính sách hỗ trợ mới vẫn chưa có gì rõ ràng.

Trước mắt chưa thể vội kết luận xu hướng hình thành bong bóng trên thị trường bất động sản, tuy nhiên việc cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn lâu dài về cơ cấu dòng tiền, phân khúc sản phẩm là hoàn toàn cần thiết.

Chính vì vậy NHNN luôn để mắt đến lĩnh vực nhạy cảm này nhằm đề phòng các biểu hiện chệch hướng. Theo Thông tư số 06/2016/TT-NHNN ngày 27-5-2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam, kể từ ngày 1-1-2017, hệ số rủi ro áp dụng cho “các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản” sẽ tăng từ 150% lên 200%, chính thức gửi đi một thông điệp điều hành quan trọng đến hệ thống NHTM và các khách hàng có liên quan.

Tỷ giá và vàng bước đầu vượt qua cuộc thử lửa

Những tháng cuối năm 2016, cơ chế tỷ giá trung tâm đã vượt qua được cuộc thử lửa căng thẳng khi chỉ trong vòng vài tuần mức độ mất giá của tiền đồng (VND) đã tương đương với mục tiêu điều hành của cả năm 2015. Mặc dù tỷ giá đô la Mỹ (USD) biến động mạnh bất thường, cộng với dao động lớn về giá vàng, nhưng các giải pháp nhằm cách ly, ổn định mặt bằng lãi suất và cung cầu ngoại tệ đã phát huy tác dụng khá tốt.

Điều đọng lại đáng giá nhất là thị trường chính thống đã lấy lại sự tự tin cho mình, bên cạnh vai trò của nhà điều hành và hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt. Số phận của cặp song sinh tỷ giá và vàng từ lâu đã luôn gắn liền với các “nhân tố ngoại”.

Dồn dập những câu chuyện hội nhập gần đây, như số phận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thời Donald Trump, tiến trình Brexit, Fed nâng lãi suất, Trung Quốc và các nước lân cận chủ động phá giá tiền tệ... đã kéo theo hàng loạt phản ứng trên thị trường, những dự báo đa dạng, phức tạp, chưa rõ đúng, sai...

Phải đủ lực vượt qua vũng lầy nợ xấu

Thách thức và là rủi ro lớn hiện nay đó là nên vận dụng bài bản điều hành, phát huy nội lực và các công cụ chính sách như thế nào để có thể cầm trịch trong mọi tình huống, đưa ra quyết sách kịp thời và hiệu quả trước những biến động khôn lường của tình hình thực tiễn.

Thông tin thời hội nhập tựa như dòng thác lũ, hoàn toàn có khả năng nhấn chìm một cá nhân hoặc tổ chức, nhưng không thể cho phép nó khuynh đảo cả một nền kinh tế hoặc thách thức bản lĩnh của cả một quốc gia.

Lựa chọn trung tâm của chính sách tiền tệ trong năm 2017 chắc chắn vẫn là lãi suất. Đây vừa là chủ đề trọng tâm vừa là phép thử cho sự thành công của các nhà điều hành trong nhiều năm đến.

Cần kiên định, kiên nhẫn với mục tiêu dài hạn (ít nhất từ 3-5 năm) phấn đấu giảm thêm mặt bằng lãi suất theo hướng tiệm cận với các nền kinh tế tiên tiến trong khu vực. Trong trường hợp ngược lại, nếu lãi suất tăng lên, điều này đồng nghĩa với thụt lùi, hay nói khác đi là sự thất bại của chính sách hỗ trợ tăng trưởng theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, để có đáp án cho bài toán lãi suất, bên cạnh việc xử lý các biến số có liên quan trong chính sách tiền tệ, bao hàm các nhân tố rủi ro đã đề cập về tín dụng bất động sản, tỷ giá ngoại tệ, vàng... cần tập trung sức xây dựng nền tảng thế và lực của hệ thống NHTM thực sự đủ mạnh.

Trước mắt, phải đủ lực vượt qua vũng lầy nợ xấu. Cái thiếu căn bản của chúng ta lâu nay là tầm nhìn về xử lý nợ xấu chưa được đặt trong khuôn khổ tổng thể chính sách phát triển của quốc gia, trong đó hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính đồng bộ, có hiệu lực đóng vai trò quan trọng nhất.

Ngoài ra, thực lực của từng NHTM cũng cần phải được giám sát một cách nghiêm ngặt hơn nữa theo hướng nên tổ chức kiểm định năng lực ứng phó rủi ro thường xuyên hoặc đột xuất như các ngân hàng trên thế giới đã và đang tiến hành (Stress Test).

Nếu mỗi năm, cứ đến hẹn lại lên, NHNN lại giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho mỗi ngân hàng, thì như vậy chỉ mới nhắm vào cái ngọn của vấn đề, trong khi cái gốc là nội lực, sức chịu đựng rủi ro, tiềm năng phát triển lại không được chú ý đến nơi đến chốn.

Cần kiên định, kiên nhẫn với mục tiêu dài hạn (ít nhất từ 3-5 năm) phấn đấu giảm thêm mặt bằng lãi suất theo hướng tiệm cận với các nền kinh tế tiên tiến trong khu vực. Trong trường hợp ngược lại, nếu lãi suất tăng lên, điều này đồng nghĩa với thụt lùi, hay nói khác đi là sự thất bại của chính sách hỗ trợ tăng trưởng theo hướng bền vững.

Tâm Dân

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.