Đằng sau Descon muốn gấp rút lên sàn và sự tái xuất của ông Trịnh Thanh Huy
Sau hai năm "im ắng", mới đây CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon) bất ngờ công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông dự kiến họp ngày 8/10 và cùng lúc công bố báo cáo tài chính hai năm 2018 và 2019.
Đáng lưu ý, trong tờ trình cổ đông, Descon cho biết sẽ đăng kí giao dịch UPCoM sớm nhất có thể và tiếp tục kế hoạch niêm yết lên HOSE vốn đã dang dở từ năm 2018.
Trước đó, ngày 15/12/2011, Descon đã bị huỷ niêm yết 10,3 triệu cổ phiếu trên HOSE do vi phạm nghiêm trọng qui định về công bố thông tin, rồi gần như cái tên Descon biệt tăm trên thị trường trong những năm sau đó trước khi ồn ào trở lại với vụ kiện của các đối tác do chậm thanh toán nợ.
Tính tới cuối năm 2019, Descon vẫn đang nợ các nhà thầu, các nhà cung cấp số tiền 740 tỉ đồng. Ngoài ra, Descon có 709 tỉ đồng nợ đi vay từ các ngân hàng và các cá nhân và các tổ chức có liên quan.
Năm 2018, công ty lỗ tới 388 tỉ đồng và tiếp tục lỗ 52 tỉ đồng năm 2019. Lỗ luỹ kế hết năm 2019 là 380 tỉ đồng.
HĐQT của Descon cho biết trong năm 2018, 2019 do nhiều khó khăn, hoạt động công ty bị đình trệ, mất khả năng thanh toán và đối mặt với nguy cơ phá sản. Cuối năm 2018, công ty bị Toàn án Nhân dân TP HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản. Theo kế hoạch trình cổ đông, năm 2020, Descon dự kiến lỗ thêm 60 tỉ đồng.
Không chỉ kinh doanh thua lỗ mà Descon còn bị phía kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính năm 2018 và 2019 vì loạt vấn đề trọng yếu.
Công ty TNHH Kiểm toán TTP – chi nhánh TP HCM cho biết không thể kiểm kê tài sản cố định, hàng tồn kho cũng không thể xác nhận được việc trích lập dự phòng vào công ty liên kết và chưa nhận được đầy đủ biên bản xác nhận công nợ phải thu, phải trả của các chủ nợ và khách hàng.
Riêng vấn đề kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính hai năm liền thì Descon đã không đủ điều kiện để giao dịch UPCoM.
Còn theo quy định niêm yết HOSE thì doanh nghiệp cần phải một trong những tiêu chuẩn tối thiểu như có lãi hai năm liền kề, không có lỗ luỹ kế và tuân thủ các qui định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính. Tuy nhiên, Descon lại đang vi phạm các tiêu chuẩn trên.
Trong tờ trình cổ đông, lãnh đạo Descon cho biết đang cơ cấu lại hoạt động, cải thiện tình hình kinh doanh để đăng kí giao dịch trên UPCoM sớm nhất có thể.
Dù gấp rút muốn quay trở lại sàn chứng khoán nhưng trong tờ trình của Descon không hề đề cập tới các phương án tái cơ cấu hay kế hoạch cụ thể để cải thiện tình hình kinh doanh của công ty.
Động thái duy nhất của Descon là thực hiện "thay máu" gần như hết lãnh đạo cấp cao thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát hiện tại và tiến thành bầu bổ sung nhân sự cho nhiệm kì 2017 – 2022.
Đáng chú ý, trong danh sách ứng viên để bầu vào HĐQT có ông Trịnh Thanh Huy từng là thành viên HĐQT sau đó giữ chức Chủ tịch của Descon cho tới ngày 8/12/2016.
Sự tái xuất của ông Trịnh Thanh Huy có kéo theo cuộc M&A nào?
Ông Huy không còn là cái tên xa lạ với nhà đầu tư và giới kinh doanh. Ông từng là Phó Chủ tịch CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) từ năm 1997 – 2002, cựu Tổng giám đốc của CTCP Bất động sản Bình Thiên An, Phó Chủ tịch kiêm thành viên Hội đồng sáng lập của CTCP Thương mại Đầu tư HB và đang là thành viên HĐQT của CTCP Beton 6 (Mã: BT6).
Ông từng nổi lên với các thương vụ thâu tóm, năm 2010, Bình Thiên An đã nắm 35% của Descon và yêu cầu "thay máu" lãnh đạo ngay trong năm.
Việc chuyển giao quyền lực đã gây ra mâu thuẫn, đỉnh điểm là khi xảy ra kiện cáo từ phía nguyên Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Bảng của Descon.
Tới tháng 12/2010, ông Nguyễn Xuân Bảng bị bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT với 81% phiếu chấp thuận. Một năm sau đó, Descon đã bị huỷ niêm yết vào ngày 15/12/2011 do những vi phạm liên tiếp về công bố thông tin.
Trước Descon, Bình Thiên An cũng đã từng thâu tóm Tổng công ty Miền Trung (Cosevco), CTCP Vinafco. Tuy nhiên, thế lực lớn đứng sau Bình Thiên An lại là Công ty Kusto Real Estate Capital Private Limited khi nắm 49% vốn.
Ông Huy từng giữ chức Tổng giám đốc của Kusto Real Estate Capital cho tới cuối tháng 3/2016.
Nói thêm về nhà đầu tư đến từ Kazakhstan, Không chỉ rót vốn vào Descon, Beton 6 mà Kusto còn đang rót vốn vào ông lớn số 1 về thầu xây dựng là CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD).
Không đến mức đứng bên bờ phá sản như Beton 6 hay Descon nhưng Coteccons lại vừa trả qua giai đoạn đầy sóng gió với mâu thuẫn của chính Kusto với Ban lãnh đạo cũ Coteccons gồm ông Nguyễn Bá Dương và các cộng sự liên quan đến các công ty được cho là "sân sau" bao gồm Ricons, Newtecons,...
Khi mọi việc tưởng chừng như ổn thoả sau kì ĐHĐCĐ diễn ra hồi cuối tháng 6, Coteccons sau đó đã liên tục "thay máu" Ban lãnh đạo cũ. Sau sự ra đi của một loạt nhân sự chủ chốt, mới đây thì ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons cũng đã chính thức rời Coteccons.
Người lên thế chỗ ông Dương là ông Bolat Duisenov, CEO của Kusto Việt Nam, là một trong hai người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc Chiến lược của Coteccons và là thành viên HĐQT của Coteccons từ ngày 30/6.
Sau khi ông Dương rời đi thì hiện nhóm Kusto đã gần như nắm trong tay mọi quyền điều hành tại Coteccons. Theo đó, việc điều hành công ty dự kiến cũng sẽ có nhiều thay đổi.
Trở lại với Descon, việc một doanh nghiệp muốn lên sàn chứng khoán để huy động vốn và có lợi cho cổ đông là dễ hiểu.
Nhưng đặt trong bối cảnh doanh nghiệp đang kinh doanh thua lỗ, bị kiểm toán từ chối cho ý kiến về báo cáo tài chính và lịch sử thường xuyên vi phạm công bố thông tin trước đây cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về mục đích Descon lên sàn để làm gì.
Với nhiều mối liên hệ với Kusto, động thái bất ngờ muốn trở lại thị trường chứng khoán của Descon, đặc biệt là việc ông Trịnh Thanh Huy trở lại dẫn dắt công ty này khiến không ít nhà đầu tư đặt dấu hỏi liệu có một thương vụ M&A nào đó sẽ diễn ra hay không?