|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VietinBank rao bán khoản nợ hơn 250 tỉ của Beton 6

09:47 | 03/10/2020
Chia sẻ
Tính đến 31/7, khoản nợ của Beton 6 tại VietinBank là 257 tỉ đồng, gồm hơn 188 tỉ đồng tiền nợ gốc, hơn 47 tỉ đồng tiền lãi trong hạn và hơn 21 tỉ đồng tiền lãi quá hạn.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh 1 TP HCM vừa thông báo rao bán khoản nợ của CTCP Beton 6 để xử lí thu hồi nợ vay.

Tính đến ngày 31/7, tổng giá trị khoản nợ được bán là 257 tỉ đồng. Trong đó gồm hơn 188 tỉ đồng tiền nợ gốc, hơn 47 tỉ đồng tiền lãi trong hạn và hơn 21 tỉ đồng tiền lãi quá hạn.

Toàn bộ khoản nợ được đấu giá với giá khởi điểm là 52 tỉ đồng chưa bao gồm thuế, phí, lệ phí; dự kiến được bán trong tháng 10.

Vào cuối năm 2019, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng đã thông báo chào mời các nhà đầu tư có nhu cầu tham gia xử lí các khoản nợ của Beton 6.

Beton 6 là công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường.

Công ty từng tham gia thi công cung cấp nguyên vật liệu cho nhiều dự án cầu đường lớn, có thể kể đến như cầu Phú Mỹ, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, hầm Hải Vân, cao tốc TP HCM - Trung Lương, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây...

VietinBank rao bán khoản nợ hơn 250 tỉ của Beton 6 - Ảnh 1.

Cầu Phú Mỹ - một dự án Beton 6 từng tham gia thi công, cung cấp nguyên vật liệu. (Nguồn: Mytour).

Là một đơn vị có tiếng với gần 60 năm hoạt động, Beton 6 đang rơi vào tình trạng khủng hoảng và mất thanh khoản những năm gần đây.

Theo báo cáo tài chính năm 2019, công ty vẫn còn hơn 350 tỉ đồng tiền vay và nợ thuê tài chính trong cả ngắn hạn và dài hạn. Tổng lãi vay phải trả cho ngân hàng tính đến 31/12/2019 là hơn 108 tỉ đồng.

Trong đó, khoản nợ tại VietinBank là 188 tỉ đồng, khoản nợ tại Eximbank là 63 tỉ đồng, nợ tại Vietcombank hơn 63 tỉ đồng, nợ NCB hơn 29 tỉ đồng. Đồng thời, Beton còn nợ một số công ty tài chính khác như Cho thuế tài chính Quốc tế Việt Nam, ACB Leasing...

Đây là những khoản vay ngắn hạn nhưng tồn tại trên bảng cân đối kế toán của Beton 6 nhiều năm liền do doanh nghiệp không có khả năng chi trả. Khoản vay nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động đảm bảo bằng khoản phải thu khách hàng, quyền đòi nợ hay thậm chí là tín chấp.

Bên cạnh đó, ngoài các ngân hàng, khoản phải trả của Beton 6 cho các nhà cung cấp cũng lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Trong 3 năm trở lại, công ty liên tiếp thua lỗ khoản lỗ sau thuế từ 2017 đến 2019 lần lượt là 139 tỉ, 323 tỉ và 82 tỉ đồng.

Theo biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của công ty, trước tình hình kinh doanh khó khăn, lãnh đạo công ty đã nộp đơn yêu cầu phá sản và Tòa án có quyết định mở thủ tục phá sản.

Lê Huy