Dân Mỹ khó đợi được kế hoạch chống lạm phát dài hơi của ông Biden
Ông Biden cho rằng một nhóm các công ty kiểm soát quá nhiều ngành công nghiệp, do đó làm giảm khả năng cạnh tranh của cả các khách hàng và người lao động. Điều đó dẫn tới giá cả cao hơn và mức lương thấp hơn, dẫn tới mỗi gia đình Mỹ phải tiêu tốn thêm trung bình 5.000 USD mỗi năm, Nhà Trắng ước tính.
Ông Biden giờ đây đang cố gắng khắc phục tình hình với 72 sáng kiến khác nhau - từ những quy định về sửa chữa điện thoại di động đến các quy định về đóng gói thịt hộp, và tăng cường kiểm soát các thương vụ sáp nhập
Ông Brian Deese, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng cho biết: "Động lực của nền kinh tế Mỹ hiện đại - xu hướng hợp nhất gia tăng và cạnh tranh giảm đi - đã bóp méo các động lực của thị trường một cách nghiêm trọng".
"Tổng thống đã định hướng chúng tôi quay lại thời kỳ trước đây và chỉ cho chúng tôi những việc có thể làm để giải quyết vấn đề hợp nhất giữa các ngành một cách lâu dài."
Nhưng ngay cả các quan chức chính quyền cũng thừa nhận rằng các sáng kiến được đưa ra bởi hội đồng cạnh tranh của tổng thống không được thiết kế để nhanh chóng ngăn chặn lạm phát 7,5%, vốn đang khiến người Mỹ thất vọng và làm tổn hại đến danh tiếng của ông Biden.
Hơn nữa, các tập đoàn kinh tế cũng nghi ngờ về lập luận cơ bản khi cho rằng cạnh tranh đã suy yếu trong nền kinh tế Mỹ và họ đã sẵn sàng để thách thức các sáng kiến mới của chính quyền trước tòa.
Ông Neil Bradley, Phó chủ tịch điều hành kiêm giám đốc chính sách của Phòng Thương mại Mỹ cho biết: "[Kế hoạch của ông Biden] sẽ bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế. "Trớ trêu thay, kế hoạch này sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn."
Một phần trong tình thế tiến thoái lưỡng nan của ông Biden là việc định hướng lại bộ máy hành chính để thúc đẩy cạnh tranh cần có thời gian và các cử tri muốn thấy lạm phát - đang ở mức cao 40 năm - cần phải bắt đầu giảm ngay.
Các cử tri cảm nhận được nỗi đau của lạm phát mỗi khi đi đến các cửa hàng mua sắm hoặc đổ xăng. Trong khi đó, tổng thống Mỹ vẫn đang đi khắp đất nước để thảo luận về những giải pháp như cạnh tranh và cơ sở hạ tầng mới vốn dĩ đã tồn tại ngay cả trước những khó khăn hiện tại. Những giải pháp của vị tổng thống này được kỳ vọng sẽ có tác động chậm hơn nhiều.
Bài toán lạm phát hiện tại của Mỹ bắt nguồn từ đại dịch. Chuỗi cung ứng chip máy tính, quần áo, đồ nội thất và các hàng hóa khác đang trở nên quá tải. Đồng thời, nhu cầu của người tiêu dùng đã tăng mạnh sau khi lượng tiền viện trợ khổng lồ của chính phủ chảy vào nền kinh tế.
Bất chấp những nỗ lực nhằm loại bỏ các điểm nghẽn chuỗi cung ứng, tốc độ tăng giá vẫn ở mức cao trong những tháng gần đây thay vì giảm dần như nhiều dự báo ban đầu đưa ra. Điều đó đã khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẵn sàng tăng lãi suất để hạ thấp lạm phát.
Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 1 của Đại học Chicago, 2/3 các nhà kinh tế hàng đầu nói rằng sức mạnh tập trung của các công ty không lý giải cho tình trạng lạm phát hoành hành hiện nay.
Nhà kinh tế học Thomas Philippon của Đại học New York đã hoan nghênh cách tiếp cận của chính quyền, trong khi hiệu quả làm giảm lạm phát chẳng là bao nhiêu. Là tác giả của cuốn sách năm 2019 "Sự đảo ngược vĩ đại: Mỹ đã mất niềm tin vào thị trường tự do như thế nào", Philippon là nguồn gốc của tuyên bố của chính quyền rằng sự tập trung thị trường tạo ra chi phí trung bình 5.000 USD/năm cho một gia đình.
Những gì ông Philippon quan sát thấy là các quốc gia khác đã chấp nhận một mức độ thực thi chống độc quyền và cạnh tranh không còn tồn tại ở Mỹ, dẫn đến chi phí dịch vụ điện thoại di động, internet và vé máy bay ở Châu Âu thấp hơn so với Mỹ.
"[Chống sự độc quyền của doanh nghiệp] có thể không có tác động lớn trong việc kiểm soát lạm phát trong ngắn hạn, nhưng nó vẫn có thể hữu ích," ông Philippon nói. "Tôi nghĩ kìm chế lạm phát như một tác dụng phụ tích cực của điều gì đó nên được thực hiện trong bất cứ trường hợp nào."
Chính quyền Biden cho rằng ngay cả khi tình trạng thiếu cạnh tranh không trực tiếp gây ra đợt tăng giá đột biến gần đây, nhưng nó đã góp phần gây ra lạm phát. Vào tháng 7, Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng đã viết trên blog về tình trạng ngày càng nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế nằm trong tay một số ít các doanh nghiệp.
Hội đồng này trích dẫn các nghiên cứu cho thấy việc sáp nhập đã dẫn đến giá dịch vụ bệnh viện, bảo hiểm y tế, vé máy bay và bia cao hơn như thế nào. Hội đồng cũng ghi nhận sự suy giảm trong việc giám sát của chính phủ về vấn đề sáp nhập và lưu ý rằng các vụ kiện liên bang năm 2020 chống lại Google và Facebook là những vụ kiện chống độc quyền lớn đầu tiên trong 22 năm.
Sau cuộc họp thứ hai của hội đồng cạnh tranh toàn chính phủ vào cuối tháng 1, Nhà Trắng đã vạch ra kế hoạch xúc tiến của mình. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã đề xuất bán máy trợ thính không cần kê đơn, "giảm giá thành của chúng từ hàng nghìn USD xuống còn hàng trăm USD", theo một tuyên bố của Nhà Trắng.
Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) sẽ tăng cường thực thi chống lại các hạn chế mà các công ty đặt ra đối với những người tự sửa chữa thiết bị điện tử của họ. Bộ Giao thông Vận tải cho rằng họ có thể giảm giá vé máy bay ở khu vực thành phố New York bằng cách mở 16 suất bay cho một hãng hàng không giá rẻ tại sân bay ở Newark, New Jersey.
Các quan chức quản lý trích dẫn ví dụ về kính đeo mắt để chứng minh rằng sự cạnh tranh nhiều hơn có thể dẫn đến giá thấp hơn. Trước năm 1979, mọi người chỉ có thể mua kính đeo mắt từ những bác sĩ đã viết đơn thuốc cho họ. FTC sau đó đã thông qua một quy tắc buộc các bác sĩ đưa đơn thuốc cho bệnh nhân, khiến giá mắt kính trung bình giảm 30,4% xuống còn 178 USD (giá tiền năm 1979).
Vấn đề gia tăng cạnh tranh không phân chia theo đường lối đảng phái một cách rõ ràng. Các thương nghị sĩ cộng hòa Todd Young của Indiana và Kevin Cramer của North Dakota đã tài trợ một dự luật để hạn chế các công ty sử dụng các thỏa thuận không cạnh tranh. Những thỏa thuận này có thể ngăn cản người lao động tìm đến chủ lao động khác trả lương cao hơn.
Nhưng nhiều người trong lĩnh vực kinh doanh hoài nghi về giả thiết cốt lõi của ông Biden khi cho rằng nền kinh tế Mỹ đã trở nên kém cạnh tranh hơn. Họ cho rằng sáp nhập cho phép các công ty hoạt động hiệu quả hơn và kết quả là năng suất đạt được có lợi cho người tiêu dùng.
Phòng Thương mại Mỹ cho biết mức độ tập trung của thị trường đã giảm dần vào năm 2017 và cơ quan này có ý định thách thức một số hành động pháp lý của chính quyền trước tòa.
Hiệp hội thương mại các hãng hàng không Mỹ nói rằng người tiêu dùng được hưởng lợi khi hợp nhất ngành. Theo các điều khoản được điều chỉnh theo lạm phát, giá trung bình của một vé khứ hồi đã giảm gần 100 USD kể từ năm 2010 xuống còn 306 USD vào năm 2020.
Hội nghị bàn tròn kinh doanh, một nhóm đại diện cho các CEO, cho biết vào thời điểm lạm phát cao "các quy định nặng nề hơn của chính phủ không phải là điều mà nền kinh tế hoặc người dân Mỹ cần".
Bất chấp đại dịch và lạm phát, các công ty vẫn tìm ra cách để đạt được lợi nhuận lịch sử. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bằng 11,8% tổng nền kinh tế Mỹ trong quý II năm ngoái, mức cao kỷ lục kể từ năm 1947.
Chính quyền Biden lập luận rằng chính sách của chính phủ có thể giúp người lao động và khách hàng được hưởng lợi nhiều hơn thay vì để tiền chảy hết vào túi doanh nghiệp.
Ông Barry Lynn, giám đốc điều hành của Viện Thị trường Mở cho biết, việc chính quyền Biden tập trung vào lợi nhuận và cấu trúc doanh nghiệp cuối cùng có thể hạn chế mức độ mà các công ty có thể tính phí và điều đó có thể ngăn chặn lạm phát.
"Nó truyền đi một thông điệp rằng đang có đội ngũ giám sát ở đó và chúng tôi đang theo dõi sát sao và sẽ kiểm tra các mức độ lợi nhuận của bạn. Chúng tôi sẽ nhắm mục tiêu đến những người dường như đang lợi dụng sức mạnh độc quyền của họ. Điều đó sẽ có tác dụng", Barry Lynn nhận định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/