Nguy cơ giá dầu lên 100 USD/thùng giáng cú đấm kép vào kinh tế thế giới
Tăng trưởng giảm sút và lạm phát phi mã là sự kết hợp đáng lo ngại đối với Fed và các ngân hàng trung ương khác đang đau đầu tìm cách khống chế áp lực giá cả mà không phá hỏng cuộc phục hồi kinh tế. Tuần này, các bộ trưởng tài chính và quan chức ngân hàng trung ương của Nhóm G-20 sẽ họp trực tuyến lần đầu tiên trong năm, với lạm phát là nỗi lo hàng đầu.
Tuy các nhà xuất khẩu năng lượng sẽ được hưởng lợi từ cơn sốt giá dầu, đa số các nước sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi sức mạnh chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm sút vì chi phí thực phẩm, vận chuyển và sưởi ấm đắt đỏ hơn.
Theo mô hình Shok của Bloomberg Economics, giá dầu thô tăng từ 70 USD cuối năm 2021 lên 100 USD vào cuối tháng này sẽ nâng lạm phát lên 0,5 điểm % tại Mỹ và châu Âu trong nửa cuối năm 2022.
Xét tổng thể, JPMorgan Chase cảnh báo giá dầu phi mã lên 150 USD/thùng sẽ gần như chặn đứng tăng trưởng toàn cầu và đẩy lạm phát vọt lên hơn 7%, gấp hơn ba lần mục tiêu của hầu hết các nhà hoạch định chính sách.
Ông Peter Hooper, Giám đốc nghiên cứu kinh tế của Deutsche Bank nói với Bloomberg: "Cú sốc dầu tác động đến rắc rối lạm phát chung của của thế giới, dẫn đến khả năng không nhỏ là tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc đáng kể".
Giá dầu hiện nay cao hơn 50% so với một năm trước. Nguyên nhân bao gồm: Nhu cầu thế giới phục hồi sau Đại Phong tỏa, căng thẳng địa chính trị Nga khơi mào và chuỗi cung ứng căng thẳng. Triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran có lúc đã làm nguội thị trường. Tuy nhiên, đà tăng vẫn diễn ra điên cuồng. Chỉ hai năm trước, giá dầu còn về âm.
Nhiên liệu hóa thạch – dầu, than và khí tự nhiên – cung cấp hơn 80% năng lượng của kinh tế toàn cầu. Và theo công ty tư vấn Gavekal Research, giá một rổ hàng hóa nhiên liệu hóa thạch điển hình hiện cao hơn 50% so với một năm trước.
Thiếu hụt năng lượng làm trầm trọng thêm rắc rối của chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gia tăng chi phí cũng như gây trì hoãn vật liệu thô và thành phẩm.
Bà Vivian Lau, CEO công ty logistics toàn cầu Pacific Air Holdings cho biết khách hàng đang theo dõi sát sao giá nhiên liệu: "Giá dầu chắc chắn là điều đáng lo. Sự gia tăng đang diễn ra vào thời điểm giá vận tải hàng không vốn đã rất cao".
Các nhà kinh tế đang lập ra các kịch bản khốc liệt cho tương lai. Goldman Sachs ước tính giá dầu lên 100 USD/thùng vào quý III và lạm phát tăng trung bình 60 điểm cơ bản, với các nền kinh tế mới nổi chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây nâng dự báo giá tiêu dùng toàn cầu tại các nền kinh tế tiên tiến từ trung bình 2,3% lên 3,9%, còn tại các nước mới nổi và đang phát triển là 5,9%.
Báo cáo của HSBC ngày 4/2 viết: "Với lạm phát ở mức cao nhất trong hàng chục năm và sự bất ổn chưa từng thấy đối với triển vọng lạm phát, điều cuối cùng thế giới cần là giá năng lượng đi lên. Nhưng đây lại là điều đang diễn ra".
Cho tới nay Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất và xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trên thế giới đang được tận hưởng lạm phát khiêm tốn. Nhưng kinh tế nước này vẫn dễ bị tổn thương bởi các nhà sản xuất đang phải vật lộn giữa chi phí đầu vào cao và lo ngại về khủng hoảng năng lượng.
Áp lực giá dai dẳng hơn dự kiến đang khiến các ngân hàng trung ương ưu tiên dập lạm phát trước hỗ trợ nhu cầu. Lạm phát của Mỹ chạm mức cao nhất kể từ đầu năm 1982 đã khiến hệ thống tài chính chấn động, làm tăng dự đoán rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tăng lãi suất tới 7 lần trong năm 2022.
Trong tháng này, Thống đốc ngân hàng trung ương Anh Andrew Baile biện minh cho quyết định tăng lãi suất bằng "sức ép từ giá năng lượng". Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde gần đây thông báo các quan chức sẽ "xem xét cẩn thận" giá năng lượng ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế, báo hiệu thắt chặt chính sách kinh tế. Tuần trước, ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng cảnh báo giá dầu là rủi ro.
Rõ ràng kinh tế thế giới không còn thèm khát dầu như những thập niên trước, đặc biệt là những năm 1970, và các nguồn năng lượng thay thế phần nào hấp thụ cú sốc. Các bộ đệm khác bao gồm tiết kiệm hộ gia đình tăng mạnh và lương đi lên.
Tại Mỹ, sự xuất hiện của ngành công nghiệp dầu đá phiến giúp nền kinh tế ít bị tổn thương hơn trước các cú sốc giá dầu: Tuy người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn cho xăng, các nhà sản xuất trong nước lại kiếm được nhiều tiền hơn.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics ước tính với mỗi lần dầu tăng thêm 10 USD/thùng sẽ xóa sổ 0,1 điểm % khỏi tăng trưởng kinh tế trong năm tiếp theo, thấp hơn nhiều mức giảm 0,3 đến 0,4 điểm % trước khi kỹ thuật khai thác dầu fracking ra đời.
Các nhà sản xuất dầu khác cũng có lý do để ăn mừng. Ví dụ, ngân sách của Nga có thể gặt hái thêm 65 tỷ USD trong năm nay, giúp Điện Kremlin chống đỡ với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Canada và các nước Trung Đông cũng được hưởng lợi.
Nhưng đối với hầu hết người tiêu dùng và ngân hàng trung ương, vận mệnh của họ phụ thuộc không nhỏ vào giá năng lượng tiến nhanh và xa đến đâu, đặc biệt là nếu các nền kinh tế toàn cầu mất đi động lực.
Bà Priyanka Kishore, người đứng đầu khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á của Oxford Economics cho biết: "Giá dầu tiếp tục tăng nhanh có thể làm tăng rủi ro gây ra các điều kiện giống suy thoái tại một số nước, đặc biệt là nếu chính sách tài khóa cũng thắt chặt rõ rệt".
"Mong rằng đây không phải giọt nước làm tràn ly". Bà ước tính mỗi đợt giá dầu tăng 10 USD/thùng xóa sổ khoảng 0,2 điểm % khỏi tăng trưởng toàn cầu.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/