|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Biden lạc quan bất chấp lạm phát tăng nóng: 'Dự báo cuối năm nay sẽ giảm'

09:02 | 11/02/2022
Chia sẻ
Sau khi Bộ Lao động Mỹ thông báo tốc độ lạm phát cao nhất kể từ tháng 2/1982, Tổng thống Joe Biden cho biết lạm phát sẽ giảm trong những tháng cuối năm nay.
Ông Biden lạc quan bất chấp lạm phát tăng nóng: 'Dự báo cuối năm nay sẽ giảm' - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: PA Images).

CNBC dẫn lời Tổng thống Joe Biden nói trong một thông cáo ngày 10/2: "Số liệu lạm phát công bố hôm nay khá cao, nhưng các nhà dự báo tiếp tục cho rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt đáng kể vào cuối năm 2022. Và thật may mắn là chúng ta thấy tiền lương thực tế tăng trưởng dương trong tháng 1. Giá ô tô lên cao đã đóng góp tới 1/4 mức lạm phát của năm ngoái nhưng tháng vừa qua, giá ô tô đã ổn định".

Ông Biden nói thêm: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hạ chi phí trong những lĩnh vực gây khó khăn cho các gia đình và người dân lao động trong hàng thập kỷ qua, từ thuốc kê đơn tới dịch vụ trông trẻ và nhiên liệu".

Thông cáo của Tổng thống Mỹ được công bố khoảng hai giờ sau khi Bộ Lao động thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 vừa qua tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 2/1982 và cao hơn dự báo 7,2% mà các nhà kinh tế đưa ra.

Nếu không tính giá năng lượng và lương thực nhiều biến động, CPI lõi (core CPI) tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 5,9% mà các nhà kinh tế dự đoán và cao nhất kể từ tháng 8/1982.

Ông Biden lạc quan bất chấp lạm phát tăng nóng: 'Dự báo cuối năm nay sẽ giảm' - Ảnh 2.

Lạm phát cao nhất 40 năm, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức trước dịch.

Trong những tháng gần đây, lạm phát đã dần trở thành một trong những mối bận tâm lớn nhất của chính quyền Joe Biden. Giá cả nhiều mặt hàng từ xăng dầu đến nhu yếu phẩm đều tăng mạnh đã bào mòn ví tiền của người dân. 

Nếu tiền lương không tăng tương ứng, sức mua của người tiêu dùng sẽ giảm sút và thu nhập thực tế sẽ đi xuống.

Nhà Trắng không có nhiều quyền lực trong việc kiểm soát giá cả. Một số biện pháp mà ông Biden có thể làm là giải phóng kho dự trữ dầu thô chiến lược để hạ giá nhiên liệu, củng cố chuỗi cung ứng của Mỹ để tăng nguồn hàng hóa, đồng thời khuyến khích người lao động quay lại làm việc càng sớm càng tốt.

Các chương trình đầu tư vào hạ tầng nước Mỹ mà chính quyền ông Biden ủng hộ có thể giúp hạ giá cả trong dài hạn nhưng trong ngắn hạn, Nhà Trắng gần như chỉ có thể đứng nhìn. Quyền lực thật sự nằm trong tay Cục Dự trữ Liên bang (Fed)

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Biden và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã tuyên bố ủng hộ Fed thắt chặt cung tiền và nâng lãi suất để chống lạm phát. 

Ngày 19/1, ông Biden nói: "Fed đã hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế Mỹ trong cuộc khủng hoảng kéo dài một năm rưỡi qua. Nhìn vào sức mạnh của nền kinh tế và tốc độ tăng giá cả gần đây, tôi thấy việc đánh giá lại các biện pháp hỗ trợ - như Chủ tịch Fed Jerome Powell từng nói - là phù hợp".

Fed được Quốc hội Mỹ giao nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo mục tiêu kép là toàn dụng việc làm và ổn định giá cả. 

Nếu Fed cho rằng nền kinh tế phát triển quá nóng, thể hiện qua tăng trưởng kinh tế cao và thất nghiệp thấp, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất để hạn chế tổng cầu.

Ông Biden lạc quan bất chấp lạm phát tăng nóng: 'Dự báo cuối năm nay sẽ giảm' - Ảnh 4.

Kinh tế Mỹ hồi phục mạnh trong năm 2021 sau khi sa sút vì đại dịch trong 2020.

Hầu hết các chuyên gia trên thị trường tài chính Mỹ đều dự báo Fed chắc chắn sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 15-16/3 tới đây cũng như trong những cuộc họp còn lại của năm 2022. Nhiều khả năng Fed sẽ không chỉ nâng 25 điểm % trong mỗi cuộc họp mà có thể tăng tới 50 điểm %. 

Ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis cho biết ông muốn nâng lãi suất 1 điểm % (tức 100 điểm cơ bản) trước tháng 7.

Song Ngọc