‘Đại Nhảy việc’ trở thành ‘Đại Hối hận’: Hàng triệu người Mỹ tiếc nuối vì đã thay đổi việc làm
Nền kinh tế thế giới đã trải qua nhiều biến cố lớn trong một thế kỷ qua, từ Đại Khủng hoảng trong những năm 1929 - 1933, đến Đại Lạm phát trong thập niên 1970, Đại Suy thoái năm 2008 - 2009. Gần đây, thời kỳ hậu COVID-19 cũng mang đến những cơn sóng mới.
Theo Bloomberg, khoảng 20 triệu người Mỹ nghỉ việc trong 5 tháng đầu năm 2022 để tìm kiếm công việc tốt hơn và sự kiện này được đặt tên là “Đại Nhảy việc”. Tuy nhiên, có vẻ như nhiều người đang chuyển sang xu hướng “Đại Hối hận” vì quyết định nóng vội của mình.
Theo một nghiên cứu trên 15.000 người tìm việc được thực hiện trong ba tháng qua bởi Joblist (một nền tảng tìm kiếm việc làm bằng trí tuệ nhân tạo), hơn 1/4 số người từng rời bỏ công việc đang xem xét lại quyết định của mình.
Khảo sát trên cho biết, sự gia tăng số lượng người nhảy việc có liên quan đến nguy cơ COVID tại nơi làm việc, những cơ hội mới do làm việc tại nhà tạo ra và việc suy nghĩ lại về cuộc sống và sự nghiệp trong bối cảnh đại dịch hoành hành.
Mức độ bỏ việc trong năm nay gần gấp đôi so với một thập kỷ trước. Tuy nhiên, khảo sát của Joblist cho thấy có nhiều lý do tại sao những người từng rời bỏ công việc lại suy nghĩ lại.
Nhiều người Mỹ đang cảm thấy cần phải tìm công việc khi thị điều kiện của thị trường lao động đang có dấu hiệu thay đổi. Hơn một nửa số người tìm việc kỳ vọng rằng thị trường sẽ trở nên tồi tệ hơn trong 6 tháng nữa. Đồng thời, 42% những người nhảy việc cho biết công việc mới không đáp ứng mong đợi.
Một số người nhớ đồng nghiệp cũ. “Các mối quan hệ xã hội thường ít được quan tâm”, ông Kevin Harrington, CEO của Joblist cho biết.
“Nhiều người dành thời gian cho công việc nhiều như cho gia đình và bạn bè. Mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp có thể ảnh hưởng rất lớn tới cách mọi người nhìn nhận công việc và khả năng ở lại”, ông nói.
Mức độ hối tiếc khi nhảy việc phụ thuộc vào từng ngành nghề. Nhân viên y tế, dưới áp lực khổng lồ trong thời kỳ đại dịch COVID, là nhóm người ít cảm thấy mình đã quyết định sai. Theo báo cáo của Joblist, chỉ khoảng 14% nhân viên y tế nghỉ việc cảm thấy hối hận. Ngược lại, 31% người lao động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cảm thấy tiếc nuối vì quyết định của mình.
Joblist cho biết các nhà tuyển dụng có thể liên hệ với nhân viên cũ để mời quay lại làm việc. Trong cuộc khảo sát trên, 23% người được hỏi trả lời rằng doanh nghiệp đã cố liên hệ lại với họ sau khi nghỉ việc.
Khi được hỏi liệu có cân nhắc quay lại công việc hay không, 59% đã nói “không”, trong khi 17% trả lời “có” và 24% cho rằng “có thể” sẽ chấp nhận đề nghị. 67% nhân viên ngành giáo dục và y tế không muốn quay trở lại công việc của mình.