Đại diện Tập đoàn Hà Đô: 'Chúng tôi sẵn sàng đầu tư làm lưới tải điện'
Chia sẻ bên lề Hội thảo quốc tế năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ chính sách đến thực tiễn, ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển Năng lượng, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô cho biết hiện nay tập đoàn và nhiều doanh nghiệp làm điện mặt trời khác đang gặp khó khăn trong việc qui hoạch về nguồn và lưới điện.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển Năng lượng Tập đoàn Hà Đô. Ảnh: ĐQ
Theo đó, nguồn điện và lưới điện chưa đồng bộ. Nguồn đang thu hút nhà đầu vào làm nhưng thực sự nhà đầu tư có năng lực hay không thì nhà nước chưa kiểm soát được.
"Nhiều nhà đầu tư xin bổ sung qui hoạch nhưng năng lực tài chính và khả năng làm đến đâu thì lại là vấn đề", ông Vinh nói.
Tương tự với đầu tư lưới điện, ông Vinh cho rằng điều này cần có lộ trình và thời gian.
Trước tình trạng quá tải lưới điện khi hàng loạt dự án điện mặt trời đi vào hoạt động, ông Vinh khẳng định công ty sẵn sàng đầu tư mảng này: "Chúng tôi sẵn sàng đầu tư. Cho chúng tôi đầu tư đến đâu chúng tôi đầu tư đến đó, miễn sao có lãi".
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là Hà Đô chưa có kinh nghiệm vận hành lưới tải điện. Ông Vinh cho biết Hà Đô sẽ chỉ đầu tư xây dựng mạng và giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lí, vận hành.
Ngoài ra, về cơ chế giá đại diện Hà Đô cho biết Chính phủ đang cân đối để đưa ra những dự án nào được hưởng giá FIT. Những dự án chưa thi công để đi vào hoạt động vào năm 2020 theo thông báo của Chính phủ là không được hưởng giá FIT.
"Không có cơ chế giá thì doanh nghiệp sao có thể làm được. Hiện nay, giá tấm pin giảm 35%, tuy nhiên do cơ chế vướng mắc nhiều nên chúng tôi cũng đợi cơ cơ chế khi nào mới thoát được thì mới làm tiếp.", ông Vinh nói.
Đối với cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng mặt trời, ông Vinh nói cần làm rõ mục tiêu của của đấu thầu là gì: "Theo cơ chế đấu thầu của Chính phủ, mục tiêu là để công khai, minh bạch. Tôi đồng ý mục tiêu minh bạch công khai là tốt, nhưng mục tiêu hiện nay, trước mắt của chúng ta là phải có điện để sử dụng. Vậy thì bao giờ mới có cơ chế đấu thầu?".
Bên cạnh đó, việc đấu thầu cần có hạ tầng. Điều này đòi hỏi cần giải tỏa để tạo đất "sạch". Về qui hoạch, hiện giờ vẫn chưa không triển khai được khi 11 tháng qua phải tạm dừng.
"Chúng ta xử lí được bài toán minh bạch nhưng liệu có tiết kiệm được thiên nhiên hay không thì gió vẫn thổi, mặt trời vẫn chiếu mà vẫn không sản xuất được ra điện. Trong khi đó, chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá khá cao, xấp xỉ 7 cent/kWh", ông Vinh nói.
Trong trường hợp đấu thầu thành công, đại diện Hà Đô tỏ ra quan ngại khi tỉ trọng thiết bị trong các dự án năng lượng mặt trời lên tới 90%, tỉ trọng xây dựng chỉ chiếm 10%. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa sản xuất được thiết bị nên đây sẽ là "sân chơi" cho nước ngoài.