Đại diện NHNN: SCB có tiềm lực nhưng thời gian qua đầu tư nhiều về bất động sản
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 sáng nay của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được trong năm qua của SCB, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhìn nhận việc xử lý những tồn đọng thời gian qua của SCB từ sau khi sáp nhập.
Cụ thể, tổng tài sản và nguồn vốn của SCB lần lượt đạt gần 509 nghìn tỉ và trên 418 nghìn tỉ đồng (huy động thị trường 1), đứng thứ nhất nhì các ngân hàng TMCP trên địa bàn TP HCM (không tính các ngân hàng có vốn Nhà nước). Tuy nhiên lợi nhuận đạt được còn khiêm tốn với khoảng 230 tỉ đồng, đứng thứ 9 trong tổng số 12 ngân hàng trên địa bàn.
Trước kết quả kinh doanh còn hạn chế này, ông Thuần cho rằng thời gian qua, SCB đã nỗ lực xử lý những tồn đọng từ sau sáp nhập, trong đó có những ngân hàng tốt và chưa tốt. Ban lãnh đạo ngân hàng đang từng bước củng cố vị trí SCB trên địa bàn TP HCM.
Bên cạnh đó, đánh giá toàn bộ tình hình đầu tư của ngân hàng. SCB có tiềm lực, tuy nhiên thời gian qua đầu tư nhiều về lĩnh vực bất động sản, hầu hết là những dự án lớn, nên để tính thanh khoản cao, cần phải có nhà đầu tư lớn, có tiềm lực. Chính vì vậy, SCB có thể đầu tư vốn trung và dài hạn nhiều hơn, nên không thể sinh lời được trong trước mắt. Đây cũng là những tồn tại mà SCB nhìn nhận với cơ quan quản ý thời gian qua.
Đại diện cơ quan quản lý, ông Thuần nêu ra một số điểm lưu ý đối với lãnh đạo SCB.
Thứ nhất, SCB cần hạn chế tập trung đầu tư bất động sản. "Nói như thế không có nghĩa là không đầu tư bất động sản, SCB đầu tư cần phải thẩm định, đánh giá phù hợp đối tượng đầu tư. Bất động sản nào có tính khả thi, hiệu quả, lợi ích, muốn như vậy thì cần cân đối lại nguồn vốn cho đầu tư ngắn, trung và dài hạn. Để đảm bảo khả năng sinh lời liên tục qua các năm, việc đầu tư cần phải có lộ trình , phương án kế hoạch. Điểm quan tâm nhất cần xử lý lại nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý", ông Thuần nhấn mạnh.
Thứ hai, SCB cần hạn chế đầu tư nhiều lĩnh vực rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng cần xem xét kỹ, tránh tình trạng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, kể cả thị trường chứng khoán, dễ rủi ro với đối với những tài sản đảm bảo là những cổ phiếu, khi ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng thì ảnh hưởng đến khách hàng, tiềm năng đầu tư của ngân hàng sẽ không đạt hiệu quả.
Thứ ba, phía NHNN lưu ý ban điều hành, Ban kiểm soát SCB cần nghiêm tức hơn nữa trong tái cơ cấu ngân hàng, thực hiện đề án đã được NHNN, Chính phú phê duyệt. Muốn thực hiện đề án tốt, SCB cần nghiêm túc thực hiện những khuyến cáo, cảnh báo của cơ quan quản lý nhà nước, kiên quyết xem xét và xử lý nợ xấu một cách quyết liệt, tuân thủ Nghị quyết 42/2017/QH14 Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058/QĐ-TTg 2017 Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Thứ tư, SCB tạm thời chưa chia cổ tức. Phần nợ bán cho VAMC, ngân hàng đang trích lập sự phòng, phải xử lý hết nợ xấu này thì mới được chia cổ tức.
Vì vậy, trong năm 2018, nhiều ngân hàng trên địa bàn TP HCM cũng không chia cổ tức bằng tiền nhiều, chỉ một số ngân hàng không có nợ bán cho VAMC thì được chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhằm tăng vốn, tăng năng lực cạnh tranh.
Vì vậy, nhiều ngân hàng đang dùng vốn để tăng vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển, đảm báo hoạt động an toàn, hạn chế rủi ro, đặc biệt là về mặt thanh toán điện tử.
Khi thực hiện tốt việc đó thì ngân hàng mới phát triển.
Được biết năm 2019, SCB đạt kế hoạch cho vay khách hàng tăng 13% lên 341.138 tỉ đồng; huy động thị trường 1 tăng 13,15% lên 473.338 tỉ đồng; huy động thị trường 2 giảm 16,16% còn 46.690 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 19,5% đạt 273 tỉ đồng.