|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại biểu TP HCM đề xuất cách huy động hàng tỉ USD làm cao tốc, sân bay

23:09 | 22/10/2019
Chia sẻ
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất Chính phủ bảo lãnh cho một số doanh nghiệp trong nước phát hành trái phiếu, giúp có lượng vốn hàng nghìn tỷ làm cao tốc Bắc - Nam, sân bay.

Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2019; kế hoạch năm 2020. Các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung khác như đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nghị quyết xóa nợ thuế, cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và nước…

Tại tổ TP.HCM, các đại biểu thảo luận sôi nổi về những kết quả kinh tế đạt được, băn khoăn về một số thách thức với nền kinh tế trong thời gian tới, trong đó có vấn đề điểm nghẽn hạ tầng. Có ý kiến đề xuất phương án huy động vốn để làm các dự án giao thông lớn, tốn hàng tỷ USD.

Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra thực trạng các nhà đầu tư đang rất ngao ngán về hạ tầng, nhất là giao thông tại TP.HCM.

“Tắc nghẽn cả trong đô thị, nội thành, trên đường cao tốc… Điều này làm chi phí logistics lên cao khiến nhà đầu tư rất ngao ngán”, ông nói.

Đại biểu TP HCM đề xuất cách huy động hàng tỉ USD làm cao tốc, sân bay - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông đề xuất cần phải nhanh chóng giải quyết điểm nghẽn giao thông ở các tuyến cao tốc, đường thủy, đường bộ, đường hàng không, sớm xây dựng sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng nguồn ngân sách hạn chế khiến TP.HCM khó phát triển các dự án hạ tầng, dù có tầm nhìn quy hoạch tốt. Ông chỉ ra tỷ lệ ngân sách giữ lại của TP.HCM đang thấp. Việc Bộ Tài chính quyết định mức giữ lại ngân sách của các địa phương cũng chưa thực tế, thiếu sự tính toán.

Ông cho rằng cần căn cứ vào chỉ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) để phân bổ ngân sách giữ lại cho các tỉnh thành. Chính phủ nên đầu tư vào tỉnh thành nào có hiệu suất sử dụng vốn cao nhất. Ông nhấn mạnh TP.HCM đang có chỉ số ICOR thấp, nghĩa là hiệu quả sử dụng vốn cao. Do đó, Chính phủ nên đầu tư vào đây hơn nữa để tạo điều kiện phát triển mang tính lan tỏa.

Về việc xây dựng cao tốc Bắc - Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân hoan nghênh việc hủy được các gói thầu quốc tế. Tuy nhiên, ông băn khoăn liệu các nhà đầu tư trong nước có đảm đương được không. Ông nêu ví dụ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được giao cho các nhà đầu tư trong nước nhưng đình trệ kéo dài do thiếu vốn, xung đột lợi ích.

Trong khi đó, ngân hàng thấy các dự án giao thông rủi ro nên không cho vay. Ông đề xuất Chính phủ nên bảo lãnh cho một số doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu làm cao tốc Bắc - Nam.

Đại biểu TP HCM đề xuất cách huy động hàng tỉ USD làm cao tốc, sân bay - Ảnh 2.

Bộ GTVT cho biết cần hơn 100.000 tỷ đồng để xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn phía đông. Ảnh: Việt Linh.

“Nếu để doanh nghiệp tự phát hành thì rủi ro lớn, không ai dám mua. Muốn làm được cao tốc, thì phải tăng bảo lãnh như một hình thức hợp tác công tư. Cách này cũng giúp có thêm động lực, có vốn để triển khai các đường cao tốc nhanh hơn. Kể cả làm đường sắt đô thị ở TP.HCM, sân bay”, ông Ngân đề xuất.

“Ở châu Âu, người ta nâng niu doanh nghiệp lắm”

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng xấu đi và biến động. IMF liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng xuống từ đầu năm đến nay. Thế giới ngày càng phải đối mặt với nhiều bất ổn từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, Brexit, bất ổn vùng Vịnh…

Ông đánh giá cao những kết quả kinh tế mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo Quốc hội vào sáng 21/10, tuy nhiên đặt câu hỏi: “Làm thế nào để kinh tế duy trì được sự tăng tốc ấy?”.

Trả lời câu hỏi, ông cho rằng để nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ, phải phát triển kinh tế khu vực tư nhân, song song cải thiện hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước. Ông đánh giá Nghị quyết 10/2017 của Ban chấp hành Trung ương là động lực quan trọng cho khối kinh tế tư nhân phát triển.

Đại biểu TP HCM đề xuất cách huy động hàng tỉ USD làm cao tốc, sân bay - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội cho rằng để nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ, phải phát triển kinh tế khu vực tư nhân. Ảnh: Việt Linh.

Tuy nhiên, trong thực tế, kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề xuất cần có đột phá hơn về thể chế khuyến khích khối tư nhân đầu tư, làm ăn. Cụ thể, tư nhân chưa dám đầu tư dài hạn vì chưa có niềm tin vào thể chế, luật pháp thường xuyên điều chỉnh.

“Kinh tế tư nhân đang phát triển ở tầm ngắn hạn, thiếu những doanh nghiệp dài hạn. Chúng ta thiếu những đại gia, Việt Nam cần những tập đoàn lớn như Intel, Samsung. Kinh tế tư nhân lóe lên thời gian qua nhưng cần tiếp tục được hỗ trợ, bơm xích”, ông phát biểu.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng việc phát triển kinh tế tư nhân đã được nói rất nhiều, nhưng làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân lớn lên, nhỏ vươn lên vừa, vừa vươn lên lớn, làm thế nào để bảo vệ các doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm.

“Chúng tôi đi châu Âu, họ nâng niu doanh nghiệp lắm. Họ tổ chức các cơ quan riêng để giúp các doanh nghiệp đặc biệt là nhỏ để hoàn tất thủ tục, huy động vốn. Họ giúp doanh nghiệp nhỏ ngày càng lớn hơn”, ông chia sẻ.

Đại biểu đề xuất Việt Nam cần hình thành một luật riêng biệt để bảo vệ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hiện các điều khoản bảo vệ đã có nhưng nằm rải rác, chưa thống nhất.

Đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng nền kinh tế đang chứng kiến sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư, tỷ lệ khối Nhà nước giảm đi trong khi tư nhân tăng lên. Ông đề xuất thu hút nguồn lực xã hội hơn nữa cho các dự án trọng điểm, giúp giải quyết khó khăn về ngân sách.

“Đầu tư cho tư nhân là tạo động lực cho phát triển. Cần phải tiếp tục phát huy, cho nguồn lực này phát triển bền vững trong thời gian tới”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nói.

Hơn 100 nghìn tỷ đầu tư xây cao tốc Bắc - Nam

Chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV với phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Đến tháng 10/2018, Bộ GTVT đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của toàn bộ 11 dự án thành phần. Tổng chiều dài toàn tuyến là 654,3 km.

Tổng mức mức đầu tư của 11 dự án là 102.000 tỷ đồng, gồm hơn 50.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước và 51.702 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Hiếu Công