|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải quyết nỗi lo 'đói' vốn cho các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam

20:02 | 01/10/2019
Chia sẻ
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sẽ cố gắng trong khả năng cân đối nguồn vốn cho các dự án cao tốc Bắc - Nam, nhưng cần làm rõ chính sách liên quan BOT để không gây rủi ro.

Thời gian qua nhiều dự án BOT gặp thua lỗ, vỡ phương án tài chính khiến nhiều nhà đầu tư nao núng, các ngân hàng khó khăn trong việc thu hồi vốn nên không muốn tiếp tục cho vay đang đặt ra vấn đề vốn cho các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam.

Giải quyết nỗi lo 'đói' vốn cho các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam  - Ảnh 1.

Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ là dự án đường cao tốc cuối cùng thuộc tuyến đường cao tốc Bắc – Nam Việt Nam chậm tiến độ do "khát" vốn.

Nhà đầu tư “ngóng” ngân hàng

Cho đến thời điểm này, việc thu xếp nguồn vốn tín dụng cho Dự án BOT Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang là một thách thức lớn đối với nhà đầu tư - Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và UBND tỉnh Tiền Giang.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, nhóm 3 ngân hàng tài trợ vốn cho công trình này thống nhất cho vay tối đa 5.800 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cam kết cung cấp 3.300 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết cung cấp 1.500 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cung cấp khoảng 1.000 tỷ đồng.

Như vậy, nếu cộng với phần vốn hỗ trợ của Nhà nước là 2.186 tỷ đồng, số vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư có thể huy động tối đa là 3.400 tỷ đồng, Dự án BOT Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn thiếu khoảng 1.282 tỷ đồng (trong tổng mức đầu tư vừa được điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng).

Không chỉ Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, một loạt dự án BOT cao tốc khác cũng đang không thể thu xếp nổi vốn tín dụng như Hữu Nghị - Chi Lăng; Vân Đồn - Móng Cái… trong số này, có những công trình đã khởi công 1 - 2 năm.

Đây là lý do khiến nhiều nhà đầu tư trong nước không vội mừng, ngay cả khi Bộ GTVT vừa hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hình thức đấu thầu trong nước.

Ngân hàng nói “khó" ở chỉ số an toàn vốn

Trao đổi về vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, với các dự án cao tốc Bắc - Nam, chắc chắn hệ thống ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm quan tâm.

“Sẽ cố gắng trong điều kiện khả năng cân đối nguồn vốn đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Mặt khác, các bộ ngành, địa phương cũng cần phải làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro như giá cả BOT, vị trí đặt trạm…", ông Tú nhấn mạnh.

Ông Tú cho biết quy mô vốn cho vay dự án BOT giao thông và cao tốc rất lớn lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Trong khi đó, trong cơ cấu vốn, các ngân hàng đang huy động vốn ngắn hạn mà phải cho vay trung dài hạn, mỗi dự án từ 10-15 năm như BOT thì "cũng là một bài toán khó", đặt ra vấn đề về chỉ số an toàn vốn.

Theo ông Tú cho biết, hàng loạt dự án BOT giao thông khác ở phía Bắc, cũng cần được giới ngân hàng quan tâm như đường từ Chi Lăng lên đến Hữu Nghị (Lạng Sơn) dự kiến cần khoảng 8.000 tỉ đồng.

Được biết, trong số khoảng 118.000 tỉ đồng vốn đầu tư làm đường cao tốc Bắc Nam, ngân sách góp 55.000 tỉ đồng, còn lại khoảng 63.000 tỉ đồng huy động từ khu vực tư nhân. Con số này không lớn nếu so với hơn 100.000 tỉ đồng vốn tư nhân đề xuất đầu tư vào các nhà máy BOT nhiệt điện thời gian qua.

Trước đó, cuộc thầu quốc tế BOT cao tốc Bắc – Nam không thành công đặt ra không ít băn khoăn bởi đây là lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức đấu thầu quốc tế với kỳ vọng tìm được những nhà đầu tư đủ tiềm lực về tài chính, kỹ thuật làm dự án.

Bộ GTVT sau đó thông báo sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước đủ năng lực bỏ vốn làm 8 dự án BOT cao tốc Bắc - Nam trong tháng 10 tới.

Quy trình là vậy nhưng thành công của cuộc thầu thứ 2 này tiếp tục bỏ ngỏ, bởi nhiều lo ngại về tiêu chí vốn và kinh nghiệm với các nhà đầu tư.

Trong số 60 bộ hồ sơ dự sơ tuyển đấu thầu quốc tế đường cao tốc Bắc Nam vừa qua có 15 bộ hồ sơ của nhà đầu tư trong nước với các gương mặt quen thuộc đã làm nhiều dự án BOT như Công ty CP tập đoàn đầu tư Đèo Cả, Công ty CP Tasco, Công ty TNHH tập đoàn Sơn Hải, Công ty CP đầu tư và xây dựng Phương Thành, Công ty CP tập đoàn Hùng Thắng...

Các nhà đầu tư này có lợi thế kinh nghiệm làm dự án BOT nhưng rất khó khăn trong huy động thêm vốn ngân hàng thương mại để làm 8 dự án BOT cao tốc Bắc Nam. Họ cũng rất khó huy động đủ 20% vốn chủ sở hữu tham gia vào mỗi dự án khi đã bỏ vốn sở hữu vào nhiều dự án BOT đang vận hành khai thác.

Dự án cao tốc Bắc - Nam dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước.

8 dự này gồm các tuyến: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.

Bộ Giao thông Vận tải thông tin, sau khi hủy kết quả sơ tuyển đấu thầu quốc tế, dự kiến tháng 10 tới Bộ sẽ phát hồ sơ mời thầu và sơ tuyển nhà đầu tư trong nước cho 8 dự án cao tốc Bắc Nam, chấm sơ tuyển và tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào đầu năm 2020.

Anh Duy