|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

‘Đặc sản’ lỗi lệnh, quá tải hệ thống tại HOSE: Ngán nhưng vẫn phải ăn đến cuối năm 2021?

17:05 | 22/02/2021
Chia sẻ
Rủi ro hệ thống giao dịch đã tác động lớn đến tâm lý của nhà đầu tư. Trong nhiều phiên giao dịch, đây là khởi nguồn của việc nhà đầu tư "bắn" các lệnh thị trường (MP) bán cổ phiếu bằng mọi giá. Hệ quả là cổ phiếu giảm sàn chỉ ít phút sau đó.

Thị trường chứng khoán đã có một năm 2020 đầy bất ngờ. Sự thăng hoa của kênh đầu tư này diễn ra trong bối cảnh những dự báo về tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 liên tục được đưa ra. Đây tưởng như là nghịch lý khi kiếm tiền trên thị trường chứng khoán lại dễ dàng hơn rất nhiều so với cách mà các doanh nghiệp đang chật vật để tồn tại.

Hệ quả là nhà đầu tư đã ồ ạt mở tài khoản để giao dịch chứng khoán. Số lượng tài khoản mở mới tại Việt Nam tháng sau phá vỡ kỷ lục của tháng trước. Sự xuất hiện của đội ngũ "nhà đầu tư F0" đẩy thanh khoản thị trường bùng nổ.

Giá trị giao dịch khớp lệnh mỗi phiên vượt mốc 20.000 tỷ đồng trở nên quen thuộc với nhà đầu tư trong "năm COVID-19 thứ nhất". Đến đây, câu chuyện quá tải hệ thống giao dịch trở thành một vấn đề lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng rủi ro hệ thống công nghệ đang tác động tiêu cực đến tâm lý giới nhà đầu tư.

Những phiên biến động mạnh của thị trường từ giữa tháng 1 cho thấy rõ nét những rủi ro từ hệ thống công nghệ như thế nào.

Trong cơn bĩ cực của thị trường, nhà đầu tư hoang mang khi không thể đặt lệnh bán. Cùng với đó, bảng điện của các công ty chứng khoán không thể hay hiển thị chậm về bước giá đang khớp lệnh thực tế trên sàn khiến nhà đầu tư bán tháo bằng mọi giá.

Hệ quả là, quyết định bán bằng lệnh thị trường (lệnh MP) đẩy cổ phiếu giảm sàn chỉ sau ít phút. Khi đó, tâm lý hoảng loạn được đẩy lên cao.

Trong những tháng gần đây, dòng thông báo "lỗi giao dịch, không nhận lệnh, HOSE đang không trả xác nhận (confirm – theo thông báo gốc) lệnh mới kể từ thời điểm…" của công ty chứng khoán quá đỗi quen thuộc với nhà đầu tư.

‘Đặc sản’ lỗi lệnh, quá tải hệ thống tại HOSE: Ngán nhưng vẫn phải ăn đến cuối năm 2021? - Ảnh 1.

Thông báo được một công ty chứng khoán gửi đi. Nguồn: CTCK.

Nói về thực trạng này, ông Lê Hải Trà - Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) từng cho biết số lượng lệnh giao dịch của Top20 công ty chứng khoán hàng đầu tăng 3 – 12 lần trong năm 2020.

"Dù HOSE đã có năng lực dự phòng nhất định, nhưng mức tăng này quá lớn, khiến hệ thống không thể đáp ứng nhu cầu khi đường truyền giữa hệ thống của Sở và hệ thống của các CTCK không thay đổi", người đứng đầu HOSE chia sẻ.

Những lo ngại về rủi ro hệ thống công nghệ giao dịch được giải quyết bằng một giải pháp tình thế đó là nâng lô từ 10 cổ phần lên 100 cổ phần. Người đứng đầu HOSE cho biết việc này sẽ giảm khoảng 18% số lượng đặt lệnh trên thị trường.

Mặc dù việc nâng lô giao dịch lên 100 cổ phiếu được HOSE áp dụng ngay từ phiên giao dịch đầu năm (4/1), tình trạng quá tải trên hệ thống tiếp tục diễn ra. Nhiều nhà đầu tư nghĩ đến giải pháp nâng lô giao dịch lên 1.000 đơn vị, thậm chí là 10.000 đơn vị. Nhưng điều này rõ ràng sẽ làm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư cá nhân.

Nói thêm, trong nhiều phiên giao dịch, nhà đầu tư không thể đặt lệnh mua bán khi giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE vượt 15.000 tỷ đồng. Song, một số phiên giao dịch thì mức giới hạn có thể tăng lên 16.000 tỷ đồng hoặc giảm xuống chỉ còn hơn 14.000 tỷ đồng. Không ai biết được con số chắc chắn khi nào hệ thống giao dịch sẽ "đơ" với giá trị bao nhiêu.

Nhưng sự cảnh giác và những lo ngại về việc không thể mua hoặc không thể bán tại thời điểm giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt gần những mốc giá trị trên vô hình chung đã tạo ra hiệu ứng đám đông trên thị trường.

Trong những phiên điều chỉnh, vào thời điểm giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt hơn 13.000 tỷ đồng, nếu lực bán trên thị trường xuất hiện và tình trạng chậm hiển thị giá khớp lệnh khiến nhà đầu tư đặt lệnh MP, cổ phiếu sẽ giảm sàn sau ít phút, một nhân viên môi giới chia sẻ.

Một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề đang đánh giá quá tải, trả kết quả sai, bảng giá chậm, đang trở thành "đặc sản" của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Đây là một lực cản lớn đối với thị trường.

Nhà đầu tư vẫn loay hoay giữa hai dòng lựa chọn. Nếu không giao dịch đồng nghĩa với việc là bỏ qua cơ hội, thậm chí đây là nghề nghiệp của nhiều người. Nhưng giao dịch sẽ phải "ôm" hết rủi ro hệ thống về mình vì chưa có một thông báo chính thức nào từ HOSE làm thỏa lòng họ.

"Về mặt nguyên tắc của quy trình đặt lệnh, chỉ khi nào các giao dịch "bước qua cửa" HOSE thì chúng tôi mới có thể xử lý. Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các nhà mạng để kiểm tra lượng dữ liệu tới cổng của chúng tôi như thế nào, trong khoảng thời gian nào và khi nào có dấu hiệu ùn ứ. HOSE đang cố gắng làm rõ việc này", ông Lê Hải Trà từng nói.

Nhưng đến đây, khi nào lệnh có thể "bước qua cửa" HOSE hay đường truyền nhà mạng đang ra sao, nhà mạng nào cung cấp dịch vụ lại không ai nói. Chỉ có những người quản lý của HOSE mới thực rõ.

Để rồi, nhà đầu tư chỉ còn biết kỳ vọng vào việc ra mắt hệ thống mới của HOSE. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra yêu cầu HOSE và các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống Công nghệ thông tin TTCK (KRX) sớm vào hoạt động, thay thế cho hệ thống hiện nay trong thời gian sớm nhất để có thể giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch.

"Dự kiến sau Tết, HOSE sẽ thực hiện test (kiểm nghiệm – PV) kiểm tra hệ thống với các công ty chứng khoán. Nếu mọi vấn đề diễn ra thuận lợi, hệ thống KRX có thể vận hành chính thức vào cuối năm 2021", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng chia sẻ thông tin với báo giới.

Như vậy, nhà đầu tư chứng khoán dù không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận tình trạng như những gì đang diễn ra hiện nay trong những tháng tới. "Đặc sản" lỗi lệnh, đơ hệ thống dù họ có ngán cũng vẫn phải ăn.

Hoàng Linh