|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nâng lô cổ phiếu Việt Nam lên 1.000, tại sao không?

10:03 | 03/02/2021
Chia sẻ
Trên thế giới, TTCK Singapore, Nhật Bản, Đài Loan… đã và đang áp dụng lô 1.000 cổ phiếu, TTCK Việt Nam cũng nên áp dụng lô 1.000 để giải bài toán nghẽn hệ thống. Ông Lê Hải Trà, người đứng đầu sàn HOSE chia sẻ thuật toán chọn lệnh vào khớp khi hệ thống chạm ngưỡng tối đa và cho biết, HOSE đang tính nhiều giải pháp để vượt qua sự tắc nghẽn.

Thuật toán nhập lệnh vào sàn tại HOSE

Ông Lê Hải Trà, Phụ trách điều hành Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, nguyên gốc của hệ thống giao dịch tại HOSE là của Chicago, chứ không phải do Thái Lan xây dựng. Chicago là thị trường tiên phong xu thế phát triển hệ thống khớp lệnh tự động bằng máy tính trên thế giới. Người Thái, khi làm TTCK đã chọn cách đi tắt đón đầu, mua hệ thống từ Chicago. Hệ thống giao dịch tại Chicago lại thuộc bản quyền của một công ty ở Anh. Khi TTCK Việt Nam mở cửa năm 2000 và nhận lại hệ thống giao dịch từ Thái Lan, hệ thống đã mang sẵn những đặc tính của quá khứ. “Trong yêu cầu bảo vệ hệ thống, thuật toán từ Chicago đã được định sẵn và quá tầm tư duy, sửa đổi của chúng ta”, ông Trà nói.

Nâng lô cổ phiếu Việt Nam lên 1.000, tại sao không? - Ảnh 1.

Nguyên gốc của hệ thống giao dịch tại HOSE là của Chicago, chứ không phải do Thái Lan xây dựng

Thực tế, hệ thống nào cũng chỉ chịu tải được một lượng lệnh giới hạn, chứ không thể vô biên. Tại Việt Nam, bài toán hệ thống đã không lường trước được câu chuyện lượng lệnh có những ngày vào sàn vượt quá dung lượng tiếp nhận. Khi diễn biến này xảy ra, việc giữ an toàn hệ thống tại sàn HOSE được thực hiện theo thuật toán do cách sàn Chicago đặt ra.

Thuật toán như sau: trong dung lượng tối đa sàn tiếp nhận được, chẳng hạn là 900.000 lệnh/phiên, hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng. 80% còn lại chia cho công ty chứng khoán theo 2 vòng. Vòng 1, chia đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh. Phần này, các công ty chứng khoán đều được chia như nhau, kể cả công ty đã dừng hoạt động. Sau khi chia xong vòng 1, đến vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được chia theo tỷ trọng lấy số lệnh vào hệ thống bình quân từ 30 ngày gần nhất của từng công ty để làm căn cứ chia lệnh vào mới. Cách này nhằm tối ưu hóa tài nguyên của hệ thống đang vận hành. Việc phân bổ số lượng lệnh dựa trên dữ liệu sử dụng thực tế nhằm ngăn chặn được sự gia tăng đột biến về số lượng lệnh xuất phát từ lỗi hệ thống của một công ty chứng khoán nào đó, có thể gây sập hệ thống của Sở.

Thuật toán cũng định sẵn rằng, khi hệ thống chạy hết 80% dung lượng được phép (chủ yếu lệnh vào từ các công ty chứng khoán trong TOP 20 thị trường), nó sẽ chuyển sang cho phép nhận tiếp 20% dung lượng dự phòng. Phần 20% dự phòng không tính theo cách phân bổ lệnh với từng công ty, mà công ty nào nhập trước sẽ vào trước. Khi dung lượng lệnh dự phòng dùng hết, hệ thống sẽ dừng nhận lệnh của các chủ thể chạm ngưỡng tối đa. Vào thời điểm đó, do thị trường vẫn có những công ty chứng khoán quá nhỏ, chưa dùng hết dung lượng được cấp, nên hệ thống vẫn nhấp nháy lệnh chạy vào qua các công ty loại này. Thuật toán đã được định sẵn này không cho phép HOSE thay đổi hay có thể tác động theo kiểu “ra đầu bài” chọn lệnh, như cách nhà đầu tư đặt nghi vấn.

Nâng lô cổ phiếu Việt Nam lên 1.000, tại sao không?

Câu chuyện TTCK Việt Nam tăng vọt thanh khoản trong năm 2020 là điều không được lường trước. Nếu như từ năm 2019 trở về trước, thanh khoản trên sàn đạt 4.000 - 5.000 tỷ đồng là đã cao thì sang năm 2020, TTCK chứng kiến những phiên thanh khoản gần 1 tỷ USD, gấp 4-5 lần mức cao nhất của quá khứ. “Các công ty chứng khoán trong TOP 20 có lượng lệnh vào sàn tăng trên 3 lần; số lệnh chung của tất cả các công ty chứng khoán tăng 5-6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào sàn 13-18 lần. Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá dự kiến của cả hệ thống, khiến TTCK Việt Nam bị nghẽn lại một cách bất khả kháng”, ông Trà chia sẻ.

Nâng lô cổ phiếu Việt Nam lên 1.000, tại sao không? - Ảnh 2.

Sàn HOSE hiện có 396 doanh nghiệp niêm yết và liên tục đón thêm doanh nghiệp niêm yết mới, tạo thêm áp lực cho hệ thống giao dịch hiện nay

Trước tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo HOSE nâng đơn vị giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô để hạn chế giao dịch lô lẻ. Giải pháp này thực hiện từ ngày 04/01/2021, nhưng tình trạng nghẽn lệnh vẫn xảy ra hoặc có dấu hiệu xảy ra khi thanh khoản chạm đến mức 15.000 -16.000 tỷ đồng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chỉ đạo HOSE yêu cầu các CTCK rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía công ty, hạn chế giao dịch tự động... nhằm tránh tác động xấu đến hệ thống, thực hiện rà soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, hạn chế lỗi có thể xảy ra đối với hệ thống giao dịch, tăng cường trực ca vào thời gian giao dịch cao điểm.

Về dài hạn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu HOSE và các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống mới sớm vào hoạt động, thay thế cho hệ thống hiện nay trong thời gian sớm nhất để giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch. Từ phía HOSE, ông Trà cho biết, Sở đang và sẽ nỗ lực tối đa cho việc hoàn thiện hệ thống mới một cách sớm nhất.

Trong góc nhìn từ thị trường, ông Lê Văn Cường, một nhà đầu tư lớn cho rằng, xã hội có thể thông cảm cho HOSE vì lỗi bất khả kháng, nhưng nếu để tình trạng này kéo dài thì TTCK sẽ méo mó đi. “Trong tình hình hiên tại, nhà quản lý phải tìm ra cách để không bị nghẽn nữa. Cách đơn giản nhất là nâng tiếp đơn vị giao dịch, từ 100 hiện nay lên 200 - 300, thậm chí lên đến 1.000 cổ phiếu/lô để giữ giao dịch thông suốt và tránh rủi ro khách quan cho nhà đầu tư”, ông Cường kiến nghị. Các lệnh giao dịch nhỏ hơn có thể xử lý theo cách khác, giao dịch tại công ty chứng khoán chẳng hạn.

Nếu nâng lô lên 1.000 cổ phiếu thì sao? Các nhà đầu tư nhỏ hoặc quen với việc chẻ lệnh thành nhỏ để giao dịch có thể sẽ không hài lòng khi họ bị hạn chế giao dịch trực tiếp vì thế cần có giải pháp phù hợp cho quyền giao dịch của họ được thông suốt trên thị trường. Giải pháp được đề xuất là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định, các công ty chứng khoán mua cổ phiếu lô lẻ theo giá đóng cửa, thay vì mua giá sàn như hiện nay.

Trong góc nhìn chuyên gia, lô 1.000 cổ phiếu là giải pháp giúp TTCK Việt Nam đạt được 2 mục tiêu. Thứ nhất là giảm được số lệnh nhỏ và quá nhỏ vào sàn, từ đó trực tiếp làm giảm áp lực lên hệ thống nhận lệnh hiện nay tại HOSE. Thứ hai, nâng lô giao dịch sẽ gián tiếp thúc đẩy nhà đầu tư nhỏ, lẻ chọn đầu tư qua quỹ, thúc đẩy ngành công nghiệp quản lý quỹ phát triển, để gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường theo đúng mục tiêu của Chính phủ. Hiện nay TTCK Việt Nam có 57 quỹ đầu tư, quản lý tài sản đầu tư minh bạch (báo cáo hàng ngày, hàng tuần theo quy định pháp lý), với hiệu quả quản lý ấn tượng. Trao đổi với Kinh tế và Dự báo mới đây, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tăng trưởng giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) của các quỹ hiện nay trung bình đạt từ 15 - 18%/năm, đặc biệt, có quỹ ETF đạt mức tăng trưởng NAV/CCQ  tới 55%/năm.

Bản chất của TTCK là cuộc chơi có lợi nhuận bằng 0, nên nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn yếu thế so với các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, trường vốn và nhiều kinh nghiệm. Thực tế đã chứng minh, nhà đầu tư nhỏ lẻ rất hiếm khi có lãi trên thị trường, hoặc nếu có lãi chỉ là lãi tạm. Việc nâng lô giao dịch có thể không dễ chấp nhận tức thời với nhà đầu tư nhỏ, lẻ, nhưng đó lại là giải pháp bảo vệ nhà đầu tư đại chúng, khi họ chưa có đủ kinh nghiệm và toàn tâm với hoạt động đầu tư trên sàn.

Đón năm mới Tân Sửu, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và lãnh đạo nhiều tổ chức tài chính trung gian như BVSC, VNDS, SSI, Phú Hưng, BSC... chia sẻ dự báo rằng, TTCK Việt Nam sẽ có một năm tích cực trên nền tảng kinh tế vĩ mô phát triển ổn định. Hệ thống giao dịch là bài toán kỹ thuật, đang chờ thay nền tảng mới, nhưng trong giai đoạn chờ đợi đó, hệ thống không nên và không thể để tái diễn tình trạng nghẽn lệnh, gây ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư cũng như đà tăng trưởng của toàn thị trường.

Hồng Lĩnh