Dabaco ước lãi sau thuế giảm 64% trong quý III
Quý III được đánh giá là quý khó khăn nhất trong năm đối với các doanh nghiệp trong nước dưới tác động của đợt dịch lần thứ tư.
Nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng - sản xuất – chế biến – tiêu thụ; các hoạt động giao thương, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế và đình trệ.
CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) cho biết quý III ước đạt 4.133 tỷ đồng doanh thu, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái song lợi nhuận sau thuế lại giảm 64% còn 138 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, Dabaco ước đạt 13.669 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 85% so với 9 tháng năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 718 tỷ đồng; giảm gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý, quý III năm ngoái Dabaco ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý cao thứ hai chỉ sau quý II/2020. Năm 2020 cũng là năm Dabaco báo lãi kỷ lục nhờ ngành chăn nuôi phục hồi giúp các đơn vị chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt kết quả cao.
So với kế hoạch năm nay, Dabaco đã thực hiện được lần lượt 88,5% chỉ tiêu doanh thu và 87% kế hoạch lợi nhuận.
Trong một báo cáo phân tích giữa tháng 9, Chứng khoán BSC đánh giá giá lợn hơi quý III dự kiến tiếp tục giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, do các biện pháp dãn cách xã hội gây ra mất cân bằng cung cầu và thịt lợn nhập khẩu giá rẻ tăng cao.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp của Dabaco còn chịu áp lực từ giá nguyên vật liệu tồn kho ở mức cao trong quý II. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng biên lợi nhuận gộp quý IV sẽ phục hồi nhẹ nhờ vào các biện pháp nới lỏng giãn cách nhờ dịch bệnh được kiểm soát và xu hướng giảm giá nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi do tình hình thời tiết khả quan và tình hình đầu cơ nông sản giảm.
Ngoài ra, mảng kinh doanh bất động sản dự kiến được cải thiện nhờ ghi nhận doanh thu từ dự án Lotus Center trong tháng 8, sẽ giảm một phần áp lực doanh thu của Dabaco.
BSC dự báo doanh thu thuần của Dabaco ước đạt 10,750 tỷ đồng năm nay, tăng 7,3% còn lợi nhuận sau thuế giảm 19,5% còn 1,127 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu tiếp tục tăng trưởng nhờ mảng thức ăn chăn nuôi (tăng 24%) về cả giá và lượng nhờ quy mô con giống và tỷ lệ tái đàn trên cả nước tăng trưởng tốt sau khi dịch ASF đươc khống chế.
Bên cạnh đó, mảng chăn nuôi - chế biến dự kiến tiếp tục tăng trưởng 10% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu lợn giống tiếp tục tăng trưởng bởi các biện pháp hạn chế nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan kể từ 30/6 hỗ trợ các hoạt động tái đàn trên cả nước và dịch bệnh ASF được kiểm soát nhờ đẩy mạnh việc tiêm vắc xin.
Biên lợi nhuận gộp năm dự kiến suy giảm từ 26% xuống còn 21% chủ yếu do diến biến trái chiều của giá nguyên vật liệu và giá lợn hơi. Cụ thể là, mức giá tăng 15% giá thức ăn chăn nuôi không đủ để bù đắp mức tăng giá của nguyên vật liệu và mức giảm của giá lợn hơi trong năm 2021 (giảm 19%).