Đà tăng trưởng hiện nay 'có thể biến Việt Nam thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới'
Việt Nam đang hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài |
Báo The Globe and Mail vừa đăng một bài viết của Eric Miller, chuyên gia của Viện Nghiên cứu các Vấn đề Toàn cầu Canada (CGAI), đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Rideau Potomac Strategy (chuyên về thương mại, chuỗi cung ứng và an ninh mạng, về sự thay đổi của nền kinh tế Việt Nam. Dưới đây là bản lược dịch bài viết của ông.
Việt Nam đang duy trì tốc độ phát triển nhanh. Trong những thập niên gần đây, Việt Nam hội nhập dần vào nền kinh tế toàn cầu và trở thành một trong những trung tâm sản xuất của thế giới.
Năm 2018, Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là văn kiện mở ra cơ hội tự do giao thương với Canada, Nhật Bản và một loạt các quốc gia khác.
CPTPP sẽ tăng thu nhập trung bình, thúc đẩy sự dịch chuyển sản xuất toàn cầu về Việt Nam. Sản lượng các ngành sản xuất của Việt Nam - từ đồ nội thất đến giày dép đang tăng trưởng nhanh chóng.
Mọi người có thể cảm nhận sự thay đổi của nền kinh tế Việt Nam ngay trên đường phố và qua các con số thống kê. Từ năm 2008 đến nay, kinh tế Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng trên 5%. Ba năm qua, tăng trưởng kinh tế đều đạt trên 6%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2018.
Doanh nghiệp vận tải trưng bày xe tải trong Hội chợ triển lãm quốc tế Vietfish 2018 diễn ra từ ngày 22 tới 24/8. Ảnh: Hiếu Quân |
Năm 2017, hãng kiểm toán PWC đánh giá Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2017-2050, với mức tăng trưởng bình quân 5,1%/năm. Đà tăng trưởng như thế sẽ giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới.
Đạt tới thành công đó không phải là điều chắc chắn 100%. Hiện nay, chính phủ Việt Nam đang theo đuổi một mục tiêu quan trọng hơn nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của đất nước, đó là cải cách kinh tế trong nước. Nỗ lực cải cách tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hiệu quả và minh bạch trong quản lý, giảm các dịch vụ công.
Một trong những công cụ để đánh giá hiệu quả thực hiện cải cách là "Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)". Chỉ số này xếp hạng chất lượng và năng lực quản lý kinh tế của các tỉnh và thành phố ở Việt Nam.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở khu vực Đông Nam Á. Sự chuyển đổi của Việt Nam đã và sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng giữa hai nước. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Canada sang Việt Nam đã tăng gấp hai lần so với năm 2016.
Với những thuận lợi từ hiệp định CPTPP, Canada có điều kiện lý tưởng để hỗ trợ Việt Nam các công cụ chuyển đổi, đồng thời đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang tăng ở Việt Nam.
Giáo dục cũng là lĩnh vực tạo ra nhiều cơ hội. Số lượng sinh viên Việt Nam tăng nhanh nhất trong số du học sinh nước ngoài tại Canada. Trong vòng 3 năm qua, số sinh viên Việt Nam học tại các trường đại học và cao đẳng ở Canada tăng gấp ba lần lên 15.000 người và con số ấy vẫn có thể tiếp tục tăng.
Một trong những lợi thế để Canada thúc đẩy quan hệ thương mại với Việt Nam chính là cộng đồng người Việt ở đây. Khoảng 240.000 người gốc Việt đang sống ở Canada. Nhiều người trong số họ đang có mối quan hệ làm ăn tại quê hương.
Wayne Gretzky, cựu danh thủ khúc côn cầu người Canada, từng nói: "Đường dẫn đến thành công là trượt đến nơi mà quả bóng sẽ tới, chứ không phải nơi nó đã tới".
Với CPTPP, một trong những nơi quan trọng mà quả bóng sẽ đến là Việt Nam. Hãy cột dây giày, trượt theo quả bóng và đưa nó vào lưới. Người Canada và người Việt Nam sẽ cùng có lợi.
Xem thêm |